+
Aa
-
like
comment

Tàu Pohang 20 không cần radar Garpun Bal vẫn bắn được Uran-E?

06/11/2019 17:31

Vừa qua hình ảnh tàu hộ vệ săn ngầm Pohang do Hàn Quốc chuyển giao được Việt Nam tích hợp các ống phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E đã xuất hiện.

Tàu 20 đã được lắp 2 cụm ống phóng KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E phía sau, ngay sát vị trí lắp đặt ngư lôi săn ngầm Mk 32, cấu hình này tương tự những chiếc Pohang Flight IV của Hải quân Hàn Quốc.

Nhưng ở đây có một chi tiết đáng chú ý là Tàu 20 hiện vẫn chưa được tích hợp radar điều khiển hỏa lực Garpun Bal để dẫn bắn tên lửa, trên tàu hiện vẫn chỉ có radar WM-28 trên đỉnh tháp để xác định mục tiêu cho các khẩu pháo mà thôi.

Chính vì vậy đã có ý kiến nhận xét rằng Tàu 20 mới chỉ đang thử nghiệm độ cân bằng khi lắp thêm ống phóng KT-184 mà thôi, bên cạnh đó tên lửa chưa được tích hợp vào thân tàu cũng như hệ thống kiểm soát chiến đấu của nó.

Tau Pohang 20 khong can radar Garpun Bal van ban duoc Uran-E?
Ống phóng KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E được tích hợp trên Tàu 20 lớp Pohang

Mặc dù vậy cũng có luồng ý kiến khác cho rằng không nhất thiết phải bổ sung radar kiểm soát hỏa lực Garpun Bal lên nóc cabine chỉ huy mà Tàu 20 vẫn có khả năng triển khai tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E một cách chính xác.

Cụ thể trong trường hợp bắn tên lửa ở cự ly không quá xa, con tàu có thể lấy thông số mục tiêu thông qua các trạm radar bờ, máy bay trinh sát, hay thậm chí từ tàu chiến khác cùng biên đội.

Sau khi xác định mục tiêu, tàu sẽ nạp toạ độ vào tên lửa rồi phóng, bộ dẫn đường quán tính sẽ đưa đạn bay đến khu vực dự kiến rồi dùng đầu dò chủ động để khoá đối tượng cần tiêu diệt.

Thực tế cũng cho thấy ngay trong biên chế Hải quân Việt Nam có tàu hộ vệ BPS-500 cũng không được tích hợp radar điều khiển hỏa lực Garpun Bal mà nó chỉ sử dụng radar trinh sát Pozitiv-E mà thôi.

Tau Pohang 20 khong can radar Garpun Bal van ban duoc Uran-E?
Tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 chỉ có radar trinh sát chứ không được lắp đặt radar điều khiển hỏa lực chuyên dụng

Tuy nhiên để tận dụng hết tính năng của tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E thì việc lắp thêm radar Garpun Bal vẫn là cần thiết, bởi nếu chỉ sử dụng bộ dẫn đường quán tính thì đạn có thể đi lạc nếu phải vượt qua quãng đường cự ly lớn với thời gian bay dài.

Đầu dò radar chủ động trên tên lửa Kh-35 Uran-E có công suất cũng như góc quét rất nhỏ, nếu như tàu chiến đối phương chạy tốc độ cao và không còn ở trong phạm vi tọa độ ban đầu nữa thì dễ dẫn tới tình trạng không tìm thấy được mục tiêu.

Với đài radar Garpun Bal, chiến hạm sẽ dẫn bắn được cho tên lửa Kh-35 hay thậm chí cả KCT 15 ở khoảng cách xa và có độ chính xác cao hơn nhiều, không để lãng phí tầm bắn ưu việt của đạn chống hạm.

Tùng Dương/Đất Việt

Bài mới
Đọc nhiều