Tàu sân bay Nimitz trở về sau 10 tháng, nước Mỹ đã không còn như trước
Sau 10 tháng lênh đênh trên biển, thủy thủ đoàn của tàu sân bay Nimitz ngỡ ngàng trước những thay đổi chóng mặt ở quê nhà sau khi trở về đất liền.
“Nước Mỹ đã hoàn toàn thay đổi, chúng tôi không biết liệu mình có đang trở về quê hương không nữa”, một thành viên trên chiến hạm Nimitz nói với tờ New York Times.
Thủy thủ đoàn choáng ngợp trước những thay đổi lớn lao chỉ trong 10 tháng: Đại dịch Covid-19 chết chóc, kỳ bầu cử tổng thống đầy tranh cãi và cuộc bạo loạn chấn động ở Điện Capitol.
“Cuộc bể dâu” trong 10 tháng
Khi tàu sân bay Nimitz rời Căn cứ Hải quân Kitsap ở Bremerton, Washington vào ngày 27/4/2020, nước Mỹ vẫn chưa chứng kiến làn sóng mâu thuẫn chủng tộc sau cái chết của George Floyd.
Thời điểm đó, đảng Cộng hòa vẫn áp đảo trong hệ thống quyền lực tại Washington với quyền kiểm soát Thượng viện và Nhà Trắng. Số người chết vì đại dịch Covid-19 tại Mỹ lúc đó cũng chỉ bằng 11% thời điểm hiện tại.
Sau 10 tháng lênh đênh trên biển, chiến hạm khổng lồ chạy bằng năng lượng hạt nhân nói trên trở lại quê nhà vào ngày 25/2, song diện mạo của nước Mỹ lần này lại khác biệt so với lúc con tàu rời đi.
“Cuộc bể dâu” đó phần nào được phản ánh qua sự kiện cựu tướng Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ da màu đầu tiên trong lịch sử – xuống tàu Nimitz để chào đón thủy thủ đoàn trở về.
Với chất giọng nam trung hơi trầm, dày và ấm, Bộ trưởng Quốc phòng Austin chia sẻ với thành viên trên tàu rằng ông hiểu cảm giác bị cô lập khi phải tham gia các chiến dịch kéo dài.
Hơn một thập kỷ trước, bản thân vị cựu tướng bốn sao này cũng từng đóng quân tại Iraq tron khoảng 4 năm, lâu hơn khoảng thời gian tàu Nimitz ra khơi.
Tuy nhiên, ông Austin tham gia chiến dịch trên đất liền, gần các căn cứ quân sự, trong khi thủy thủ đoàn Nimitz phải lênh đênh trên biển và gần như bị cô lập về mặt thời sự, theo New York Times.
Ngoài ra, trước khi về tới phần đất liền thuộc lãnh thổ Mỹ, các thành viên trên tàu còn phải tự cách ly trong 2 tuần. Về cơ bản, họ chỉ có thể tiếp xúc và trò chuyện với nhau.
Ngay cả trong những lần hiếm hoi cập vào các cảng ở Guam, Manama hay Bahrain, thủy thủ đoàn 5.000 người không được phép rời bờ theo truyền thống mà phải ngủ trên tàu hoặc trong bến với khoảng 100 thủy thủ khác. Họ được yêu cầu không tiếp xúc với người trên đất liền vì diễn biến của dịch Covid-19.
“Không biết trở về để làm gì”
Thủy thủ đoàn Nimitz theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong lúc đang thực hiện hải trình trên Ấn Độ Dương. Họ thức dậy vào sáng 7/1 và bàng hoàng khi nghe tin những người biểu tình đã chiếm đóng Điện Capitol.
Sĩ quan Christina Ray, 31 tuổi, kể lại rằng bà đã rất kinh hoàng khi theo dõi cảnh tượng tại trụ sở quốc hội qua màn hình tivi trên boong thứ hai của con tàu.
“Chúng tôi đang chiến đấu chống lại loại bạo lực đó để bảo vệ đất nước này”, bà Ray nhận xét về diễn biến vụ bạo loạn hôm 6/1. “Nước Mỹ đã thay đổi hoàn toàn và chúng tôi không biết mình đang trở về để làm gì nữa”.
Một số thành viên trên tàu Nimitz đã mất người thân vì dịch Covid-19 trong khi họ lênh đênh trên biển, tương tự với nhiều gia đình khác ở Mỹ – quốc gia có số trường hợp tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 450.000 ca.
Trong lúc họ rời đi, nước Mỹ đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc với những mâu thuẫn về việc đeo khẩu trang, xung đột sắc tộc và sự phân cực chính trị đến mức cực đoan, đỉnh điểm là cuộc bạo loạn làm 5 người thiệt mạng ở Điện Capitol của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.
“Có quá nhiều cảm xúc đang choáng ngợp trong tôi”, bà Ray nói với New York Times. “Chúng tôi đã bị loại bỏ khỏi thế giới này, giờ chúng tôi phải tự hỏi nhau: ‘Làm thế nào để tái hòa nhập vào xã hội này đây?'”.
Trái lại, một số thành viên tàu Nimitz lại hồ hởi trước những đổi thay của nước Mỹ.
“Thật tốt khi thấy đất nước này đã trở lại với bản chất đa văn hóa, và tôi cũng rất vui khi thấy nội các trông có vẻ ‘Mỹ’ hơn”, sĩ quan Fidel Hart nhận xét.
Sĩ quan 44 tuổi đồng thời nhấn mạnh rằng ông và các thành viên trên tàu Nimitz đã trở về với “đất nước vĩ đại nhất hành tinh”.
Ông Hart cũng chia sẻ về kế hoạch của mình khi về tới Washington: “Tôi sẽ đi dạo trong rừng, điều mà tôi không thể làm trong nhiều tháng qua vì phải ở trên tàu. Tôi muốn nghe chim hót. Tôi muốn ngửi mùi hương của các loài hoa. Và tôi muốn lắng nghe nhịp chảy của dòng sông”.
Đại Hoàng