Test nhanh Covid-19 mỗi nơi một giá, một số cơ sở y tế công khai giá test nhanh kháng nguyên gần một triệu đồng nhưng cũng có những bệnh viện chỉ vài chục nghìn đồng.
Sở Y tế TP.HCM vừa công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ xét nghiệm và giá thu đi kèm. Trong đó, 169 cơ sở thực hiện kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh (test nhanh). 59 cơ sở y tế trên địa bàn đã được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm rRT-PCR.
Giá test nhanh chênh lệch hơn 700.000 đồng
Bảng niêm yết giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên do Sở Y tế TP.HCM cung cấp gồm có 52 cơ sở y tế y tế công lập. Bệnh viện Nhân dân 115 có mức giá test nhanh thấp nhất 60.345 đồng. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ có giá test nhanh cao nhất là 198.000 đồng.
20 bệnh viện có giá test nhanh dưới 100.000 đồng. Mức giá xét nghiệm bằng kỹ thuật rRT-PCR mẫu đơn công khai tại tất cả cơ sở y tế công lập là 734.000 đồng theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, 56 bệnh viện và phòng khám tư nhân cũng tự động công khai giá xét nghiệm Covid-19 và báo cáo Sở Y tế TP.HCM. Trong đó, giá test nhanh cũng có sự chênh lệch lớn.
Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức, Bệnh viện Phụ sản Mêkong, Bệnh viện Vinmec Central Park…, có giá chỉ 150.000-200.000 đồng. Bệnh viện FV, Bệnh viện Quốc tế Mỹ, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn có giá 350.000-800.000 đồng.
Giá xét nghiệm rRT-PCR của các bệnh viện, phòng khám tư nhân cũng dao động từ 734.000 đồng đến 3.200.000 đồng.
Vì sao giá test nhanh chênh lệch?
Trao đổi về mức giá test nhanh chỉ 83.000 đồng, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện quận 1, cho biết đây là mức giá kit test mà bệnh viện mua vào. Sản phẩm kit test được sử dụng của Hàn Quốc.
“Theo quy định, bệnh viện mua kit test nhanh với giá bao nhiêu thì lấy chi phí của người dân đúng với giá đó. Như vậy, tính luôn cả chi phí về nguồn nhân lực, vật tư tiêu hóa sẽ lỗ nhưng chúng tôi chấp nhận. Ngân sách nhà nước sau này cũng thanh toán lại cho các chi phí này”, bác sĩ Tâm nói.
Mức chênh lệnh tính cả nguồn nhân lực, vật tư y tế (quần áo bảo hộ, găng tay…) tại Bệnh viện quận 1 khoảng 100.000 đồng/một lần test nhanh.
“Chúng tôi sử dụng kit test của Hàn Quốc, nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Hiện giá đầu vào mua kit test của các cơ sở y tế khác nhau nên có thể mức giá này khác nhau”, bác sĩ Tâm nói thêm.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện quận 1 test nhanh cho khoảng 500-700 người. Đa số là xét nghiệm theo yêu cầu cho người dân có nhu cầu về quê, lưu thông đến các tỉnh và sàng lọc người có dấu hiệu nghi ngờ. Hiện, có ngày bệnh viện phát hiện khoảng 5 ca dương tính. Giai đoạn đỉnh điểm dịch, con số này là khoảng 30%.
Một lãnh đạo bệnh viện tư nhân tại TP.HCM cho biết hiện nay kit test nhanh có rất nhiều mức giá. Một số loại test có giá rất rẻ nhưng độ chính xác không cao. Thậm chí, cùng hãng sản xuất của Mỹ, giá 2 loại kit test cũng chênh lệch nhau.
“Loại test nhanh bệnh viện chúng tôi sử dụng là của Đức và Mỹ. Do đó, mức giá sẽ cao hơn, cộng thêm các chi phí vật tư tiêu hóa, nhân lực”, vị lãnh đạo này nói.
Trước đó, Bộ Y tế từng giải thích mức giá chênh lệch của test nhanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu test có tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Nếu test có xuất xứ ở các quốc gia Âu – Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác.
“Ở giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận. Ngoài ra, nếu mua với số lượng nhiều thì thường giá sẽ rẻ hơn so với số lượng ít”, ông Thuấn cho biết.
Trước ngày 1/7, theo thông tư 13, 14, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm, test rRT-PCR là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
Từ ngày 1/7, với test nhanh, do nhiều công ty nhập và trong nước sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Khi nào người dân được test nhanh miễn phí?
Theo Sở Y tế TP.HCM, test nhanh không thay thế cho xét nghiệm rRT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.
Trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện test nhanh cho trường hợp ngoài phạm vi chi trả của Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước thì thu theo giá test mua vào.
Đối với các trường hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh theo yêu cầu, người dân tự trả phí. Các cơ sở y tế tư nhân thu theo giá kê khai.
Với xét nghiệm RT-PCR, theo quy định, kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định ca lâm sàng tại các cơ sở điều trị, ngoài ra có thể chỉ định để tầm soát các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng và điều tra dịch tễ.
Các trường hợp này, người bệnh không phải đóng phí (do Bảo hiểm y tế hoặc ngân sách nhà nước chi trả). Trường hợp các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật này (hoặc có hợp đồng với cơ sở được phép thực hiện) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân (không triệu chứng, xuất cảnh…) thì thu phí xét nghiệm đúng giá theo quy định nếu là cơ sở y tế công lập, theo giá kê khai nếu là cơ sở y tế tư nhân.
Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó có 35 xét nghiệm rRT-PCR, 39 test kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy), 23 test kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy cùng máy).
Trâm Anh