Tàu Trung Quốc quần thảo ở bãi Luconia gần bờ biển Malaysia ?
Vẫn còn quá sớm để nói về mục đích nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc lần này. Nhưng theo dõi qua hệ thống dữ liệu vệ tinh hàng hải (có thể rất khác so với ngoài thực địa, chỉ có tính tham khảo) thì thấy dấu hiệu đáng chú ý.
Khoảng 10h12’ sáng 15/4, tín hiệu vệ tinh của tàu này được tàu hải giám 4203 hộ tống đang đi xuống phía Nam Trường Sa thì đã đột ngột giảm tốc độ rồi đi rất chậm sang hướng tây trong gần 4 tiếng. Tàu Hải Dương Địa Chất 8 đợi chiếc tàu hải cảnh 1105 từ Đá Chữ Thập đi rất nhanh tới tập hợp đội hình. Nơi tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang di chuyển rất chậm nằm phía nam Trường Sa, vùng nước chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, giữa Việt Nam và Indonesia.
Hướng đi của tàu Hải Dương Địa Chất 8 rõ nét hơn sau vài tiếng đi về hướng Tây Nam như hình chụp vệ tinh.
Nhưng ngay sau đó chiếc tàu hải cảnh 1105 xuất phát từ Đá Chữ Thập đã đi thẳng xuống khu vực hiện có 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc và 2 tàu của Malaysia đang quần thảo nhau ở bãi Luconia gần bờ biển Malaysia, trong đó đã có sẵn tàu hải cảnh 5203 ở đây gần một tuần nay.
Tàu Hải Dương địa chất 8 và 1 tàu Hải cảnh hộ tống cũng đang tiến đến rất gần khu vực West Capella với tốc độ 5kn (5 hải lý/giờ), tiếp cận các tàu Malaysia và đi qua giàn khoan West Capella.
Theo tín hiệu vệ tinh AIS thì, phía trên (khu vực Nam Trường Sa) có xuất hiện rất nhiều tàu mang tín hiệu của Việt Nam như tàu Vũng tàu 8004, Vũng tàu 8002, BCS 8001, Kiểm Ngư 209, Khánh hòa 08014,… đang theo dõi chặt chẽ tình hình phía Nam Trường Sa. Nhưng trên thực tế ngoài thực địa có thể rất khác, đông đảo hơn vì tín hiệu AIS có thể được tắt đi để giữ bí mật tác chiến.
Chưa kể việc các tàu cá cũng được trang bị các bộ tín hiệu vệ tinh AIS để đi biển mua trôi nổi trên thị trường. Vẫn có khả năng các tàu đánh tráo thay đổi bộ phát tín hiệu giả. Cho nên hệ thống tin hiệu hàng hải chỉ mang tính tham khảo, không phản ánh chính xác hết thực tế.
Đã có những dấu hiệu là các tàu của Trung Quốc đã thay đổi màu sơn và, số hiệu tàu và tín hiệu AIS để đánh lạc hướng các ứng dụng theo dõi hàng hải như chúng ta đang xem, và đánh lạc hướng trên thực địa.
Tất cả những gì Cánh Cò đưa ra ở đây chỉ dựa trên hệ thống tín hiệu vệ tinh hàng hải (Marine Trafice) chỉ có một mục đích là tham khảo, để thấy được phần nào nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, không như một số đối tượng chống phá kích động cho rằng “các lực lượng của Việt Nam không làm gì để mặc cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm”. Quý vị cũng không nên lấy những thông tin tham khảo này làm căn cứ để vội vàng phán xét vì có thể sẽ khác rất xa với ngoài thực địa.
Những động thái này có thể là cách mà Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền đường lưỡi bò phi pháp. Maylaysia, Indonesia cũng đều bị Trung Quốc đụng độ những nơi khai thác dầu giống như trước đây đối với Việt Nam hay Phillipnes. Vì Trung Quốc ngang ngược tuyên bố cả một vùng biển rộng lớn là của Trung Quốc, nên họ coi các nước Đông Nam Á và thế giới chẳng là gì.
Người dân chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tránh bị các đối tượng xấu kích động dư luận, mắc bẫy đối phương, gây khó khăn cho các đối sách của Việt Nam, gây bất lợi cho hoạt động tác chiến của ta. Chúng ta cần ủng hộ các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài thực địa biển đảo, nơi đầu sóng ngọn gió. Những người anh hùng, gan dạ và khôn ngoan nhất là những người không hô hào kích động, mà là người nói ít làm nhiều!
Nguyễn Anh (Marine Traffice)