+
Aa
-
like
comment

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ lần đầu tiến vào Biển Đông năm 2021

Bảo Trâm - 16/06/2021 10:36

Ngày 15/6, Hải quân Mỹ thông báo, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan dẫn đầu đã đi vào Biển Đông hôm 14/6.

Nhóm Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ

Đây là lần đầu tiên nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông trong năm 2021.

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu sẽ tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay, các cuộc diễn tập tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị trên mặt nước và trên không.

Hải quân Mỹ cho hay: “Nhóm tàu tác chiến đảm bảo duy trì các cam kết về an ninh của Washington đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực”.

Hình ảnh máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler cất cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan khi tiến hành huấn luyện ở Biển Đông.

Thông báo nhấn mạnh, việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông là rất quan trọng, với gần 1/3 giá trị thương mại hàng hải thế giới, tương đương gần 3,5 nghìn tỷ USD đi qua vùng biển này mỗi năm.

Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Will Pennington, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cho hay: “Biển Đông có vai trò quan trọng đối với dòng chảy thương mại tự do giúp phát triển kinh tế của các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên pháp luật”.

Hoạt động lần này của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan là một phần trong chiến lược hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngòai ra, trong một bài viết độc quyền, tờ Politico ngày 15/6 tiết lộ Lầu Năm Góc đang cân nhắc thành lập một lực lượng hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Kế hoạch này nằm trong số những kiến nghị của nhóm công tác về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ được thành lập vào tháng 3 năm nay.

Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận nói với Politico rằng lực lượng đặc nhiệm hải quân sẽ được xây dựng theo mô hình một đơn vị của NATO được thành lập ở châu Âu từ trước và trong Chiến tranh Lạnh là Lực lượng Hải quân thường trực ở Đại Tây Dương.

Hải đội này là lực lượng phản ứng tức thì có thể nhanh chóng ứng phó với một cuộc khủng hoảng nhưng dành hầu hết thời gian di chuyển quanh khu vực, tham gia các cuộc tập trận theo lịch trình và thực hiện các chuyến thăm cảng thiện chí. Sáu đến 10 tàu từ nhiều quốc gia NATO – gồm khu trục hạm, khinh hạm và tàu bổ trợ – thường được biệt phái vào lực lượng này trong tối đa sáu tháng.

Thông tin tờ Politico đăng tải

Theo nguồn tin của Politico, hiện vẫn chưa rõ lực lượng đặc nhiệm chỉ bao gồm tàu Mỹ hay có cả sự tham gia của quân đội các nước khác. Chuyên gia phân tích Jerry Hendrix của công ty tư vấn Telemus Group nhận định một lực lượng đặc nhiệm Thái Bình Dương hiệu quả sẽ bao gồm các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp cũng như Nhật Bản và Úc.

Bảo Trâm (Theo US Army, Politico)

Bài mới
Đọc nhiều