+
Aa
-
like
comment

Tàu Trung Quốc xâm phạm quần đảo Riau của Indonesia trên Biển Đông

Nguyễn Anh - 06/01/2020 00:21

Sau thời gian bắt bớ ngư dân Việt Nam, khiến các tàu kiểm ngư của Việt Nam phải đuổi theo để giải cứu, thì đến nay Indonesia được nếm mùi cuộc đối đầu Trung Quốc trên Biển Đông mà Việt Nam đã từng hồi năm ngoái.

Chuyên gia Ryan Martinson, Phó giáo sư của Học viện tác chiến hải quân Mỹ đã đăng tải các hình ảnh vệ tinh cho thấy, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đang tiến đến khu vực quần đảo Riau, vùng biển phía bắc Natuna của Indonesia.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đụng độ với tàu Hải quân Indonesia

Hôm 4-1, tờ Jakarta Post đưa tin, Nhiếp chính của quần đảo Natuna (Indonesia) – Abdul Hamid Rizal đã đề nghị chính quyền trung ương Indoneisa tách 2 quần đảo Natuna và Anambas thành các tỉnh mới thay vì trực thuộc tỉnh Riau như trước kia, tạo quy chế đặc biệt nhằm thắt chặt an ninh và quản lý ở 2 quần đảo tiền tiêu của nước này trên Biển Đông trong bối cảnh những ngày qua tàu tuần duyên Trung Quốc liên tục lởn vởn, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên Biển Đông ở khu vực phía bắc đảo Natuna.

Ảnh vệ tinh tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Indonesia

Nhiếp chính Abdul viện dẫn Luật số 23/2014 về cơ chế quản trị vùng cho biết cơ quan nhiếp chính (điều hành 1 huyện) và cơ quan quản trị thành phố (điều hành 1 thành phố) không được trao quyền giám sát vùng nước của địa phương họ. Điều này ngăn cản chính quyền 2 quần đảo Natuna và Anambas thanh sát và quản lý vùng nước là khu vực Biển Đông bao quanh hai quần đảo này, nơi mà các tàu từ Trung Quốc thường lui tới khu vực biển của họ. Việc này dành cho chính quyền tỉnh Riau và chính quyền trung ương đảm nhiệm.

“Nếu Natuna là một tỉnh đặc biệt, thì nó có thể được cấp thẩm quyền và khả năng bảo vệ, quản lý khu vực ven biển và vùng biển – đặc biệt là ở khu vực biên giới, hiện thuộc thẩm quyền của tỉnh Quần đảo Riau”, ông Abdul nói trong một tuyên bố. Ông Abdul nói thêm rằng chính quyền Natuna cùng với người dân của họ sẽ cung cấp tất cả.

Ảnh chụp tàu tuần duyên Trung Quốc lởn vởn ở phía bắc quần đảo Natuna hôm 28-12 do Không quân Indonesia chụp được – Ảnh: Antara/M Risyal Hidayat

Theo tờ Antara News của Indonesia đưa tin, Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh, ông Mahfud MD tuyên bố “nước này đang tăng cường mạnh mẽ việc tuần tra trên biển ở vùng biển Natuna, quần đảo Riau, để trục xuất các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ”.

Các đội tuần tra sẽ được tăng cường. Các tàu của chúng tôi hiện đang hoạt động ở các khu vực khác sẽ được huy động tới đó để đưa chúng (tàu Trung Quốc) ra ngoài, ông Mahfud cho biết tại Malang, Đông Java.

Được bảo vệ bởi các tàu hải cảnh Trung Quốc, các tàu đánh cá Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna. Bộ Ngoại giao Indonesia đã phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm gần đây của Trung Quốc.

Các tàu hải quân Indonesia đã được chuẩn bị để bảo đảm chủ quyền của đất nước. “Chúng tôi không gây chiến, nhưng chúng tôi đang đẩy họ ra để bảo vệ các khu vực của chúng tôi”, ông Mah Mahud nói.

Quân đội Indonesia tăng cường sức mạnh trên biển. Ảnh: Tempo.com

“Chính phủ Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng biển Natuna của Indonesia là của họ thông qua tuyên bố Đường Chín đoạn. Indonesia chưa bao giờ công nhận yêu sách này của Trung Quốc.

Đường Chín đoạn được Trung Quốc tự vẽ ra dựa trên các “quyền hàng hải lịch sử”. Trung Quốc tuyên bố rằng khu vực Biển Đông kéo dài khoảng hai triệu km từ đất liền Trung Quốc đến hàng trăm km từ Philippines, Malaysia và Việt Nam thuộc về họ. Trung Quốc tuyên bố rằng khu vực này là “quyền truyền thống” của họ kể từ khi ngư dân của họ đến đó hàng ngàn năm. Nhưng nguyên tắc của điều đó là gì, và những điều cần chứng minh?”, ông Mahud đặt câu hỏi.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vùng biển Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Trung Quốc dù sao đi nữa không có quyền đối với khu vực này.

Chính phủ Indonesia khẳng định rằng không bao giờ đàm phán các vấn đề của vùng đặc quyền kinh tế Indonesia gần quần đảo Natuna vì Indonesia sẽ luôn duy trì UNCLOS 1982.

Chuyển động của Tàu Hải quân Indonesia và Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trên màn hình kết nối với máy ảnh gián điệp trên Máy bay Boeing 737 của Không quân Indonesia bay qua vùng biển Natuna vào Thứ Bảy, ngày 4/12/2019. (ANTARA FOTO / M Risyal Hidayat / foc / Sw)

Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Indonesia ngày 03/01/2020 đã xác nhận việc tăng cường tuần tra xung quanh quần đảo Natuna của nước này, nằm phía nam Biển Đông. Quyết định được đưa ra sau khi tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc bị phát hiện thâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi Natuna.

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Nursyawal Embut, giám đốc phụ trách các hoạt động trên biển thuộc cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, khẳng định rằng Jakarta đã triển khai thêm tàu chấp pháp đến vùng biển Natuna để “chuẩn bị đối phó với các vụ vi phạm lãnh hải và đánh bắt trái phép ở khu vực Bắc Natuna…, cố gắng ngăn chặn tàu nước ngoài vi phạm lãnh thổ của mình”.

Quyết định tăng cường tuần tra tại vùng biển Natuna cũng được ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận. Phát biểu với giới báo chí, lãnh đạo ngành ngoại giao Indonesia đồng thời nhắc lại những lời tố cáo Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Indonesia.

Vùng biển Bắc Natuna trên bản đồ mới của Indonesia được thứ trưởng Hàng Hải Indonesia Arif Havas Oegroseno giới thiệu tại Jakarta. REUTERS/Beawiharta

Căng thẳng Jakarta-Bắc Kinh trên vấn đề Natuna bộc lộ công khai hôm 30/12/2019 với việc bộ Ngoại Giao Indonesia ra thông báo tố cáo Trung Quốc cho hai tàu hải cảnh hộ tống hàng chục tàu đánh cá tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna từ ngày 19/12.

Đối với Jakarta, đó là một hành động “vi phạm chủ quyền”, và bộ Ngoại Giao Indonesia đã triệu mời đại sứ Trung Quốc lên để phản đối.

Vấn đề là Bắc Kinh đã phản bác cáo buộc của Jakarta. Ngày 31/12, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tuyên bố rằng “Bắc Kinh có chủ quyền trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) và vùng biển lân cận, và cả Trung Quốc lẫn Indonesia đều có hoạt động đánh bắt “bình thường” tại đó”.

Lời khẳng định của Bắc Kinh đã lập tức bị Jakarta phản bác. Ngày 01/01/2020, bộ Ngoại Giao Indonesia ra thông cáo đòi Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” của các yêu sách mà nước này đưa ra về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Theo Jakarta, yêu sách của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên cơ sở các ngư dân Trung Quốc từng hoạt động từ lâu ở đó chỉ là “đơn phương”, “không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”.

Bị Indonesia liên tục chất vấn và tố cáo, Trung Quốc tiếp tục lập luận cố hữu. Hôm 02/01, phát ngôn viên Cảnh Sảng lại khẳng định rằng “Bắc Kinh có quyền cho tàu đến gần quần đảo Natuna”, và “dù phía Indonesia có chấp nhận hay không thì thực tế vẫn là Trung Quốc có quyền và lợi ích trên vùng biển có liên quan”.

Về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận giá trị pháp lý của các yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông, được Jakarta gợi lên để tố cáo Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng tiếp tục cho rằng phán quyết đó “phi pháp và vô giá trị”, không được Trung Quốc công nhận và nước này “kiên quyết chống lại bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân viện dẫn phán quyết trọng tài bất hợp pháp đó để làm tổn hại quyền lợi của Trung Quốc”.

Indonesia tăng tuần tra vùng biển Natuna đề phòng Trung Quốc xâm nhập

Trong cuộc họp kín để lập bản đồ chiến dịch bảo vệ an ninh vùng biển Bắc Natuna, ngày hôm (3/1), Tư lệnh Bộ chỉ huy Quốc phòng liên khu I, Chuẩn đô đốc Yudo Margono cho biết, quân đội Indonesia đã lên kế hoạch sẵn sàng chiến đấu trước các sự xâm nhập tại vùng biển Bắc Natuna, thuộc quần đảo Riau của Indonesia.

Theo Chuẩn đô đốc Yudo Margono, Indonesia huy động tất cả các lực lượng từ không quân đến hải quân để kiểm soát an ninh hàng hải, đặc biệt là tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia phía Bắc Natuna sau khi các tàu cá với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện đánh bắt cá bất hợp pháp tại đây. Cụ thể, quân đội Indonesia đã triển khai ba tàu chiến, một máy bay trinh sát hàng hải, một máy bay quân sự Boeing của Quân đội Indonesia và hai tàu chiến khác cũng đang trên đường đến khu vực biển Natuna.

Ngày 3/1, Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia thông báo đã bắt giữ 3 tàu cá, 36 thuyền viên và một số cảnh sát biển của Trung Quốc. Ông Edhy Prabowo, Bộ trưởng Bộ hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, ngày 30/12 tàu Hải cảnh Trung Quốc với số hiệu CCG4301 đã hộ tống các tàu cá Trung Quốc bắt cá tại vùng biển Bắc Natuna trái phép. Tàu chiến Tjiptadi của Indonesia đã đuổi bắt các tàu cá này song gặp phải sự cản trở của tàu hải cảnh Trung Quốc. Trước hành động xâm nhập trái phép này, Indonesia đã hành động cứng rắn khi triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, đưa ra tuyên bố về những vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế nước này.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đụng độ với tàu Hải quân Indonesia

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Indonesia ở vùng biển Natuna. Năm 2016, sự việc tương tự đã xảy ra, thậm chí đã có cuộc đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Indonesia. Phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh thời điểm đó cho rằng vụ việc xảy ra ở khu vực đánh bắt cá của Trung Quốc và cáo buộc tàu vũ trang Indonesia đã tấn công tàu cá Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc cấp hộ chiếu trong đó có hình ảnh “đường chín đoạn” lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại biển Natuna.

Tới sự việc lần này, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng lại một lần nữa lớn tiếng cho rằng Trung Quốc có chủ quyền ở vùng biển này vì ngư dân của họ từ lâu đã đánh bắt cá ở đây.

Các động thái của Trung Quốc dường như đang thách thức Tổng thống Joko Widodo, người đang cố gắng bảo vệ lãnh thổ của Indonesia trên biển khỏi sự xâm lấn bất hợp pháp.

Các động thái của Trung Quốc dường như đang thách thức Tổng thống Joko Widodo

Trước tình hình này, Indonesia đã tổ chức phiên họp toàn thể liên Bộ nhằm củng cố vị thế Indonesia và ứng phó với sự xâm nhập của Trung Quốc trên biển Đông. Tại đây, Indonesia đã một lần nữa khẳng định không bao giờ công nhận tuyên bố về “đường chín đoạn” của Trung Quốc bởi nó không có cơ sở pháp lý và không được luật pháp quốc tế công nhận. Các bộ ban ngành liên quan của Indonesia sẽ phối hợp chặt sẽ với quân đội, cơ quan hàng hải và Bộ hàng hải và ngư nghiệp Indonesia để bảo vệ luật pháp tại vùng đặc quyền kinh tế nước này./.

Nguyễn Anh

Bài mới
Đọc nhiều