+
Aa
-
like
comment

Tết Nguyên Đán, nên giữ hay nên bỏ?

Phạm Khoa - 17/01/2023 07:21

Không phải đợi đến lúc này, các tranh luận về việc nên giữ hay nên bỏ Tết cổ truyền mới trở nên sôi nổi, 16 năm trước, vấn đề này đã từng được đặt ra, và nhận về khá nhiều ý kiến tán thành, cũng như phản đối.

Tết là dịp gia đình quây quần bên nhau

Cách đây 16 năm (2006), Giáo sư Võ Tòng Xuân đã từng đề xuất bỏ Tết Nguyên Đán, và nhập chung với Tết dương lịch. Phát biểu ngày đó của ông là: “Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo” đã gây tranh cãi dữ dội.

Tết Quý Mão này, ý kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân lại được khơi lên, và tiếp tục gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Xem ra, vấn đề giữ hay bỏ Tết Nguyên Đán vẫn là vấn đề gây chú ý rộng rãi trong nhiều tầng lớp nhân dân.

Trong thực tế, nếu quy kết Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ kéo dài, gây lãng phí, tốn kém, ách tắc các hoạt động giao thương, vì trong khi ta nghỉ Tết thì phần còn lại của thế giới vẫn hoạt động bình thường là khá chủ quan, và phiến diện.

Để bảo vệ cho quan điểm bỏ Tết Nguyên Đán, nhiều người đã lấy Nhật Bản làm ví dụ. Ta thấy dân tộc này vươn lên mạnh mẽ khi tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nhưng nếu thế, sẽ giải thích sao với trường hợp của Trung Quốc, khi họ vẫn đang có những cuộc “quốc vận” hàng trăm triệu người về quê đón Tết. Và kỳ nghỉ Tết kéo dài gần 20 ngày, mà vẫn là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới?

Tết Nguyên Đán của Việt Nam hàm chứa rất nhiều giá trị quan trọng để kết nối gia đình, làng xóm, cộng đồng. Đó không đơn giản là một dịp để người đi làm xa về thăm nhà, hay đi chơi, xả stress sau một năm làm việc. Tết đối với người Việt còn là dịp “ôn cố tri tân”, nhìn lại những gì đã qua để điều chỉnh sự phát triển trong hiện tại hài hòa. Ý nghĩa này không phải dân tộc nào cũng có. Chính tinh thần đặc biệt này, với các biểu hiện, như cúng kiếng tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, cha mẹ, thầy cô là những chiếc neo giúp xã hội Việt Nam lưu giữ là trao truyền các giá trị tốt đẹp qua nhiều thế hệ. Chính những dịp như Tết đã góp phần hun đúc tinh thần dân tộc, giúp Việt Nam có được sức mạnh đặc biệt vượt qua nhiều giai đoạn vô cùng khó khăn trong lịch sử. Do vậy, bỏ Tết không phải là một ý kiến tích cực, nếu xét trên khía cạnh này.

Nhiều công nhân tranh thủ về quê sau một năm dài làm việc miệt mài

Còn như nói Tết khiến các công ty xí nghiệp bị bê trễ công việc, ảnh hưởng đến hợp đồng, cũng như các cơ hội đầu tư, hợp tác…thì cũng không hoàn toàn chính xác. Thực tế lúc này, không bao giờ có chuyện vì Tết mà các cơ quan, công ty, xí nghiệp, hay cơ sở kinh doanh ngừng làm việc hoàn toàn. Luôn sẽ có người chịu trách nhiệm trực ban, để xử lý công việc trong thời gian Tết diễn ra. Mỗi cơ quan, xí nghiệp, công ty, cơ sở kinh doanh, dựa trên đặc thù ngành của mình mà tự đã có các kế hoạch, phương án dự phòng cần thiết.

Thêm một lý do để cần Tết, vì đây là dịp để đẩy mạnh tiêu dùng, sản xuất, kích cầu cho nền kinh tế. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán là thời kỳ cao điểm kinh doanh của thị trường bán lẻ. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ lữ hành, vui chơi, giải trí, giao thông vận tải… tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận, đem lại tăng trưởng chung cho nền kinh tế.

Ngay thời điểm này, theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của riêng thành phố ước tăng 30,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%.

Đối với mặt tiêu cực của Tết Nguyên Đán, như tệ nạn say xỉn, bài bạc, quà cáp…, thì vẫn có thể khắc phục, chế tài bằng luật pháp. Thêm nữa, khi dân trí càng cao, thì tự nhiên các hủ tục nêu trên cũng dần bị đào thải theo quy luật phát triển của xã hội.

Tết là văn hóa, mà văn hóa, cũng như mọi thứ khác, luôn luôn biến đổi để thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Khi nào Tết vẫn còn khiến người dân Việt thấy nôn nao, mong chờ, xúc động, Tết vẫn sẽ cần.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều