+
Aa
-
like
comment

Thách thức hay cơ hội khi dân số Trung Quốc giảm kỷ lục?

Lan Hoa - 30/07/2022 12:22

Theo Thời báo Toàn cầu (Global Times) của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng dân số của nước này đã giảm xuống mức kỷ lục và dự kiến ​​sẽ chuyển sang tăng trưởng âm trước năm 2025.

Dân số Trung Quốc đang ở mức giảm kỷ lục

Trích lời ông Yang Wenzhuang, người đứng đầu vấn đề dân số và gia đình tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, dân số nước này chỉ tăng nhẹ trong năm 2021 – từ 1,41212 tỷ lên 1,41260 tỷ dân. Như vậy, năm 2021, chỉ có 10,62 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc. Tỷ lệ gia tăng dân số Trung Quốc, không bao gồm di cư, chỉ đạt 0,034% vào năm 2021, thấp nhất kể từ năm 1960. Đây là mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng âm trong giai đoạn 2021-2025.

Dữ liệu cũng cho thấy, năm 2021, tỷ suất sinh của Trung Quốc giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 7,52 / 1.000 người. Bên cạnh đó, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc – số con mà một người sẽ sinh trong suốt cuộc đời cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 1,15 – vào dạng thấp nhất trên thế giới.

Tỷ lệ sinh con tại Trung Quốc giảm kỷ lục những năm gần đây

Theo số liệu thống kê, khi dân số Trung Quốc suy giảm, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động dưới 60 tuổi đã giảm từ 70,1% năm 2020 xuống còn 63,3% vào năm 2021. Dân số cao tuổi của Trung Quốc (từ 65 tuổi trở lên) dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong phần lớn thời gian đó; đến gần năm 2080 lượng người già sẽ nhiều hơn dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc.

Người già nhiều, lao động ít sẽ khiến chi phí lao động cao hơn, do lực lượng lao động thu hẹp nhanh chóng, sẽ đẩy các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động thủ công, tỷ suất lợi nhuận thấp ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước có nguồn nhân công dồi dào như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang mất dần đi danh hiệu “công xưởng của thế giới” do tình trạng già hóa dân số. Và các thị trường tiềm năng khác đang được hưởng lợi từ chính điều này, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Còn theo ông Raymond Yeung, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ANZ cho rằng: “Dân số già của Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến thế giới vì chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đây là một lời cảnh báo không chỉ đối với Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, vì Trung Quốc là cốt lõi của chuỗi cung ứng.”

Ông Raymond Yeung, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại ANZ

Ngoài ra, một số tác động khác có thể xảy ra với thị trường tài chính, vì tỷ lệ tiết kiệm cao ở nước này đã và đang hỗ trợ cho thị trường toàn cầu. Về lâu dài, Trung Quốc có thể đánh mất đi tầm ảnh hưởng và uy tín của mình trên thương trường quốc tế.

Bên cạnh đó, khi dân số có xu hướng già hóa, Trung Quốc sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi xã hội, thậm chí là cạn kiệt quỹ lương hưu vào năm 2035, dẫn tới tình trạng lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Điều này sẽ tạo điều kiện cho “đối thủ” của Trung Quốc là Mỹ bứt phá, chiếm được nhiều ưu thế trong cuộc đua tranh giành quyền lực kinh tế trên toàn cầu

Dân số độ tuổi lao động ngày càng thấp là thách thức đối với kinh tế Trung Quốc

Đồng thời, Trung Quốc sẽ phải dành nhiều nguồn lực của mình hơn cho việc cung cấp các dịch vụ y tế, sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng già.

Mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Đại học Victoria ở Úc cho thấy rằng nếu không có thay đổi đối với hệ thống hưu bổng của Trung Quốc thì các khoản chi trả lương hưu của nước này sẽ tăng gấp 5 lần, từ 4% GDP vào năm 2020 lên 20% GDP vào năm 2100.

Đối với các quốc gia xuất khẩu tài nguyên như Australia, những thay đổi này có thể đòi hỏi phải định hướng lại xuất khẩu sang các lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc. Đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa bao gồm cả Mỹ, nguồn hàng nhập được điều chỉnh chuyển dần sang các trung tâm sản xuất mới và đang phát triển.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều