+
Aa
-
like
comment

Tết Nguyên Đán “nhuốm màu” tang tóc: Úc khiến cộng đồng người Hoa dậy sóng

06/02/2022 16:20

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đón Tết Nguyên Đán Nhâm Dần như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Triều Tiên, nhưng ở Sydney (Australia), việc trang trí khu phố người Hoa tại địa phương đã gây ra nhiều tranh cãi.

Theo thông tin được biết, Hội đồng thành phố Sydney đã sử dụng rất nhiều đèn lồng màu trắng và xanh lam để trang trí khu phố người Hoa nhân dịp Tết Nguyên Đán tại địa phương, và cũng quấn các thân cây bằng vải trắng và xanh.

Việc này đã bị chỉ trích là “thiếu hiểu biết về văn hóa”. Một số người Hoa bày tỏ sự khó hiểu, không hài lòng và miễn cưỡng đến khu phố người Hoa “được trang trí theo chủ đề cái chết”. Nhưng những người sáng tạo ra cụm tác phẩm này mô tả nó như một nỗ lực để “phù hợp với những điều mới mẻ”.

Tết Nguyên Đán nhuốm màu tang tóc: Thành phố Úc khiến cộng đồng người Hoa dậy sóng - Ảnh 1.
Đèn lồng trắng và xanh lam trang trí tại khu phố người Hoa ở Sydney (Australia).

Không đến phố người Hoa vì không muốn đi đám tang

Theo Hội đồng thành phố Sydney, đèn lồng màu trắng và xanh lam cùng những thân cây bọc vải trắng và xanh được cho là lấy cảm hứng từ bình sứ truyền thống của Trung Quốc, tượng trưng cho “âm dương của năm Nhâm Dần”. Nhưng đây lại là vấn đề.

Trong văn hóa Trung Quốc, đèn lồng trắng và vải trắng tượng trưng cho cái chết; ngoài ra đèn lồng màu xanh và trắng cũng được sử dụng trong tang lễ. Và “thiếu hiểu biết về văn hóa” ở Sydney đã gây ra nhiều phẫn nộ trong cộng đồng người Hoa tại địa phương.

Bà Hà Thẩm Huệ Hà – một nhà lãnh đạo cộng đồng người Australia gốc Hoa, đồng thời là nghị sĩ người Hoa – cho biết: “Mọi người nói rằng họ không muốn đến khu phố người Hoa vì không muốn đi dự đám tang.

Bà Hà cho biết, đã nêu vấn đề này với Hội đồng thành phố Sydney, và sau đó kiểu trang trí cây bọc vải trắng và xanh đã được gỡ bỏ, nhưng những chiếc đèn lồng màu xanh và trắng vẫn được giữ lại.

Bà Hà nói rằng, bà tôn trọng tác phẩm của nghệ sĩ, nhưng nó thể hiện sự thiển cận về văn hóa, cản trở nỗ lực của cộng đồng người Hoa trong việc nâng cao nhận thức về văn hóa Trung Quốc và châu Á. “Đó là một trò cười”, bà nói.

Tết Nguyên Đán nhuốm màu tang tóc: Thành phố Úc khiến cộng đồng người Hoa dậy sóng - Ảnh 2.
Kiểu trang trí cây bọc vải trắng và xanh đã được gỡ bỏ sau khi bị chỉ trích (Ảnh chụp trước khi vải bọc bị gỡ).

Văn phòng của doanh nhân người Australia gốc Hoa Richard Yuan nằm cạnh khu phố người Hoa tại Sydney. Ông Richard cho rằng, điều này phản ánh sự “thiếu hiểu biết về văn hóa Trung Quốc”.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng màu sắc này sẽ phù hợp với bất kỳ lễ kỷ niệm nào của Trung Quốc, chứ đừng nói đến Tết Nguyên Đán”. Ông Richard cũng nói thêm rằng, số lượng người đến khu phố người Hoa có thể sẽ giảm ở thời điểm hiện tại.

Trên trang Facebook của Hội đồng thành phố Sydney cũng có nhiều người bày tỏ sự không hài lòng. Trung Khởi Nguyên – một cư dân Sydney – viết: “Những chiếc đèn lồng ở khu phố người Hoa có màu trắng và xanh lam. Theo truyền thống, màu trắng và xanh lam được dùng cho đám tang! Thật là một điều xui xẻo!”

Nhà thiết kế không hiểu văn hóa Trung Quốc

Khi được hỏi liệu cộng đồng địa phương đã được tham vấn về tính biểu tượng của màu sắc hay chưa, một phát ngôn viên của Hội đồng thành phố Sydney cho biết, họ đã trao đổi với đại diện của một số tổ chức.

Người tạo ra cụm tác phẩm này là nghệ sĩ người Australia gốc Hoa Susan Chen. Hội đồng thành phố Sydney cho biết, tác phẩm đã được quyết định sau một “quá trình lựa chọn nghiêm ngặt”.

“Susan có mối quan hệ sâu sắc với khu vực này. Gia đình cô ấy là người nhập cư, đến khu phố người Hoa lần đầu tiên vào cuối những năm 70 (thế kỷ 20), mở một nhà hàng ở đây. Trong quá trình thiết kế tác phẩm nghệ thuật của mình, cô ấy muốn thể hiện trải nghiệm của mình khi lớn lên ở Sydney”, một phát ngôn viên của Hội đồng Thành phố Sydney cho biết.

Susan Chen cho biết cô chọn những màu sắc này cho tác phẩm của mình bởi vì chúng giống với màu của chiếc bình sứ truyền thống Trung Quốc, với ý nghĩa đại diện cho yếu tố nước trong hình tượng con hổ.

“Đối với những người truyền thống, có vẻ đây là một tổ hợp màu lạ lùng cho Tết nguyên đán, nhưng chúng vẫn bắt nguồn từ các chủ đề truyền thống Trung Quốc, nên hoàn toàn phù hợp”, Chen nói.

Tết Nguyên Đán nhuốm màu tang tóc: Thành phố Úc khiến cộng đồng người Hoa dậy sóng - Ảnh 3.
Nghệ sĩ người Australia gốc Hoa Susan Chen bên tác phẩm của mình.

Một số người tham dự sự kiện ở khu phố người Hoa ở Sydney dường như không quan tâm lắm đến vấn đề màu sắc. Họ đã để lại lời nhắn trên Facebook rằng họ thích phong cách trang trí nghệ thuật. Một cư dân mạng tên là Amanda Evans nói: “Tôi vừa về đến nhà và gia đình tôi đã có năm tiếng đồng hồ tuyệt vời tại lễ hội đón năm mới”.

Trước những tranh cãi về việc trang trí Tết Nguyên Đán ở khu phố người Hoa tại Sydney, phóng viên Thời báo Hoàn cầu đã phỏng vấn một số người Hoa ở Sydney vào ngày 2/2.

Nhiều ý kiến ​​cho rằng, cách trang trí như vậy không phù hợp với truyền thống đón năm mới của người Hoa. Ví dụ, người Hoa mong được nhìn thấy nhiều màu đỏ hơn; nhưng trong văn hóa Australia, màu đỏ lại tượng trưng cho máu.

Sự việc này cho thấy nhà thiết kế không hiểu văn hóa Trung Quốc, cũng như đã không thực sự nghiên cứu về nó. Thật không thể tin được rằng chuyện như thế này lại xảy ra ở Sydney, nơi có 500.000 người Hoa sinh sống.

Hai bình luận được yêu thích nhất trên Facebook đều cho rằng cách trang trí Tết Nguyên Đán của Hội đồng thành phố Sydney là không phù hợp.

Tết Nguyên Đán nhuốm màu tang tóc: Thành phố Úc khiến cộng đồng người Hoa dậy sóng - Ảnh 4.
“Có thể một số thanh niên người Australia gốc Hoa không có khái niệm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của Trung Quốc”.
Tết Nguyên Đán nhuốm màu tang tóc: Thành phố Úc khiến cộng đồng người Hoa dậy sóng - Ảnh 5.

“Hãy tưởng tượng nếu ai đó thay thế đồ trang trí màu đỏ và xanh lá cây của Giáng Sinh bằng màu tím và cam, thật buồn cười! Thực tế đáng nói là nghệ sĩ này đã ở Australia từ những năm 1970 – cô ấy là người Australia về mọi mặt và hoàn toàn không tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc. Trong trường hợp này, chọn tác phẩm của cô ấy là một lựa chọn thực sự tồi”. Ảnh chụp màn hình Facebook.

Phạm Hùng 

Bài mới
Đọc nhiều