Tàu Trung Quốc tái xâm phạm vùng đặc quyền Việt Nam và mối nguy từ đảo nhân tạo
Từ vụ tàu HD8 quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam, có thể nhìn thấy rõ các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông đang có ảnh hưởng nguy hiểm.
Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (HD8) cùng các tàu hộ tống quay trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông từ ngày 13/8. Trước đó, các tàu này đã rời đi sau hơn một tháng gây căng thẳng tại khu vực.
“Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định trong tuyên bố được phát đi tối 16/8.
Bà cũng cho biết Việt Nam “đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.
Mối nguy từ đảo nhân tạo
Tàu HD8 đã rời khỏi khu vực hôm 7/8 sau khi có mặt tại đây từ đầu tháng 7, nhưng đã quay lại vào hôm 13/8, với ít nhất hai tàu hải cảnh hộ tống, theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp (CADS), một viện chính sách có trụ sở tại Mỹ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng tàu này rời đi trong thời gian ngắn là để tiếp nhiên liệu hoặc tiếp tế nhu yếu phẩm khi các theo dõi cho thấy tàu đi đến khu vực Đá Chữ Thập, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Có thể tàu HD8 đã đến Đá Chữ Thập để nhận tiếp tế, vì nó đã hoạt động trong một thời gian dài. Đây có lẽ là một chiến dịch liên tục”, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines, và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Zing.vn.
Tiến sĩ Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cũng cho rằng Bắc Kinh chưa chịu rút lui.
“Mục đích của toàn bộ việc này dường như là để tiếp tục hình thức ngoại giao pháo hạm… trong cái mà Bắc Kinh xem là cuộc chiến dài hơi với hy vọng buộc Việt Nam từ bỏ việc khai thác năng lượng”, chuyên gia Koh nói trên South China Morning Post.
Việc tàu Trung Quốc không về đất liền mà đến Đá Chữ Thập rồi quay lại trong vài ngày cho thấy rõ ràng “tác dụng” nguy hiểm của các đảo nhân tạo đóng vai trò là tiền đồn quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trên Biển Đông. Theo đánh giá của Viện Lowy (Australia), Trung Quốc đang có ít nhất 27 tiền đồn quân sự như vậy, trải dài từ quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa.
“Những tiền đồn này sẽ cung cấp hậu cần cần thiết để duy trì các hành động hung hăng của Bắc Kinh, dù là ở vùng biển gần Indonesia, Malaysia hay phía nam Việt Nam”, tác giả Trinh Le nhận định trong bài viết.
Dereck Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách RAND, cũng có chung quan sát trong bài viết trên Maritime Issues hôm 16/8.
“Việc Trung Quốc thực tế đã hoàn thành quá trình bồi lấp và thiết lập các căn cứ hải quân, không quân trên các thực thể nhân tạo khắp Biển Đông, dù là ở Hoàng Sa hay Trường Sa, giúp cho Bắc Kinh có cứ điểm để từ đó triển khai sức mạnh, giúp họ dễ dàng hơn trong việc duy trì hoạt động tuần tra liên tục tại khu vực tranh chấp”, chuyên gia Grossman viết.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành bồi lấp và xây dựng trái phép các công trình trên các bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến nay, cả 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa đều là các đảo nhân tạo, trong khi Bắc Kinh cũng có dấu hiệu mở rộng các đảo chiếm đóng ở Hoàng Sa.
Trung Quốc cũng đã quân sự hóa các thực thể này với việc cho xây dựng đường băng, nhà chứa, triển khai các hệ thống radar, tên lửa cũng như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom.
Trung Quốc thao túng cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế
Những hoạt động này đều vi phạm quy định của luật quốc tế, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng tại khu vực, do đó bị các nước lên án mạnh mẽ. Mới đây, phản ứng trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, Mỹ cũng nhắc lại việc Bắc Kinh cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
“Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để hăm dọa, cưỡng ép, và đe dọa các quốc gia khác, là hành động gây nguy hại đến hòa bình và an ninh khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong thông cáo ngày 20/7.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 cũng lên án “hành vi bắt nạt” của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối vụ tàu HD8. Ông đồng thời kêu gọi các nước ASEAN cùng nhau chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh.
Trung Quốc có yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông thông qua “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà họ tự vạch ra. Năm 2016, tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc, khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Bắc Kinh tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên ở các khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”.
Dù vậy, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết này, tiến hành các hoạt động cố ý biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp trên Biển Đông. Một trong những mục đích của Trung Quốc là ép buộc các nước chấp nhận hợp tác khai thác chung ngay cả ở các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước.
“Với việc tạo ra tranh chấp mới trên Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ khiến các công ty nước ngoài thoái chí trong việc đầu tư tại khu vực”, trang Asean Today bình luận. “Bắc Kinh đang thao túng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế để thúc đẩy lợi ích chiến lược của họ”.
Trong khi Việt Nam và các nước thường dựa trên các biện pháp hòa bình theo luật quốc tế để bảo vệ các quyền chủ quyền, Trung Quốc lại hành xử theo hướng cưỡng ép và đi ngược với những gì họ rêu rao, theo các chuyên gia.
“Những hành động của Trung Quốc như đưa tàu HD8 đến vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là sự vi phạm rõ ràng luật quốc tế và phán quyết của tòa trọng tài”, bà Elena Bernini, CEO của Oxford Omnia International, một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ thúc đẩy luật quốc tế, nói với Zing.vn.
“Hành vi này của Trung Quốc tiếp tục cho thấy Trung Quốc không phải là một cường quốc nguyên trạng (status quo power), trái với hình ảnh mà họ cố gắng tạo ra ở các diễn đàn quốc tế, các cơ sở học thuật hay trong khi quảng bá Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
“Cường quốc nguyên trạng” là khái niệm chỉ các nước muốn duy trì thứ bậc hiện hữu trong hệ thống quốc tế, trái với “cường quốc xét lại” chỉ các nước muốn sử dụng sức mạnh để thay đổi trật tự, phân chia lại lợi ích.
Mùa bão trên Biển Đông đang đến, vì vậy các tàu Trung Quốc có thể sớm rút đi. Tuy nhiên, những toan tính của Bắc Kinh trên Biển Đông vẫn còn đó và sẽ tiếp tục là nguồn cơ gây ra những “cơn bão” khác, đe dọa an ninh và ổn định tại khu vực.
Tùng Lâm