Tàu Trung Quốc đe dọa sinh kế của ngư dân các nước trên Biển Đông
Các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của tàu Trung Quốc trên Biển Đông đã đe dọa quyền lợi hợp pháp và sinh kế của ngư dân ở nhiều nước Đông Nam Á.
Nỗi ám ảnh trong mỗi chuyến ra khơi xa
Ngư dân Philippines Bobong Lomuardo, 47 tuổi, thường đánh bắt tại các ngư trường trù phú xung quanh bãi cạn Scarborough trên Biển Đông – nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 222km về phía Tây. Mỗi đợt đi đánh bắt tại bãi cạn này – kéo dài 15 ngày, anh kiếm được khoảng 15.000 đến 19.000 peso.
Anh Lomuardo cho biết: “Đánh bắt cá ở đây rất dễ dàng. Đó là một công việc ổn định”. Thế nhưng thời gian gần đây, anh và cậu con trai 22 tuổi chỉ đánh bắt gần bờ. Thu nhập của họ hiện giờ chỉ đủ nuôi gia đình 7 người, song Lomuardo không dám đánh bắt ở ngoài khơi xa vì lo sợ sự hiện diện của các tàu Trung Quốc.
Chia sẻ với chương trình Insight, Bobong Lomuardo cho biết: “Kể từ khi Trung Quốc án ngữ tại lối vào bãi cạn Scarborough, chúng tôi không thể tới đó đánh bắt được nữa”. Các con thuyền cao tốc xuất hiện ở đó đã đuổi thuyền của anh đi, còn thủy thủ đoàn của họ thì yêu cầu anh “quay trở lại Philippines”. “Tôi nói rằng, đây là lãnh thổ của Philippines. Nhưng người Trung Quốc nói, không, không, đây là lãnh thổ của Trung Quốc”, Lomuardo kể lại.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, “Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng hải cảnh” tại Bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012. Tàu của các ngư dân như Lomuardo không thể sánh được với các tàu cá Trung Quốc được lực lượng hải cảnh nước này hộ tống.
“Thật đáng sợ. Ngư dân Philippines chỉ sử dụng những chiếc tàu hoặc thuyền nhỏ để đánh bắt cá. So với tàu của Trung Quốc, tàu của chúng tôi chỉ như những con ruồi”, ông Bobby Roldan thuộc Liên đoàn các tổ chức ngư dân nhỏ của Philippines cho biết.
“Ngay cả khi họ không phun vòi rồng vào chúng tôi, thì tàu của chúng tôi chắc chắn sẽ bị lật úp khi bị tàu của họ va chạm”.
Quyền lợi của các ngư dân ở Đông Nam Á luôn bị đe dọa
5 năm sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện do Philippines đệ trình, quyền lợi của các ngư dân ở Đông Nam Á vẫn luôn bị đe dọa.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã thông qua luật mới trao thêm quyền hạn, trong đó có quyền sử dụng vũ lực, cho lực lượng hải cảnh (CCG). Bên cạnh đó, CCG cũng được phép đuổi hoặc giám sát các tàu nước ngoài bị nghi ngờ tham gia những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm luật pháp của nước này.
Giới quan sát cho rằng các hành vi gây hấn của Trung Quốc xuất phát từ việc Bắc Kinh luôn coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của quốc gia. Nhà nghiên cứu cấp cao Yu Hong tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông” và sự trỗi dậy về kinh tế lại càng tạo cho Bắc Kinh động lực để hiện thực hóa tham vọng của nước này.
Một báo cáo phân tích dữ liệu về lĩnh vực thủy sản tại Trung Quốc công bố năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản nhiều khả năng sẽ vượt quá năng lực cung cấp trong nước vào năm 2030.
Các nhà nghiên cứu cho biết, Trung Quốc rất có thể sẽ đáp ứng nhu cầu bằng cách gia tăng nhập khẩu và nuôi trồng thủy sản thông qua việc mở rộng ngành công nghiệp đánh bắt xa bờ và đầu tư vào sản xuất thủy sản ở nước ngoài.
Theo ông Zhang Hongzhou, nghiên cứu viên trong Chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS) của Singapore, khi các ngư trường truyền thống của Trung Quốc bị khai thác quá mức vào những năm 1990, nhiều tàu của nước này đã bắt đầu đánh bắt xa bờ biển và tiến sâu vào Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
TT Ukraine tố “chiêu trò” của Nga ở Donbass: Đầu tiên là cấp hộ chiếu, sau đó là nhảy vào tuyên bố “bảo vệ dân”
Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong 10 năm ở sông Dương Tử bắt đầu từ năm 2020 để giúp phát triển các nguồn thủy sản dự trữ. Năm nay, lệnh cấm được mở rộng với các nhánh chính của con sông này.
Trước sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên thủy hải sản trong nước, tàu cá Trung Quốc đã mạo hiểm vươn tới cả những vùng biển xa xôi ở Biển Đông, thậm chí nằm ngoài chủ quyền lãnh thổ để đánh bắt. Bất chấp sự phản đối từ các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác tài nguyên thủy sản tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong nước cũng như nhằm đạt các mục tiêu về địa chính trị. Hành động liều lĩnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới đời sống ngư dân và sản lượng đánh bắt cá của nhiều nước khác có chủ quyền ở Biển Đông.
Bà Gloria Ramos, phó chủ tịch của Tổ chức Bảo tồn Đại dương Oceana ở Philippines cho biết: “Chúng ta phải hành động rất nhiều để đảm bảo người dân của chúng ta được bảo vệ khỏi các hành vi đánh bắt bất hợp pháp”./.