+
Aa
-
like
comment

Tàu phân bón Trung Quốc bị tố độc hại, rác rưởi

15/11/2021 14:27

Vì sao một tàu chở hàng từ Trung Quốc nhất quyết không chịu rời vùng biển Sri Lanka dù đã được cơ quan chức năng yêu cầu?

Một con tàu chở 20.000 tấn phân bón hữu cơ đang trở thành nguồn cơn gây tranh cãi gay gắt giữa Trung Quốc và quốc gia nhỏ bé vùng Nam Á Sri Lanka.

Việc này dẫn đến một cuộc tranh cãi ngoại giao hiếm có giữa hai nước có quan hệ thân cận, khiến một ngân hàng bị đưa vào danh sách đen, một nhóm nông dân và nhà khoa học đang chỉ biết cầm cự chờ đợi.

“Độc hại, rác rưởi và ô nhiễm”

Tàu Hippo Spirit. Ảnh: Marine Traffic

Con tàu được đề cập có tên là Hippo Spirit. Nó khởi hành từ Trung Quốc vào tháng 9/2021, chở 20.000 tấn phân bón hữu cơ rất cần thiết đến thủ đô Colombo của Sri Lanka.

Đây là chuyến hàng đầu tiên trong kế hoạch mua 99.000 tấn phân bón hữu cơ của Colombo từ Tập đoàn Công nghệ Sinh học Qingdao Seawin – một công ty Trung Quốc chuyên về phân bón làm từ rong biển – với chi phí 49,7 triệu USD. Chính phủ Sri Lanka quyết định nhập phân bón hữu cơ sau khi đột ngột ngừng nhập khẩu phân bón hóa học từ tháng 5 để dịch chuyển thành quốc gia nông nghiệp sử dụng 100% phân bón hữu cơ hoàn toàn đầu tiên trên thế giới.

Vậy trước nhu cầu bức thiết về phân bón hữu cơ, tại sao lại có tranh cãi về lô hàng này?

Vấn đề là ở chất lượng của phân bón – thứ mà các nhà khoa học nói – thay vì giúp ích lại có thể gây hại cho cây trồng.

Tiến sĩ Ajantha De Silva – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Sri Lanka – nói với BBC: “Những cuộc kiểm tra của chúng tôi cho thấy phân bón từ Trung Quốc không đảm bảo yêu cầu vô trùng. Chúng tôi đã phát hiện ra nhiều loại vi khuẩn gây hại cho các giống cây cà rốt, khoai tây trong lô phân mà Hippo Spirit vận chuyển”.

Sri Lanka nhấn mạnh, vì hàng hóa có ảnh hưởng đến an ninh sinh học của đất nước nên không thể nhận được.

Quyết định của Sri Lanka đã khiến công ty Qingdao Seawin nổi giận. Công ty này đã cáo buộc truyền thông Sri Lanka sử dụng các diễn đạt như “độc hại, rác rưởi, ô nhiễm” và những từ ngữ mang tính xúc phạm khác để miêu tả số hàng hóa trên tàu Hippo Spirit nhằm “bôi nhọ hình ảnh các doanh nghiệp Trung Quốc”.

“Phương pháp kiểm tra phi khoa học và kết luận của Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Quốc gia (NPQ) Sri Lanka rõ ràng là không tuân thủ quy định kiểm dịch quốc tế”, Qingdao Seawin nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Khi tranh cãi leo thang, một tòa án đã yêu cầu Ngân hàng Nhân dân thuộc sở hữu nhà nước của Sri Lanka ngừng thanh toán 9 triệu USD tiền lô hàng đang chờ nhập cảnh cho Qingdao Seawin.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo đã phản ứng bằng cách đưa ngân hàng này vào danh sách đen. Qingdao Seawin cũng đã yêu cầu NPQ bồi thường 8 triệu USD cho tổn thất về danh tiếng.

Người Sri Lanka lo chiến thuật “gây sức ép” của TQ

Dự án thành phố cảng Colombo ở Sri Lanka được Trung Quốc tài trợ 1,4 tỷ USD. Ảnh: Getty

Trong khi “cuộc chiến” trên bờ đang diễn ra ngày càng gay gắt, con tàu vẫn chưa thể rời khỏi vùng biển của Sri Lanka. Những hình ảnh mới nhất trên trang mạng giao thông hàng hải cho thấy, con tàu hiện đang neo tại khu vực gần bờ biển phía tây nam Sri Lanka, không xa thủ đô Colombo.

Động thái này là muốn gửi đi thông điệp rõ ràng: công ty Trung Quốc kiên quyết không nhận lại lô hàng này. Bởi nếu hàng bị hoàn trả cho Trung Quốc, đó sẽ là một tổn thất lớn về mặt danh tiếng cho Qingdao Seawin và chính phủ Trung Quốc. Công ty này cho biết, họ xuất khẩu phân bón hữu cơ sang hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Úc và Mỹ.

Sau các cuộc họp gần đây với quan chức Đại sứ quán Trung Quốc, Thứ trưởng Shasheendra Rajapaksa của Sri Lanka cho biết đã chấp nhận kiểm tra lại một mẫu mới thông qua một phòng xét nghiệm của bên thứ ba mà cả hai bên đều đồng ý.

Ông Rajapaksa nói: “Chúng tôi không bị ép buộc vào điều này, họ chỉ đưa ra yêu cầu”, đồng thời cho biết thêm, “lô hàng hiện tại không thể nhập cảng Sri Lanka”.

Tuy nhiên, nhiều người dân Sri Lanka đã đặt câu hỏi về khả năng chính phủ nước này đang phải chịu sức ép của Trung Quốc và kêu gọi chính phủ không lùi bước.

Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay hàng tỷ USD trong khuôn khổ sáng kiến ​​Vành đai – Con đường nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản tài trợ đều có lợi cho Sri Lanka. Một số nhà phân tích cho rằng, Sri Lanka đã sa vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Nhưng các quan chức Sri Lanka nhấn mạnh, bất chấp sức mạnh tài chính từ Bắc Kinh, không một lô phân bón hữu cơ kém chất lượng nào được phép nhập cảnh vào nước này. Tiến sĩ De Silva khẳng định: “Chúng tôi đã nói rõ rằng công ty họ có thể nhận lại lô hàng này và gửi lô hàng khác tới”.

Sri Lanka – Trung Quốc cãi nhau, nông dân khốn khổ

Tranh cãi giữa Trung Quốc và Sri Lanka về chất lượng phân bón hữu cơ đang ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân trồng lúa Sri Lanka. Ảnh: Getty

Trong khi các quan chức hai nước vẫn bất phân thắng bại trong vấn đề này, hàng chục nghìn nông dân Sri Lanka đang khốn đốn vì thiếu phân bón khi vào mùa canh tác lúa.

Những nông dân trồng lúa như Rathnayaka ở huyện Monaragala cho rằng, lệnh cấm đột ngột của chính phủ đối với phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã ảnh hưởng lớn đến người nông dân.

“Chúng tôi không thể đột ngột chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Mặc dù biết phân bón hữu cơ tốt hơn, nhưng cách tiếp cận hiện tại của chính phủ là sai lầm”. Rathnayaka còn cho rằng, chính phủ nên hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ “theo từng giai đoạn”.

Giáo sư Buddhi Marambe của Đại học Peradeniya cho biết thêm, việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ hoàn toàn sẽ gây hại cho nền kinh tế nông nghiệp vì sản lượng cây trồng chủ lực như lúa có thể giảm mạnh.

“Chúng ta không thể đạt được mục tiêu an ninh lương thực chỉ với canh tác hữu cơ”, ông nhấn mạnh.

Sau những báo cáo cảnh báo và các cuộc biểu tình của nông dân trên toàn quốc, chính phủ Sri Lanka đã nới lỏng một số quy định về phân bón tổng hợp.

Tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vừa kết thúc tại Glasgow (Scotland), Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho biết, việc lạm dụng phân bón hóa học gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh thận mãn tính. Vì vậy, chính phủ của ông kiên quyết cắt giảm nhập khẩu loại phân bón này.

Nhưng một số nhà phân tích chỉ ra rằng, quyết định cấm phân bón hóa học là để hạn chế hàng nhập khẩu đắt đỏ, dù chính phủ phủ nhận. Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm xuống còn 2,3 tỷ USD vào cuối tháng 10, và chính phủ đã hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng khác trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng.

Bất kể lý do đằng sau lệnh cấm phân bón hóa học là gì, một số người cho rằng, chính phủ Sri Lanka hiện đang rơi vào tình trạng bấp bênh: vừa phải đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh, vừa phải đối mặt làn sóng phản đối kịch liệt của nông dân và các chuyên gia nông nghiệp.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều