+
Aa
-
like
comment

Tên lửa Mỹ khai hỏa: “Phát súng mở đầu” kích nổ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Nga?

20/08/2019 14:32

Việc Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung sụp đổ có thể sẽ dọn đường cho cả Mỹ và Nga đẩy mạnh chế tạo một thế hệ vũ khí mới đã vắng bóng ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.

Tên lửa Mỹ khai hỏa: "Phát súng mở đầu" kích nổ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Nga?
Tên lửa hành trình theo cấu hình thông thường phóng từ mặt đất rời bệ phóng trên đảo San Nicolas ở ngoài khơi bờ biển California ngày 18//8/2019. Ảnh: BQP Mỹ

Mỹ phóng tên lửa vi phạm hiệp ước INF

Quân đội Mỹ ngày 18/8/2019 đã thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Đó chính xác là loại tên lửa đã bị cấm theo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987 nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này vào đầu tháng 8/2019.

Khi INF bị xóa xổ, thế cân bằng vũ khí hạt nhân của thế giới đang bắt đầu thay đổi. Ít nhất trong ngắn hạn, nó sẽ khiến Mỹ và Nga đẩy mạnh tăng cường triển khai các vũ khí hạt nhân tầm ngắn hơn. Dường như một hiệp ước mới, nếu được xúc tiến, sẽ không thể ngăn chặn được đà triển khai này.

Lầu Năm Góc tuyên bố, cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình mới phóng từ mặt đất theo cấu hình thông thường đã được thực hiện tại đảo San Nicolas ở bang California.

“Tên lửa thử nghiệm đã rời khỏi bệ phóng di động trên mặt đất và tấn công chính xác mục tiêu sau khi bay được 500 km”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. “Dữ liệu thu thập được và bài học rút ra từ lần phóng thử này sẽ là nguồn thông tin để dựa vào đó Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ nghiên cứu khả năng phát triển các tên lửa tầm trung trong tương lai”.

Đây dường như là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk mà các lực lượng quân sự Mỹ đã triển khai cho các phiên bản phóng từ trên biển và trên không.

Quân đội Mỹ trước đây đã triển khai các tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất từ ​​năm 1983 – 1991. Đây là loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn 1.600 dặm (2.500 km). INF buộc Mỹ và Nga lần lượt cắt giảm 400 và 1.500 tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có phạm vi tấn công từ 500 – 5.500 km.

Tên lửa Mỹ khai hỏa: Phát súng mở đầu kích nổ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Nga? - Ảnh 1.
Hệ thống phóng Gryphon GLCM trang bị 4 ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: National Archives

Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới bắt đầu?

INF gặp dấu hiệu rắc rối đầu tiên là vào năm 2011 khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc bấy giờ cảnh báo việc Nga bắt đầu phát triển các tên lửa hành trình vũ trang hạt nhân tầm trung mới từ năm 2008 có thể đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước.

Năm 2013, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên nêu vấn đề này với Điện Kremlin. Cuối năm đó, Nhà Trắng chính thức tuyên bố Nga đã vi phạm hiệp ước.

Về phần mình, Mỹ rõ ràng cũng phải chịu trách nhiệm cho sự khiêu khích của chính họ. Năm 2015, Lầu Năm Góc bắt đầu lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania.

Tên lửa đánh chặn phi hạt nhân SM-3 được thiết kế để đối phó với các tên lửa đạn đạo có thể do Iran phóng đi tấn công Mỹ nhưng không có khả năng đánh chặn các vũ khí hạt nhân tầm trung phóng từ châu Âu.

Tuy nhiên, Nga đã xem SM-3 là một mối đe dọa và viện dẫn chúng như một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang phát triển các vũ khí tầm trung của riêng họ. Năm 2017, Quân đội Nga cuối cùng đã triển khai tên lửa tầm trung mới – SSC-8 tại địa điểm nằm dọc biên giới phía Tây đất nước.

Trong khi đó, chính quyền Trump đã lên kế hoạch chế tạo một loạt vũ khí hạt nhân mới, gồm cả vũ khí nguyên tử chiến thuật với kích thước nhỏ hơn mà Washington có thể sẵn sàng sử dụng thay vì vũ khí chiến lược lớn hơn, mạnh mẽ hơn.

Chính quyền Trump cũng viện dẫn Trung Quốc như một lý do để hủy bỏ INF vì Bắc Kinh chưa bao giờ tham gia Hiệp ước năm 1987 này.

Tên lửa Mỹ khai hỏa: Phát súng mở đầu kích nổ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Nga? - Ảnh 2.
Tên lửa Trident D5 phóng đi từ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio.Ảnh: Reuters

Báo cáo Đánh giá Vị thế Hạt nhân công bố đầu năm 2018 đã hợp pháp hóa các kế hoạch tái vũ trang của Mỹ, phản chiếu hành động đáp trả việc Nga triển khai các vũ khí nguyên tử mới. Sự sụp đổ của INF đã dọn đường cho cả hai quốc gia chế tạo một thế hệ vũ khí đã vắng bóng ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.

“Các chính sách mới chỉ làm gia tăng thêm nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân”, Bruce Blair, chuyên gia hạt nhân của Đại học Princeton nhận xét.

Trong thông điệp liên bang tháng 2/2019, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ có thể đàm phán một hiệp ước mới để thay thế cho INF và có thể bao gồm cả Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Gregory Kulacki – chuyên gia hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học có cùng mối quan tâm ở Massachusetts thì điều đó khó có thể xảy ra.

Mỹ có lẽ sẽ phải chấp thuận những giới hạn rộng lớn hơn đối với kho vũ khí của chính mình để kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán. Nhưng chính quyền Trump lại luôn không muốn áp đặt thêm các hạn chế với vũ khí của mình.

“Nhiều thập kỷ trước đây, Mỹ đã tham gia một hiệp ước với Nga, theo đó chúng ta đã đồng ý giới hạn và cắt giảm các khả năng tên lửa của mình”, ông Trump phát biểu.

“Trong khi chúng ta tuân thủ thỏa thuận này thì Nga lại liên tục vi phạm các điều khoản của nó. Đó là lý do tại sao tôi tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận”.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều