Tên lửa Hamas đánh thẳng vào tử huyệt phòng thủ Israel: “Khe cửa hẹp thần thánh” đã bị lọt qua!
Trong cuộc leo thang căng thẳng giữa hai bên thời gian vừa qua, Hamas cho thấy lực lượng này đã cải thiện được độ chính xác và tầm tấn công của các tên lửa của họ như thế nào.
Iron Dome: Lá chắn thép của Israel và những kỷ lục đánh chặn tên lửa
Iron Dome là hệ thống phòng không di động do Công ty Công nghệ Quốc phòng Rafael và Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) phát triển với sự phối hợp tài trợ của Mỹ, nhằm đánh chặn và tiêu diệt các hỏa tiễn tầm ngắn và đạn pháo bắn từ khoảng cách từ 4 – 70 km.
Ý tưởng phát triển Iron Dome đặc biệt được thúc đẩy sau cuộc chiến tranh kéo dài một tháng giữa Israel với Hezbollah, phong trào vũ trang ở Lebanon do Iran hậu thuẫn, vào năm 2006 và với Hamas ở Dải Gaza (Palestine) 3 năm sau đó.
Iron Dome được Israel chính thức đưa vào hoạt động tháng 3/2011. Ngày 7/4/2011, hệ thống này lần đầu tiên đã đánh chặn thành công hỏa tiễn BM-21 Grad phóng đi từ Gaza.
Cho tới nay, giới chức Israel vẫn luôn tuyên bố Vòm Sắt đã hoạt động cực kỳ thành công. Những thống kế dưới đây có thể minh chứng cho điều đó:
Ngày 10/3/2012, Jerusalem Post đưa tin, “Vòm sắt” đã bắn hạ 90% số hỏa tiễn phóng đi từ Gaza nhằm vào các khu vực đông dân cư của Israel. Tính đến cuối tháng 10/2014, Iron Dome đã đánh chặn được hơn 1.500 hỏa tiễn thuộc nhiều chủng loại khác nhau, tỷ lệ bắn trúng luôn là 90%.
Trong hai ngày 4 – 5/5/2019, các tay súng ở Dải Gaza đã bắn hơn 690 quả rocket và đạn cối vào lãnh thổ Israel. Con số cụ thể được Bộ Quốc phòng Israel công bố như sau:
410 quả, tức 2/3 trong số đó rơi xuống các khu vực không có người sinh sống và không bị đánh chặn bởi Iron Dome; 279 rocket đã bị Iron Dome đánh chặn, trong đó 240 quả (86%) bị đánh chặn thành công; 39 rocket, tức khoảng 14% lọt qua lá chắn thép của Iron Dome và khiến 4 người thiệt mạng.
Như vậy, tỉ lệ đánh chặn thành công của Iron Dome đạt tới 86%. Một con số rất đáng nể. Kết quả này gần tương đương với tỷ lệ 85% của chiến dịch “Pillar of Defense” (2012) và chỉ thấp hơn một chút so với 90% của “Protective Edge” (2014).
Justin Bronk, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh cho biết, phần lớn thành công của Iron Dome là nhờ hệ thống radar tinh vi cho phép nó nhanh chóng xác định được tên lửa tấn công nào có khả năng bắn vào các khu vực dân cư và tên lửa nào sẽ rơi xuống vô hại ở những bãi đất trống.
Rõ ràng, hiệu quả đánh chặn của Iron Dome là không thể phủ nhận. Theo thống kê của liên doanh Raytheon – Rafael, Vòm Sắt hiện đang là hệ thống được sử dụng nhiều nhất thế giới với kỷ lục đánh chặn ở tỷ lệ thành công lên tới 90% kể từ thời điểm nó được đưa vào trang bị năm 2011.
Tên lửa Hamas đã chọc thủng tử huyệt phòng thủ của Israel
Trong cuộc leo thang căng thẳng giữa Israel và Hamas vào cuối tháng 4/2021, Hamas cho thấy lực lượng này đã cải thiện được độ chính xác và tầm tấn công của các tên lửa của họ như thế nào.
Trong số khoảng 40 quả rocket được Hamas phóng đi từ Dải Gaza, 7 quả bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ Iron Dome, 2 quả phát nổ ở những cộng đồng dân cư biên giới Gaza, còn lại rơi xuống các khu vực đất trống nhưng lại có tới 9 quả đã phát nổ ở những trung tâm đô thị của Israel.
Hiệu quả hoạt động của Iron Irome vẫn được Israel tuyên bố rơi vào khoảng từ 85 – 90%. Như vậy, với con số 9 quả (khoảng 22%), các tên lửa do Hamas phóng đi vẫn có thể lọt qua lá chắn thép của Iron Dome, dù đây là khe cửa cực kỳ nhỏ.
Cho dù chỉ là số ít thì nó cũng tạo ra sự khác biệt. Chẳng hạn, tỷ lệ đánh chặn giảm 4 điểm % có nghĩa là tỷ lệ lọt lưới cũng sẽ gia tăng 4 điểm %. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm tỉ lệ % rocket rơi trúng những khu vực đông dân cư.
Đây chính là sự trớ trêu của các hệ thống đánh chặn mạnh mẽ: Dù chỉ để lọt số ít đầu đạn tấn công thì thiệt hại vẫn có nguy cơ rất lớn.
Điều đó cho thấy, hàng chục tên lửa của Hamas vẫn có thể tấn công được vào các trung tâm đô thị ở Israel nếu như cuộc xung đột giữa hai bên leo thang căng thẳng tới mức Hamas tiến hành phóng tên lửa ồ ạt với hàng trăm quả một lúc, áp đảo khả năng phòng thủ của Iron Dome.
Thực tế, xung đột mới nhất giữa hai bên đang diễn ra hiện nay ở Dải Gaza đã phần nào cho thấy điều đấy.
Theo thông kê của Quân đội Israel (IDF) đến ngày 16/5, kể từ khi chiến sự bùng phát hôm thứ Hai đầu tuần trước (10/5), các nhóm vũ trang ở Gaza đã bắn khoảng 3.000 quả rocket về phía Israel.
Thiếu tướng Ori Gordin thừa nhận, lực lượng phòng vệ Israel đã phải đối mặt với tỷ lệ các cuộc tấn công tên lửa từ Gaza vào lãnh thổ Israel cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả cường độ trong cuộc leo thang năm 2019 và cuộc chiến năm 2006 với Hezbollah ở Lebanon.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, kể từ sau cuộc chiến tranh Gaza năm 2014, các chiến binh thuộc phong trào Hamas đã gia tăng kho vũ khí của họ cả về quy mô và khả năng.
“Theo ước tính của chúng tôi, các lực lượng vũ trang ở Gaza đang sở hữu khoảng 20.000 đến 30.000 tên lửa và súng cối”, Trung tá Jonathan Conricus, phát ngôn viên Quân đội Israel cho biết.
“Chúng tôi đã nhận thấy có sự mở rộng không ngừng về tầm bắn và cả kích thước của các đầu đạn. Họ có một kho vũ khí tên lửa tiên tiến mà tôi nghĩ rằng nó có thể sánh ngang với khả năng hỏa lực của một vài quốc gia nhỏ ở châu Âu”.
“Iron Dome luôn có một điểm yếu”, Yonah Jeremy Bob – nhà phân tích tình báo, pháp lý và chống khủng bố đã bình luận như vậy trên tờ Jerusalem Post khi đề cập đến tỷ lệ thành công của hệ thống Iron Dome.
Ông Bob nhấn mạnh, điều này không có nghĩa Iron Dome không còn hiệu quả nhưng nếu Hamas sở hữu nhiều tên lửa tầm xa hơn, thì nó có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của Israel trong việc chống trả đợt leo thang căng thẳng này, đặc biệt là nếu phải kéo dài.
Anh Tú