Tàu tấn công nhanh Iran quay đầu bỏ chạy vì quá khiếp sợ hỏa lực của tàu chiến Anh?
Theo Rick Hoffman, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ thì các tàu quân sự Iran đã phải quay đầu vì khiếp sợ uy lực của loại pháo trang bị trên tàu HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh.
Ngày 10/7, tàu chở dầu British Heritage của Anh khi đang di chuyển từ Vịnh Ba Tư đến Eo biển Hormuz thì bị 3 tàu quân sự tấn công nhanh được cho là của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) lao tới định bắt giữ.
Ngay lập tức, Hải quân Hoàng gia Anh đã điều động khinh hạm HMS Montrose đang hộ tống phía sau tăng tốc tới tiếp ứng cho tàu British Heritage.
HMS Montrose chặn ngang hướng di chuyển của các tàu Iran, chĩa pháo pháo đe dọa và ra khẩu lệnh yêu cầu phía Iran dừng ngay hành động “gây hấn”. Truyền thông Anh cho biết, Iran đã chấp hành yêu cầu này.
Theo tiết lộ của thuyền trưởng Rick Hoffman, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ thì các lực lượng trên tàu pháo Iran đã “ngoan ngoãn” nghe lời bởi họ khiếp sợ uy lực của các pháo cỡ nòng 30mm trang bị trên tàu chiến HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh.
“Đó là các vũ khí hoàn hảo”, Rick Hoffman nhận xét. “Chúng có hỏa lực cực mạnh, tốc độ bắn nhanh và nhất là đầu đạn động lực với mức độ sát thương rất cao. Thực tế, chỉ cần bắn vài quả là đã đủ vô hiệu hóa hoặc phá hủy tàu mục tiêu như kiểu của Iran”.
Hoffman là người đã có thâm niên chỉ huy các tàu tuần dương và khinh hạm trong các vụ đối đầu với Iran ở Trung Đông. Vì vậy, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ cho rằng, khinh hạm HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh đã được vũ trang loại vũ khí lý tưởng để đối phó với các tàu pháo tấn công nhanh của Iran.
Các khinh hạm Type 23 hay lớp Duke thường được trang bị các hệ thống pháo tự động DS30M Mark 2 cỡ nòng nhỏ gồm một pháo Mark 44 Bushmaster II 30 mm lắp trên bệ tấn công tự động. Loại pháo này có khả năng bắn khoảng 200 phát/phút với tầm tấn công trên 2 hải lý.
Hải quân Hoàng gia Anh bắt đầu nâng cấp các khinh hạm bằng vũ khí loại này từ khoảng 1 thập kỷ trước đây theo chương trình mang tên “Nâng cao Khả năng Tác chiến Chống Hạm Phòng vệ Duyên hải”.
“Tôi không rõ nguyên tắc can dự của Anh là gì”, Hoffman cho biết. “Nhưng nếu chỉ huy nhận thấy nguy cơ bị các tàu đối phương tấn công quân sự thì theo những nguyên tắc can dự mà chúng tôi từng trải qua trước đây, họ hoàn toàn có quyền khai hỏa”.
Hoffman nói rằng với tầm tấn công của loại pháo được trang bị thì các khinh hạm Anh có một lợi thế rất đáng kể.
Theo các quan chức của cả Anh và Mỹ, vào thời điểm diễn ra vụ đối đầu trên Vịnh Ba Tư, khinh hạm HMS Montrose cũng đã triển khai một máy bay trực thăng AgustaWestland AW159 Wildcat hoạt động phía bên trên các tàu tấn công nhanh cua Iran.
Một máy bay trinh sát của Mỹ được cho là cũng đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Lầu Năm Góc vẫn chưa cho công bố đoạn băng này.
Về phần mình, IRGC đã lên tiếng phủ nhận việc ngăn chặn tàu chở dầu British Heritage của Anh trên Eo biển Hormuz. Hãng thông tấn Fars dẫn thông tin từ Hải quân IRGC cho biết “không hề có bất cứ vụ đụng độ nào với các tàu nước ngoài, gồm cả tàu của Anh”.
IRGC cũng nhấn mạnh, nếu như họ nhận được mệnh lệnh bắt giữ bất cứ tàu biển nào thì khi đó họ đã hành động ngay lập tức.
(Theo Soha News)