TFI: Năm mới, Ấn Độ tặng ngay “quà” làm Trung Quốc tái mặt
Trang tin TFI nhận định, quyết định của Ấn Độ có thể mang lại cho Trung Quốc “nhiều đêm mất ngủ”.
Trước thềm năm mới, Ấn Độ đã “tặng” ngay cho Trung Quốc một tin xấu: Nội các Ấn Độ đã cho phép nước này xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không nội địa Akash. Thông tin đã được Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận.
Theo tờ Economic Times và Business Standard, hiện có tới 9 quốc gia Đông Nam Á và châu Phi bày tỏ sự quan tâm đối với hệ thống tên lửa Akash, trong đó có những nước đang nâng cao cảnh giác trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Sau khi được Nội các thông qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ khảo sát cơ hội xuất khẩu hệ thống tên lửa Akash sang các nước này. Mục tiêu của Nội các Ấn Độ khi đưa ra quyết định trên là nhằm đạt được 5 tỷ USD xuất khẩu quốc phòng, và cho phép New Delhi tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia đối tác.
Akash là hệ thống tên lửa đất-đối-không có thể phát hiện và theo dõi máy bay đối phương từ khoảng cách xa và bắn hạ chúng ở cự ly 25km. Nó được đưa vào trang bị của Không quân và Lục quân Ấn Độ lần lượt trong các năm 2014 và 2015.
“Nội các Ấn Độ đã thông qua kế hoạch xuất khẩu hệ thống tên lửa Akash và thành lập một ủy ban để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt xuất khẩu theo chủ trương Atmanirbhar Bharat [Ấn Độ tự lực]. New Delhi đang tăng cường năng lực sản xuất nhiều hệ thống phòng thủ và tên lửa đa dạng” – Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ Bharat Bhushan Babu thông báo trên Twitter.
Ủy ban cấp cao được thành lập sẽ bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ.
“Ủy ban này sẽ phê duyệt xuất khẩu các hệ thống nội địa tiêu biểu… và sẽ khảo sát nhiều kênh giao dịch sẵn có như lộ trình từ chính phủ tới chính phủ” – Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay.
Tên lửa Akash có tỷ lệ nội địa hóa đạt 96% và đã trở thành niềm tự hào lớn của Ấn Độ. Trang tin TFI nhận định, tin tức về việc New Delhi xuất khẩu tên lửa Akash có thể mang lại cho Trung Quốc “nhiều đêm mất ngủ”.
Trước Akash, hệ thống tên lửa siêu thanh BrahMosh do Nga-Ấn hợp tác phát triển cũng đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều quốc gia. Đáng nói, việc xuất khẩu tên lửa BrahMos phải đạt được cả sự đồng thuận của Nga-Ấn. Vì thế, theo TFI, điều đó cho thấy mối quan hệ Nga-Trung đã không còn khăng khít như trước và Moscow đã dành nhiều sự ưu ái hơn cho Ấn Độ.
Tên lửa Akash được phát triển trên cơ sở công nghệ của tổ hợp tên lửa 2K12 Kub (tên định danh NATO: SA-6 Grainful).
Tổ hợp tên lửa phòng không này do Cơ quan Nghiên cứu và Thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phối hợp với công ty nội địa Bharat Electronics Limited (BEL) hợp tác nghiên cứu và phát triển.
Cơ cấu của mỗi tổ hợp Akash gồm, xe phóng, trung tâm chỉ huy và hệ thống radar đa nhiệm. Đạn tên lửa của tổ hợp Akash sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) cung cấp lực đẩy cực mạnh và đảm bảo đạn tên lửa bay siêu âm trong các pha phóng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, tổ hợp Akash là một trong những tổ hợp vũ khí phòng không có chi phí phát triển và hoàn thiện thấp nhất thế giới với khoảng 200 triệu USD, thấp hơn khoảng 8-10 lần so với các tổ hợp vũ khí cùng loại trên thế giới.
Tổ hợp Akash nổi bật ở khả năng cơ động, khả năng đánh chặn mục tiêu ở nhiều độ cao khác nhau, điều khiển cùng lúc nhiều đạn, hệ thống điều khiển số hóa và khả năng điều khiển tự động hóa.
(Theo DNTT)