Thả ‘vi sinh ăn dầu’ để ‘giải cứu’ nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm
Chiều 18.10, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã phun khử trùng, rải vi sinh tại nơi bị đổ dầu thải khiến nguồn nước cấp cho nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm.
Ngày 18.10, sau khi Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam lắp đặt 20 điểm lọc dầu tại kênh dẫn nước vào nhà máy nước sông Đà và 2 con suối đổ về kênh dẫn, đơn vị này đã tổ chức phun khử trùng địa điểm bị đổ trộm dầu thải và rải vi sinh để xử lý triệt để lượng dầu thải tồn đọng.
Chiều cùng ngày, ông Phạm Thế Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, đã trực tiếp có mặt giám sát các công tác ban đầu để xử lý bùn đất nhiễm dầu, được nạo vét từ suối Trâm, tập kết tại bãi đất trước nhà máy nước sông Đà.
Theo ông Tùng, công nghệ vi sinh sẽ mất nhiều thời gian để vi sinh có thể phân hủy triệt để lượng dầu tồn đọng.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, khoảng 150 m từ đỉnh dốc (điểm có dầu) xuống suối Trâm đã được các công nhân của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phun khử trùng, rải chất thấm và phân hủy sinh học dầu Remediator.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho biết bột vi sinh này không gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Khi được rải xuống, vi sinh vật trong trạng thái “ngủ”, khi gặp dầu sẽ “tỉnh dậy” và “ăn dầu” sau đó phân hủy dầu thành khí cacbonic và nước mà không nhả lại môi trường.
“Bản chất bột vi sinh là xơ bông, sau khi hút và xử lý dầu sẽ tự phân hủy và mục đi thành phân bón cho đất, tốt cho đất và cây trồng”, ông Sơn nói.
Trần Cường