+
Aa
-
like
comment

Nam Trung Hoa, ‘di sản’ lạc hậu và nguy hại cho Biển Đông

Hạnh Văn - 11/05/2021 17:14

Trong suốt chiều dài lịch sử, Biển Đông đã gắn liền với nền văn minh của đất nước Việt Nam. Biển Đông cũng là mái nhà của không ít dân tộc trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, nghịch lý vẫn còn tồn tại đến ngày nay là tên gọi quốc tế của Biển Đông lại là… biển Nam Trung Hoa (South China Sea), một thực trạng đang rất cần một sự thay đổi, bởi nó không chỉ đơn thuần “chỉ là tên thôi mà”.

Vấn đề không đơn giản "chỉ là cái tên"
Vấn đề không đơn giản “chỉ là cái tên”

Minh chứng lịch sử

Để hiểu rõ nguồn gốc cái tên biển Nam Trung Hoa, chúng ta cần nhìn lại thế kỷ 16, khi bản đồ và thông tin địa lý vẫn còn hạn hẹp, thế giới không có nhiều hiểu biết về khu vực Đông Nam Á. Những nhà buôn và thủy thủ khi đó chủ yếu giao thương với triều đình phong kiến Trung Quốc và hầu như chỉ qua lại khu vực gần đảo Hải Nam, đã gọi vùng biển này là biển Nam Trung Hoa. Trải qua chiều dài lịch sử, cái tên biển Nam Trung Hoa (South China sea) đã chính thức trở thành tên gọi quốc tế của vùng biển, dù phần lớn vùng lãnh hải không thuộc về quốc gia này.

Nhưng trong bối cảnh hiện đại, khi khoa học kỹ thuật đã cho phép chúng có cái nhìn toàn diện về địa lý thế giới, những tên gọi cổ xưa đã không còn phù hợp. Cục diện địa chính trị ngày nay đã cho thấy, vùng Biển Đông là nơi tọa lạc của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, với sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích kinh tế – chính trị – xã hội.

Về lịch sử, các tài liệu văn thư cổ của Trung Quốc đã gọi đây là 交阯洋 (Giao Chỉ Dương), tức biển của người Giao Chỉ – tổ tiên của người Việt Nam. Biển Đông trong quá khứ còn được gọi là biển Chăm Pa. Còn về địa lý, thực chất bờ biển tiếp giáp Biển Đông của Trung Quốc chỉ kéo dài 2.800km. Trong khi đó, tổng chiều dài bờ biển của các quốc gia Đông Nam Á lên đến 130.000km, tức gấp 46 lần bờ biển Trung Quốc.

Rõ ràng, tên gọi quốc tế South China sea hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng của các quốc gia tại khu vực. Nó chỉ là một “di sản” lạc hậu của thế kỷ 16 do sự hiểu biết hạn hẹp thời bấy giờ. Đáng tiếc, dù nhận không ít chỉ trích, “di sản” méo mó này vẫn đang tồn tại, mang theo đó những hệ lụy về nhận thức và những định kiến lệch lạc. Như TS. Lê Hồng Hiệp từng phân tích: “Cái tên Nam Trung Hoa khiến nhiều người mặc nhiên cho rằng Trung Quốc có những đặc quyền nhất định trên vùng biển này, một nhận thức cực kỳ sai trái. Ví dụ, nếu nói biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc, vậy thì toàn bộ Ấn Độ Dương chẳng lẽ thuộc về Ấn Độ?”

Điều đó cho thấy vấn đề Biển Đông giờ đây không chỉ đơn giản “chỉ là một cái tên”, như không ít người nhầm tưởng. Việc sử dụng tên gọi Nam Trung Hoa đang tác động tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của tất cả các quốc gia nào trên Biển Đông. Đáng tiếc, cho đến nay mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở các hành động mang tính đối phó một cách riêng lẻ, thiếu đồng bộ, “mỗi người một kiểu”. Như vào năm 2001, Philippines đổi tên vùng biển này là Tây Philippine, năm 2011, Indonesia đặt tên biển Bắc Natuna. Và trong lúc các nước tiếp tục “nói theo cách của mình”, thì toàn thế giới vẫn tiếp tục “chết tên gọi”Nam Trung Hoa.

Để phá bỏ những định kiến lệch lạc về vùng biển, thực tế cho thấy chỉ khi toàn bộ Đông Nam Á có chung 1 tiếng nói, đặt ra chung 1 yêu cầu đối với Liên Hợp Quốc, mới có thể thay đổi được thực trạng này. Và nếu đó là tiếng nói chung của cộng đồng ASEAN, thì có lẽ không có một cái tên nào phù hợp hơn, đúng đắn hơn ngoài tên gọi “Biển Đông Nam Á”, tức “South East Asia Sea”.

Điều gì có thể xảy ra khi tên gọi được thay đổi?

Chắc chắn sẽ có một vài “chuyên gia”, “giới học thuật” la ó, phản đối, bằng những lập luận như “cái tên có ảnh hưởng gì đâu”, “tốn kém tiền của”, “không thay đổi cục diện”. Dù chi phí phát sinh khi thay đổi tên gọi quốc tế là khó tránh khỏi, nhưng chắc chắn việc đổi tên không chỉ có ý nghĩa về mặt nhận thức. Nó sẽ khiến một quốc gia “nào đó” không thể vận dụng chiến tranh tư tưởng để lôi kéo, xúi giục dân chúng tin vào cái mà họ là “quyền lịch sử”, thứ đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào 5 năm trước tại Hague.

Và ít nhất, trên khía cạnh quốc tế, một bộ phận không nhỏ các công dân trên thế giới sẽ ngừng lầm tưởng vào “chủ quyền” và “quyền lịch sử” vẫn đang được yêu sách bấy lâu nay. Đối với tác giả, chỉ một thay đổi nhỏ nhoi như thế, cũng đã đủ để 10 thành viên ASEAN cùng đưa ra yêu cầu đối với quốc tế. 600 triệu tiếng nói cùng chung một quyết tâm, sẽ không hề “lép vế” trước hơn 1 tỷ âm thanh hỗn tạp ở phía bắc.

Nhưng trước khi yêu cầu trình LHQ trở thành hiện thực, trước khi cái tên biển Đông Nam Á trở thành tên gọi quốc tế chính thức, thì ngay lúc này, nó đã có thể trở thành tên gọi chung của cộng đồng ASEAN. Ngay tại các phiên họp cấp cao của Hội đồng ASEAN, các thành viên có thể đồng loạt sửa đổi tên gọi thành Biển Đông Nam Á, tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, tạo nên tiếng nói không thể lấn át của một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh.

Hạnh Văn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

 

Bài mới
Đọc nhiều