Tàu sân bay ngầm: ý tưởng điên rồ
Vấn đề bảo vệ các tàu sân bay to lớn giữa biển cả mênh mông đang đặt ra câu hỏi về sự thích hợp và tương lai của các hàng không mẫu hạm; với nền khoa học-kỹ thuật và công nghệ hiện đại, việc tạo ra một tàu sân bay ngầm là hoàn toàn khả thi.
Người Nhật từng “đi trước thời đại”
Trên thực tế, trong Thế chiến II, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã phát triển một loại tàu ngầm có tên gọi là lớp I-400 có thể mang theo các thủy phi cơ, được biết đến như loại tàu ngầm lớn nhất từng được đóng trước khi Liên Xô và Mỹ phát triển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo vào những năm 1960.
Năm 1942, đề nghị của Đô đốc Yamamoto Isoroku – Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật Bản – về việc đóng 18 chiếc tàu có thể di chuyển 40.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu, hoặc gần gấp 4 lần tầm hoạt động của tàu ngầm lớp Balao như Segundo (được viết tắt là Sen-toku) để mang 36 máy bay, đã được chấp thuận và bắt đầu triển khai vào tháng 1/1943 tại nhà máy chế tạo vũ khí ở Kure (Hiroshima).
Tuy nhiên, về sau, kế hoạch đã bị rút xuống còn 9 chiếc, và cuối cùng chỉ có 3 chiếc được đóng là I-400 tại Kure I-401 và I-402 tại Sasebo.
Tàu nặng 6.500 tấn, dài 120 m (gấp ba lần kích cỡ tàu ngầm bình thường tại thời điểm đó), dùng 4 động cơ diesel 3.000 mã lực và có thể mang 1.750 tấn nhiên liệu – đủ để đi một vòng rưỡi quanh trái đất (nhiều hơn cần thiết để có thể đi từ Đông sang Tây, đến được Mỹ), cũng như lương thực-thực phẩm trong bốn tháng trên biển cho thủy thủ đoàn 147-157 thành viên.
Loại tàu ngầm này được trang bị 8 ống phóng ngư lôi 533 mm cùng với 1 khẩu đại bác 140 mm tầm bắn 15 km ở phía đuôi, và 4 pháo loại 25 mm để tác chiến phòng không. I-400 có thể mang 3 chiếc thủy phi cơ Aichi M6A Seiran, mỗi chiếc có thể mang 800 kg bom đạn và bay xa 650 km với tốc độ 475 km/giờ.
Những chiếc Aichi M6A1 bí mật này ban đầu được thiết kế cho “một trận Trân Châu Cảng thứ hai”, theo ý đồ của viên Đô đốc mang tinh thần Samurai – người tin rằng, các tàu sân bay ngầm ném bom “như mưa” xuống các thành phố lớn của Mỹ chắc chắn sẽ khiến người dân Mỹ “mất ý chí chiến đấu”.
Yamamoto tin một cuộc tấn công bất ngờ thứ hai và thậm chí còn nhiều hơn thế nữa sẽ gây thiệt hại về mặt tâm lý cho người Mỹ và có lẽ sẽ là cách tốt nhất để khiến người Mỹ theo đuổi tìm kiếm hòa bình.
Khi chuẩn bị chiến đấu, Seiran có sải cánh 12 m và chiều dài 11,6 m; cánh của Seiran có thể gấp lại, đuôi ngang và dọc của máy bay cũng có thể gập xuống để thu nhỏ kích thước của máy bay cho vừa với khoang chứa.
Một nhóm bốn người chuẩn bị cho ba chiếc máy bay trong vòng 45 phút. Máy bay sẽ cất cánh trên bệ phóng dài 37 m phía trên bong tàu; sau đó, tàu lặn xuống nước để tránh bị phát hiện.
Khi chiến tranh chuyển sang thế bất lợi cho Nhật Bản và các hạm đội của họ không thể di chuyển một cách tự do trên Thái Bình Dương, Đô đốc Isoroku xây dựng một kế hoạch táo bạo tấn công thành phố New York, Washington D.C và các thành phố khác của Mỹ cũng như phá hủy kênh đào Panama vào ngày khai trương năm 1945, nhằm cắt đứt đường tiếp tế đến Thái Bình Dương của các tàu Mỹ.
Sau nhiều tuần lên kế hoạch, chiến dịch “Bão tố từ bầu trời trong xanh” (“Storm From a Clear Sky”), người Nhật đã đưa ra chiến thuật tấn công các chốt Gatun (Panama) vào lúc bình minh khi các cánh cổng bị đóng và hệ thống phòng thủ lỏng lẻo; cuộc tấn công sẽ tiến hành trong mùa khô với sự kết hợp của bom và ngư lôi, như vậy, hồ Gatun sẽ mất nhiều thời gian hơn để bổ sung nước.
Theo kế hoạch, việc phá hủy cánh cổng mở ra hồ Gatun sẽ tạo ra một dòng nước lớn, phá hủy các cổng khác trên đường đi của nó khi đổ về phía biển Caribe. Đây không phải là một cuộc tấn công liều chết, các phi công sẽ được đón sau khi hạ cánh và quay trở lại tàu ngầm.
Tuy nhiên, trước khi kế hoạch được thực hiện, Nhật Hoàng đã phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh.
Các thông cáo tiếp theo từ Tokyo rất khó hiểu, đặc biệt là Mệnh lệnh 114, xác nhận rằng hòa bình đã được tuyên bố nhưng tất cả các tàu ngầm đều phải “thực hiện các nhiệm vụ đã định trước và tấn công kẻ thù nếu bị phát hiện”.
Ngày 22/8/1945, thủy thủ đoàn được lệnh phá hủy vũ khí trên tàu; các ngư lôi được bắn đi mà không có đích đến, các máy bay được phóng lên nhưng không mở cánh và đuôi.
Khi chiếc I-401 được lệnh đầu hàng trước một khu trục hạm của Mỹ, thuyền trưởng của nó đã tự sát, còn thủy thủ đoàn Mỹ thì bị sốc trước kích thước và khả năng về công nghệ của tàu ngầm Nhật.
Hải quân Mỹ đã thu được 24 tàu ngầm, tính cả chiếc I-400, và đưa chúng đến vịnh Sasebo để nghiên cứu. Cùng lúc đó họ nhận được tin là Liên Xô cũng cử một đoàn thanh sát viên đến để nghiên cứu loại tàu đặc biệt này.
Để giữ cho công nghệ không lọt vào tay Liên Xô, Kế hoạch Cuối đường đã được xúc tiến; gần như tất cả tàu ngầm đều bị đánh chìm tại địa điểm Point Deep Six (được giữ bí mật), cách 60 km về phía Tây Nagasaki ngoài khơi quần đảo Gotō bằng thuốc nổ C-2. Hiện nay chúng đang nằm ở độ sâu 200 mét dưới lòng biển.
Theo một tài liệu khác, trên thực tế, tịch thu chiếc I-400 ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, Hải quân Mỹ đã giữ tàu I-400 cùng với 4 tàu ngầm khác của Nhật tại Trân Châu Cảng để nghiên cứu.
Năm 1946, khi Chiến tranh Lạnh chỉ mới chớm bắt đầu, Liên Xô yêu cầu được tiếp cận thông tin về các tàu ngầm bị mất tích theo các điều khoản trong một hiệp định hậu Thế chiến II.
Không muốn bí mật công nghệ rơi vào tay Liên Xô, Hải quân Mỹ đã tiến hành đánh đắm các tàu ngầm này, rồi bình thản tuyên bố không biết chúng mất tích tại đâu; vị trí xác tàu I-400 từ đó đã trở thành bí mật.
Tất cả các cơ quan tình báo phe Đồng minh hầu như không hề biết đến sự tồn tại của những chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới lớp I-400 cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Sự thích hợp và tương lai của các hàng không mẫu hạm
Trong chiến tranh hiện đại, tên lửa chống hạm và máy bay không người lái đang được sử dụng ngày một phổ biến.
Mặc dù hàng không mẫu hạm đã chứng minh được giá trị của chúng trong nhiều thập kỷ, vấn đề bảo vệ những chiếc tàu sân bay to lớn giữa biển cả mênh mông đang đặt ra câu hỏi về sự thích hợp và tương lai của các hàng không mẫu hạm.
Theo The Diplomat, một nghiên cứu mới đã phân tích nghiêm túc về tương lai của tàu sân bay, được coi là lực lượng nòng cốt của Hải quân Mỹ.
Theo các chuyên gia quân sự, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các hạm đội mặt nước là từ trên không, nguy cơ bị săn đuổi bởi các mối đe dọa từ trên không – máy bay và tên lửa – luôn rình dập.
Một giải pháp thay thế có thể là loại bỏ các tàu lớn, như các tàu sân bay và sử dụng các tàu nhỏ hơn, độc lập tác chiến với khả năng riêng về phòng không. Cách khác mà các tàu sân bay có thể vẫn còn phù hợp là thay đổi loại máy bay mà chúng mang theo. Máy bay không người lái (UAV) có thể là lựa chọn tương lai của tàu sân bay.
Máy bay tấn công không người lái (UCAV) cũng là một loại máy bay chiến đấu có thể hạ và cất cánh từ một tàu sân bay. Nó thậm chí có thể được tiếp liệu trên không. Những chiếc máy bay loại này có thể sẽ là quân bài trong các trận chiến có sự tham gia của tàu sân bay trong tương lai.
Chúng có thể được sử dụng trong các hoạt động tầm xa hơn, nhiều rủi ro hơn, cho phép các tàu sân bay chở chúng có thể ở ngoài biển xa và tránh bị nguy hiểm. Chúng rẻ hơn về chế tạo và vì không phải chịu thêm trọng lượng khi mang và giữ mạng sống cho phi công, có thể ở trên không trong thời gian dài.
Một số giải pháp tiềm năng khác có thể là các tàu sân bay không người lái, tự động hoàn toàn. Gần đây, Hệ thống hàng không nguyên tử tổng quát (General Atomics Aeronautical Systems) đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm mang theo Hệ thống máy bay không người lái cỡ nhỏ Sparrowhawk (small Unmanned Aircraft System – sUAS).
Các “tàu mẹ” mang máy bay không người lái này có thể cung cấp một lựa chọn thú vị cho các hoạt động trên biển, trên bộ và trên không trong tương lai.
Tàu sân bay ngầm, tại sao không?
Một giải pháp khác là việc sử dụng máy bay không người lái trên biển có thể sẽ có một cách tiếp cận mới với ý tưởng về tàu sân bay có khả năng lặn, hay tàu sân bay ngầm.
Những chiếc tàu như vậy có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân và vẫn chìm trong nước trong thời gian dài – giống như một tàu ngầm hạt nhân thông thường. Máy bay không người lái có thể được triển khai bằng cách bay lên, phóng từ sàn bay ngắn, hoặc bằng cách sử dụng ống phóng.
Khả năng như vậy sẽ mang lại cho loại “tàu sân bay” mới này cơ hội sống sót cao hơn nhiều, yêu cầu nhân sự vận hành tối thiểu, đồng thời có khả năng tạo cho cho đối phương yếu tố bất ngờ.
Robot trên boong và các hệ thống tự động khác có thể được sử dụng để thực hiện hầu hết các công việc nâng hạ hàng hóa tải trọng nặng.
Những chiến hạm lớn này cũng có thể ở trạng thái nửa chìm nửa nổi, hạ thấp xuống dưới bề mặt mặt nước khi không chiến đấu. Hoặc, các phiên bản của loại tàu sân bay này cũng có thể lặn hoàn toàn, như với tàu ngầm truyền thống.
Những chiếc tàu kiểu này hoàn toàn có thể thực hiện các chức năng chứa, triển khai, phục hồi, tái trang bị, tiếp nhiên liệu và sửa chữa máy bay không người lái (hoặc máy bay).
Lê Ngọc