Tết này cầm ly hay cầm lái ?
Có bao nhiêu người sẽ chọn tiệc tùng không bia rượu hôm nay? Bao nhiêu người chọn bia rượu và chấp nhận đi taxi về nhà? Một sự thử thách ngặt nghèo, nhưng không phải là không có giải pháp.
Đêm 30/4/2019, trong khi cả Hà Nội đang say giấc sau một ngày nghỉ lễ nhộn nhịp vui chơi và tiệc tùng, những dòng tin đầu tiên về vụ tai nạn tại hầm đường bộ Kim Liên đã khiến nhiều người bàng hoàng thức tỉnh.
Đó thực sự là đêm định mệnh đối với anh Lê Trung Hiếu (SN 1980, ở Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội) – một người đang có cuộc sống hạnh phúc với vợ đẹp con khôn và 13 năm cầm vô lăng bình an vô sự.
Bởi vì, sau khi tan cuộc họp lớp tối 30/4 với rất nhiều lần nâng ly vì bị bạn bè ép uống, anh Hiếu đã lái xe tông vào chị Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) và Trần Thị Quỳnh (SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa) khiến hai chị này tử vong tại chỗ.
Chị Yến là nhân viên Nhà hát Kịch Việt Nam và là lao động chính trong gia đình còn chị Quỳnh là giáo viên dạy giỏi của trường tiểu học Thái Thịnh. Hai chị ra đi ở độ tuổi còn ngập tràn năng lượng sống, để lại những đứa con đang tuổi ăn học.
“Uống rượu và lái xe, một người tốt đã thành kẻ giết người” – ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia), người hàng ngày tiếp nhận vô số tin báo về tai nạn giao thông – đã phải thốt lên như vậy khi chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc này.
Ngay sau đó, thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” được phủ sóng khắp mạng xã hội, được dán trên tay áo của những người đến đưa tiễn chị Yến, chị Quỳnh về cõi vĩnh hằng.
Trong cuốn sổ tang của cô giáo Quỳnh, nhiều người khẳng định sẽ chung tay làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.
Và hôm nay (1/1/2020), Luật phòng chống tác hại của rượu, bia (được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV) chính thức có hiệu lực.
Lần đầu tiên trong lịch sử, người tham gia giao thông (kể cả xe đạp) bị cấm sử dụng rượu bia một cách triệt để.
Không một giọt nào – chứ không phải là cho phép uống ở một nồng độ nhất định như quy định của luật cũ.
Ngoài ra, các hành vi xúi giục, khích bác, thúc đẩy việc uống rượu bia cũng bị phạt nặng. Rượu bia bị siết chặt hạn chế tiêu thụ hơn.
Phải thay đổi nhận thức một cách triệt để và mạnh mẽ, tôi nghĩ thế.
Tai nạn giao thông đang có sức “tàn phá” sinh mệnh, sức khoẻ con người Việt Nam không thua gì mức độ của một cuộc chiến tranh, ai đó đã thốt lên như vậy khi nhìn vào bức tranh tối màu về tỷ lệ thương vong trên đường phố thời gian gần đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 12.675 vụ tai nạn giao thông, làm 5.659 người chết, 3.633 người bị thương.
Còn theo Bộ Công an, chỉ trong tháng 10/2019, toàn quốc xảy ra 1.756 vụ tai nạn giao thông làm chết 659 người, bị thương 1.254 người. So với tháng 9/2019, tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí, gồm: Tăng 413 vụ, tăng 96 người chết, tăng 222 người bị thương.
Và một con số đáng lưu ý, theo Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia, có tới 40% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia và chất kích thích. Trong thực tế, những vụ tai nạn thảm khốc nhất đều ít nhiều gắn với hình ảnh tài xế sặc sụa mùi rượu bia.
Đêm 21/10/2018, tại vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chiếc ô tô BMW mang biển số 51F-279.10 do bà Nguyễn Thị Nga điều khiển trong tình trạng say rượu đã vượt đèn đỏ và tông vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ, sau đó tiếp tục lao thẳng vào một chiếc taxi rồi mới dừng lại. Vụ tai nạn làm một phụ nữ chết tại chỗ và 5 người khác bị thương, 5 xe máy và 2 ô tô hư hỏng nặng.
Đêm 22/4/2019, Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) đã lái xe trong tình trạng say rượu và gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên đường Láng. Hậu quả, một nữ lao công đang quét rác trên đường đã tử vong, để lại mẹ già bệnh tật và 2 cậu con trai đang tuổi ăn học.
Vậy nhưng, Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã từng là một dự luật gặp nhiều sóng gió trên bàn nghị sự. Còn nhớ, khi đưa ra diễn đàn Quốc hội, từng có vị đại biểu quốc hội phản bác rằng: “Chống tác hại rượu bia thì liệu có chống tác hại của gạo không?”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ, quá trình xây dựng Luật này gặp nhiều khó khăn vì xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng lợi ích người dân được đặt lên trên hết.
Về điểm này, tôi đồng ý với nguyên Bộ trưởng Tiến. Bởi việc sản xuất và tiêu thụ rượu bia có mang về rất nhiều tiền đi chăng nữa cũng không thể đánh đổi lấy bao nhiêu mạng người, không thể bù đắp cho nỗi đau của bao nhiêu gia đình mất người thân vì tai nạn giao thông.
Thói thường, cứ xã hội nảy sinh vấn đề gì là người ta đổ tại đầu tiên cho việc chưa có luật, luật còn bất cập, chưa có chế tài đủ sức răn đe… Thì đây, luật có rồi, tuy ngặt nghèo nhưng xét đến cùng, những gì liên quan đến sinh mệnh con người thì không được phép sai sót, dù là nhỏ.
Vấn đề còn lại chỉ là tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi. Một nhóm bạn hẹn uống bia vào dịp cuối tuần, thay vì tự đi bằng xe cá nhân, tất cả hãy đến điểm hẹn bằng xe công cộng. Tàn cuộc, người nào không uống thì gọi xe đưa các bạn về. Hoặc chủ quán sẽ làm cho khách hàng công việc đó.
Nhà hàng phục vụ rượu bia từ nay nên có hầm để xe để giữ xe cho khách, cùng với đó là liên kết với hãng xe công cộng để vận chuyển khách hàng như một dịch vụ đi kèm với phục vụ ăn uống.
Cái gì ban đầu cũng khó khăn khi thực hiện, nhưng chỉ cần nhận thức được tầm quan trọng của sinh mạng mình và người thân, cộng đồng, thì chắc chắn sẽ có động lực để thực hiện.
Còn nhớ, luật bắt buộc người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm từ ngày 15/12/2007 ban đầu đã vấp phải dư luận dữ dội. Người dân phản đối vì bất tiện, mất thêm tiền mua mũ, họ bao biện rằng người hoạt động nghệ thuật, người dân tộc có tằng cẩu trên đầu thực hiện thế nào… ? Nhưng rồi, sau 13 năm thực hiện, người dân từ chỗ miễn cưỡng đội vì sợ phạt đến nay đã tự giác đội vì an toàn của chính mình.
Vậy nên tôi nghĩ, sau thời điểm 1/1/2020, nhiều người sẽ dè dặt hơn với việc uống rượu bia vì… sợ bị phạt.
Nhưng tôi tin, luật làm ra là để thay đổi ý thức, hành vi chứ không phải chỉ để phạt. Hi vọng, cái chết của cô giáo Quỳnh, những đứa trẻ mất mẹ cha vì tai nạn giao thông – như cây non mất chỗ dựa phải lớn lên trong khó khăn thiếu thốn, những năm tháng bóc lịch của nhiều người tốt vì rượu bia mà thành kẻ giết người…. sẽ làm chúng ta thức tỉnh.
Và một ngày không xa, chúng ta ra đường với tâm niệm, đã cầm ly thì không cầm lái, như là bản năng, chứ không chỉ vì sợ phạt.
Minh Minh/NDT