+
Aa
-
like
comment

Thách thức chủ quyền Việt Nam giữa mùa dịch, Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được mục đích

Hồng Vân - 17/04/2020 19:59

Lợi dụng thời điểm thế giới đang lo đối phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc liên tục triển khai các hoạt động quân sự tại Biển Đông để phục vụ mưu đồ bành trướng. Sau khi cố tình tông chìm một tàu cá Việt Nam, vi phạm chủ quyền và đe dọa mạng sống của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự bằng cách cử tàu khảo sát Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo hãng tin Reuter, dựa vào nhiều dữ liệu hành trình hàng hải, cho thấy tàu Hải Dương 8 đã xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế, cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km vào hôm 14 Tháng Tư, 2020. Vẫn theo Reuter, Hải Dương 8 được ít nhất một tàu hải cảnh hộ tống và có ít nhất 3 tàu của Việt Nam đang bám theo hướng của tàu Trung Quốc.

Nhóm tàu Hải Dương 8 chính là thủ phạm từng thực hiện những hành động quấy rối, đe dọa hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam suốt hơn 3 tháng kể từ tháng 7/2019.

Việt Nam đã quá quen với những hành động ngang ngược bất chấp luật pháp của Trung Quốc, nhưng không ngờ láng giềng lại thể hiện rõ dã tâm bành trướng vào đúng lúc Việt Nam đang căng mình chống dịch. Thời gian gần đây, nhân lúc Việt Nam lẫn quốc tế đang phải đối đầu với đại dịch COVID-19, Trung Quốc liên tục bành trướng tại khu vực Biển Đông. Cụ thể:

Ngày 02/04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, ngày 28/03/2020, ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel) cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày 26/03/2020, Trung Quốc đã khai thác 861.400 mét khối khí tự nhiên từ khí metan, trong một tháng sản xuất thử nghiệm ở Biển Đông, truyền hình nước này đưa tin. Trước đó,20/03/2020, Tân Hoa xã ngang nhiên đưa tin Trung Quốc lập 2 trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi, cũng thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 13/04, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận. Có thể thấy, dã tâm bành trướng của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi. Để phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh đã bất chấp luật pháp quốc tế khi sử dụng sức mạnh quân sự để cưỡng chiếm biển đảo.

Trước hành động hung hăng của Trung Quốc, quốc tế đã không hề làm ngơ. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc tàu Trung Quốc làm chìm tàu cá Việt Nam nêu trên. Mỹ cũng lên tiếng thúc giục Bắc Kinh nên tập trung vào các nỗ lực chống Covid-19 trên toàn cầu thay vì gia tăng các hành động uy hiếp, phô trương sức mạnh trong khu vực.

Tuyên bố trên của Mỹ đã cho thấy sự ủng hộ của quốc tế đối với chủ quyền chính đáng của Việt Nam, và hoàn toàn phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam cũng đã có động thái mạnh mẽ và dứt khoát khi gửi hai Công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tố cáo những hành động ấy lên LHQ, dựa vào UNCLOS 1982, Việt Nam đã chỉ đích danh quy trách nhiệm cho Trung Quốc, một động thái rất hợp lòng dân, tố cáo các tội ác của Trung Quốc cho cả thế giới thấy.

Công hàm cho thấy Việt Nam đã đánh giá tình hình Biển Đông toàn diện, công hàm phản đối gửi tổng thư ký LHQ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông trước hết với Trung Quốc. Đây có thể là dấu hiệu Việt Nam chuẩn bị cụ thể biện pháp pháp lý để xử lý vấn đề biển Đông.

Với vị thế của mình ở Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch hiệp hội ASEAN, sắp tới rất có khả năng Việt Nam sẽ bày tỏ ý kiến và tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực về những động thái bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia và trong khối ASEAN.

Rõ ràng, Việt Nam không chỉ đang làm tốt việc chống đại dịch do virus corona gây ra,mà còn chuẩn bị tốt trước những tình huống xấu nhất trước những hành động tham lam và có thể nói là manh động của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, dù dã tâm bành trướng của Trung Quốc có mưu mô thế nào, Việt Nam cũng tuyệt đối không để tuột mất chủ quyền chính đáng của mình ở Biển Đông.

Hồng Vân

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều