Tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính: Việt Nam không thể trông chờ vào bất cứ lực lượng bên ngoài nào
Tiếng nói ủng hộ của quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng việc bảo vệ chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam phải tự quyết.
Trong những tuần qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hành vi vi phạm của mình, đồng thời khẳng định lực lượng chấp pháp sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Chia sẻ với VTC News, TS. Bùi Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, đưa ra những phân tích, nhận định tình hình và khuyến nghị phương thức đối phó với hành vi vi phạm của Trung Quốc.
– Thưa bà, bà nhìn nhận như thế nào về vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào khu vực bãi Tư Chính?
Sau khi vụ việc xảy ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã rất nhiều lần công khai phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu thăm dò dầu khí vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Về mặt pháp lý, theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, bãi Tư Chính là một trong những vùng biển mà Việt Nam có quyền tài phán (đối với vùng đặc quyền kinh tế). Do đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền trong vấn đề khai thác dầu khí.
Chính vì thế mà việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào khu vực này mà không có sự đồng ý của Việt Nam, cũng như can thiệp vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, là một hành động trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là trái với quy định của Công ước về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
– Trước hành động trên của Trung Quốc, Việt Nam cần phải hành xử như nào để phù hợp với luật pháp quốc tế?
Theo các nguồn tin chính thống mà tôi nắm được, hoạt động này của Trung Quốc đã diễn ra từ hôm 3/7. Sau một thời gian, Việt Nam mới đưa ra các thông tin mang tính chất công khai. Tuy nhiên, ngay từ đầu, trên thực địa, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã có những hành động ngăn cản, cũng như là chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, mà theo đánh giá của tất cả giới chuyên môn trên thế giới, cũng như của Chính phủ Việt Nam, là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vì là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, cho nên Việt Nam có quyền tiến hành các hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí. Do đó, các hoạt động can thiệp, quấy nhiễu của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp, và Việt Nam có quyền chống lại các hành động can thiệp, quấy nhiễu trái với luật pháp quốc tế như vậy.
– Biết là trái với luật pháp quốc tế mà Trung Quốc vẫn cứ làm, vậy mục đích của Trung Quốc thực sự là gì, thưa bà?
Theo tôi, để đánh giá mục đích thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông thì không thể nhìn vào một hiện tượng. Tức là, không nên nhìn vào mỗi sự kiện Trung Quốc đưa tàu vào, chúng ta nên xâu chuỗi lại tất cả các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt một khoảng thời gian nhất định.
Chỉ cần nhìn lại khoảng thời gian gần đây, chúng ta sẽ thấy: Vào cuối tháng 5, Trung Quốc ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Malaysia; Sau đó, chiếc tàu Haijing 35111 của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc quay về khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tạo ra một cách phi pháp ở Biển Đông; Tiếp đó, đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7, quay lại can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Ngoài ra, để đánh giá việc Trung Quốc có những hành động can thiệp vào lợi ích hợp pháp của các quốc gia trên Biển Đông, chúng ta nên nhìn nhận sâu hơn về trước. Ví dụ, năm 2017, Trung Quốc có hành động phản đối trước việc Việt Nam cho công ty Repsol thăm dò ở mỏ Cá Rồng Đỏ; đến năm 2018, lại có những hành động can thiệp đối với mỏ Cá Voi Xanh.
Xâu chuỗi các hành động như vậy có thể thấy mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn không thay đổi: liên tục can thiệp, gây sức ép lên các quốc gia có lợi ích hợp pháp trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa các yêu sách của mình tại đây. Do đó, các hành vi của nước này là hợp logic và có thể dự đoán được.
– Vậy là không có liên quan gì đến bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, thưa bà?
Tất nhiên cũng có những quan điểm cho rằng do Trung Quốc và Mỹ hiện nay đang có những cuộc cạnh tranh khốc liệt, ví dụ như cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại, lĩnh vực công nghệ cao, hoặc trong vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông, cho nên Trung Quốc muốn đẩy vấn đề Biển Đông lên cao để đánh lạc hướng chú ý của dư luận trong nước. Đấy cũng là một quan điểm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Biển Đông, vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ nói chung, và cạnh tranh ở Biển Đông nói riêng, dù có hay không, Việt Nam phải luôn luôn ở trong tinh thần chủ động. Với một quốc gia có nhiều lợi ích biển như Việt Nam, điều đó rất quan trọng.
Vì thế mà hòa bình và ổn định tại Biển Đông luôn luôn là một trong những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới. Chúng ta cần phải động viên được sức mạnh toàn dân tộc làm sao để đảm bảo giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như đảm bảo hòa bình, ổn định để có thể tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước.
– Thưa bà, bà nói cần phải xâu chuỗi các sự việc để có thể hiểu được mục tiêu của Trung Quốc. Vậy liệu việc Trung Quốc thử tên lửa ở Biển Đông hay hạ thủy tàu nghiên cứu tầm xa có liên quan đến hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa qua không?
Theo đánh giá của Trung tâm Biển Đông, việc thử tên lửa hay hạ thủy tàu nghiên cứu tầm xa không phải là sự chuẩn bị cho bước tiếp theo nhằm kéo dài căng thẳng ở khu vực bãi Tư Chính (mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An Bắc), bởi vì thực ra nó nằm trong chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc.
Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc được đề ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII. Từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, chiến lược này được thúc đẩy rất mạnh. Bên cạnh chiến lược cường quốc biển, Trung Quốc còn đề ra các mục tiêu khác như chiến lược cường quân, 2 mục tiêu 100 năm, “Giấc mộng Trung Hoa”,… Tất cả những chính sách này đều tập trung vào việc Trung Quốc phải kiểm soát, cũng như phải có chỗ đứng rất vững chắc trong khu vực Thái Bình Dương.
Để tiến ra Thái Bình Dương, Trung Quốc cần có một bàn đạp vững chắc ở Biển Đông. Chính vì thế mà quan điểm và hành động của Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải) đang thay đổi dần dần theo từng cấp độ.
Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “đường lưỡi bò”, mặc dù không giải thích bất cứ căn cứ nào. Đến năm 2010, để phản ứng lại phát biểu cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố rằng Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tức là đặt vấn đề Biển Đông ngang với vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.
Nếu đã liên quan đến lợi ích cốt lõi thì Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình, mặc dù chủ quyền ấy Trung Quốc biết là không có căn cứ và phi pháp. Chính vì thế tất cả các hành động của Trung Quốc đều nằm trong kế hoạch tổng thể của nước này, để làm sao khi vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thì Trung Quốc cũng cần có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong tất cả các vấn đề quốc tế cũng như khu vực.
Do đó, theo tôi, thử tên lửa ở Biển Đông và hạ thủy tàu thăm dò tầm xa là một phần trong kế hoạch tổng thể của Trung Quốc trong việc tiến ra làm chủ Biển Đông, cũng như tiến ra làm chủ khu vực và khẳng định vai trò của mình trên thế giới. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nền khoa học công nghệ biển của Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ. Tuy chưa thể đạt được đến mức độ phát triển như Mỹ hay các cường quốc biển khác, nhưng Trung Quốc vẫn tự tin tuyên bố đủ khả năng thăm dò được 99% đáy đại dương tại thời điểm hiện tại ở bất cứ độ sâu nào.
– Bà đánh giá thế nào về vai trò tiếng nói của ASEAN và các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, trong vấn đề này?
Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn là giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển. Ngoài ra, Chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo hai nước đã thông qua nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông, đó là giải quyết thông qua đàm phán, giữ nguyên hiện trạng, đảm bảo không quốc tế hóa và làm phức tạp vấn đề Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông là của Việt Nam và Việt Nam phải tự giải quyết chứ không trông chờ vào bất cứ lực lượng bên ngoài nào.
TS. Bùi Thị Thu Hiền
Gần đây nhiều người cho rằng Việt Nam nên tận dụng tiếng nói của ASEAN và các quốc gia khác ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Biển Đông thì chủ trương, lập trường của Việt Nam luôn luôn là đảm bảo nguyên tắc 3 không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nguyên tắc đó đã được khẳng định trong đường lối đối ngoại từ thời kỳ đổi mới của Việt Nam đến nay.
Tất nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi rất nhanh, với việc mà các quốc gia bên ngoài như Mỹ và một số nước khác lên tiếng về vấn đề Biển Đông có thể giúp chúng ta có lợi thế hơn trong việc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng tiếng nói của Mỹ trong giải quyết vấn đề Biển Đông không phải là quá lớn.
Rất nhiều người cũng nghĩ rằng cần phải phát huy vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, tuy nhiên ASEAN là một cộng đồng có trình độ rất khác nhau, và bản thân lợi ích của các nước ở khu vực Biển Đông cũng là rất khác nhau. Chúng ta không phủ nhận rằng việc tham gia vào diễn đàn ASEAN sẽ giúp tiếng nói của chúng ta có trọng lượng hơn, và bản thân Trung Quốc trong mối quan hệ với ASEAN cũng có thể dè chừng hơn nếu như các nước trong khối thực sự đoàn kết và quyết tâm gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.
Có thể các nhân tố đó có tác động đến và giúp cho chúng ta có những tiếng nói tốt hơn để gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng vấn đề Biển Đông là của Việt Nam và Việt Nam phải tự giải quyết chứ không trông chờ vào bất cứ lực lượng bên ngoài nào.
– Mới đây, bất chấp tình hình căng thẳng ở bãi Tư Chính, giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực lô 06.1 vẫn được kéo dài lịch hoạt động. Bà có đánh giá như nào về động thái này của chúng ta?
Từ trước đến nay Việt Nam luôn luôn khẳng định Việt Nam đang khai thác dầu khí ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Một khi đã khẳng định như vậy, chúng ta cần phải làm và quyết tâm không để chịu sức ép của bất cứ bên nào, kể cả Trung Quốc. Quyết tâm của Việt Nam vẫn luôn được thể hiện lâu nay.
Việt Nam là quốc gia có lịch sử khai thác dầu khí ở Biển Đông từ rất lâu rồi. Đặc biệt, ở trong bãi Tư Chính, chúng ta có rất nhiều hoạt động: theo một số tài liệu, chúng ta có hơn 30 dự án hợp tác với các nước tại khu vực này. Chúng ta muốn khẳng định vùng biển đó là nơi Việt Nam có quyền tiến hành các hoạt động dầu khí theo đúng luật pháp quốc tế. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn cũng có quyền bảo vệ lợi ích chính đáng này.
– Xin chân thành cảm ơn bà.
(Theo VTC News)