Tên lửa “quái vật” của Triều Tiên có thể khiến ông Biden đau đầu
Nếu ông Joe Biden trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, chính sách với Triều Tiên và kho vũ khí của nước này vẫn sẽ được xem là thách thức lớn với chính quyền mới của Mỹ.
Ngày 10/10, hai tuần trước khi ông Trump và Biden bước vào cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc duyệt binh hoành tráng và giới thiệu loại tên lửa đạn đạo liên lục địa “quái vật” mà các chuyên gia nhận định là lớn hơn bất kỳ mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa nào mà Bình Nhưỡng từng phô diễn trước đó.
Trong cuộc tranh luận, khi được đặt câu hỏi về kho vũ khí mạnh mẽ và ngày càng phát triển của Triều Tiên, ông Trump đã trả lời theo một hướng khác, nhấn mạnh rằng những cuộc gặp lịch sử của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giúp ngăn chặn nguy cơ chiến tranh giữa 2 nước.
“Chúng ta không đối diện chiến tranh và tôi có mối quan hệ tốt (với ông Kim)”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, giới quan sát cho rằng những nỗ lực của ông Trump chưa mang lại những thay đổi đáng kể, khi quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn đang bị đình trệ.
Hiện nay ông Biden đang giành lợi thế trước ông Trump trong cuộc bầu cử 3/11, khi cựu phó tổng thống Mỹ được các mô hình tính toán từ các hãng truyền thông dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Các chuyên gia cho rằng nếu ông Biden nhậm chức tổng thống, ông sẽ phải gánh trách nhiệm to lớn trong vấn đề Triều Tiên khi các tổng thống tiền nhiệm, từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, đều chưa thể thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia Kathleen Stephens, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nhận định rằng trong 20 năm qua, Triều Tiên đã gia tăng kho vũ khí hạt nhân và ngày càng kiên định với mục tiêu khẳng định mình là quốc gia vũ khí hạt nhân nên những cách tiếp cận có vẻ khả thi trước đó giờ đây dường như đã kém hiệu quả đi rất nhiều.
Kể cả khi ông Trump và ông Kim có những cuộc gặp gỡ chưa từng có tiền lệ vào năm 2018 và 2019, chính quyền ông Trump cũng thừa nhận rằng Triều Tiên không có dấu hiệu sẽ giảm tốc quá trình sản xuất vũ khí.
Triều Tiên cũng đã nhiều lần tuyên bố không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân vì đây là đòn răn đe, chừng nào Mỹ vẫn còn duy trì chính sách “thù địch” với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Triều Tiên không nói rõ về khái niệm “thù địch” khiến các nhà đàm phán Mỹ phải đoán ý định của ông Kim. Có thể Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ bớt lệnh trừng phạt, hay muốn Washington dừng diễn tập quân sự trên bán đảo Triều Tiên, hoặc họ muốn Mỹ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc.
Các chuyên gia không chắc chắn về chiến lược Triều Tiên của ông Biden, nếu ông thắng cử, vì tới nay mọi thứ vẫn đang trong trạng thái mơ hồ. Chuyên gia Frank Aum cho rằng đây có thể là chủ ý của ông Biden nhằm duy trì sự linh hoạt trong việc đối phó với kho vũ khí của Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia Jenny Town của trang web chuyên theo dõi Triều Tiên 38 North nhận định dù ông Biden có làm bất cứ điều gì, ông dường như cũng sẽ phải đối mặt với chỉ trích từ các bên vì “không hành động đủ mạnh mẽ hoặc trở nên quá hào hứng”. Ông Town cho rằng giới lãnh đạo Mỹ sẽ cần những chiến thắng ngoại giao nhỏ để chứng minh rằng việc hợp tác là khả thi để có thể dập tắt bớt các chỉ trích từ các bên.
Ngoài ra, ông Biden từng tuyên bố ông muốn khôi phục quan hệ đồng minh với Hàn Quốc sau khi ông Trump tập trung vào việc yêu cầu Seoul tăng “phí bảo vệ” để chia sẻ gánh nặng kinh phí với Mỹ.
Thêm vào đó, ông Biden cũng muốn gây áp lực lên Trung Quốc để Bắc Kinh thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức khi quan hệ Mỹ – Trung được xem đang trong giai đoạn căng thẳng leo thang chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm qua.
Đức Hoàng/DT