+
Aa
-
like
comment

Tàu ngầm hạt nhân Pháp tuần tra ở Biển Đông, thách thức Trung Quốc

Trần Anh - 09/02/2021 16:33

Pháp cho biết cuộc tuần tra của tàu ngầm nước này ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy hải quân Pháp có thể triển khai lực lượng tới những nơi xa xôi cùng các đối tác chiến lược. Báo SCMP đánh giá đây là động thái thách thức Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân Pháp tuần tra ở Biển Đông, thách thức Trung Quốc - Ảnh 1.
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đã đi qua Biển Đông.

Hãng tin AFP ngày 9-2 đưa tin tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp gần đây đã tiến hành cuộc tuần tra qua Biển Đông.

Cụ thể, theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trên Twitter cuối hôm 8-2, tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đã thực hiện cuộc tuần tra trên.

“Cuộc tuần tra đặc biệt này chỉ vừa hoàn tất. Đây là bằng chứng nổi bật cho thấy năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài cùng các đối tác chiến lược của chúng tôi như Úc, Mỹ và Nhật Bản” – bà Parly viết trên Twitter, đăng kèm bức ảnh cho thấy hai con tàu trên biển.

Theo Hãng tin AFP, Pháp – thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – có các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh các lãnh thổ hải ngoại của nước này ở Thái Bình Dương. Paris đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.

“Tại sao chúng tôi lại thực hiện sứ mệnh như vậy? Đó là để làm giàu kiến thức của chúng tôi về khu vực này và khẳng định rằng luật pháp quốc tế là nguyên tắc hợp lệ duy nhất ở bất cứ vùng biển nào chúng tôi đi qua” – Bộ trưởng Parly viết trên Twitter.

Theo đánh giá của báo South China Morning Post (Hong Kong), cuộc tuần tra của tàu ngầm trên nằm một phần trong nỗ lực của Pháp nhằm thách thức các yêu sách vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trước đây, Pháp đã tiến hành một số cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, gia nhập các nước như Anh và Mỹ trong việc đối phó các hoạt động của Trung Quốc tại đây. Tháng 9-2020, Pháp, Anh và Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản bác yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước động thái trên của Pháp, tàu chiến Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, trong đó có các chuyến áp sát những thực thể do Trung Quốc xây dựng trái phép.

Tuần trước, tàu khu trục USS John S. McCain của hải quân Mỹ đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc ngang ngược chiếm đóng. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thông báo về hoạt động của tàu chiến Mỹ gần quần đảo Hoàng Sa kể từ lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hôm 20-1.

BÌNH AN/VNE

Bài mới
Đọc nhiều