Tàu ngầm hạt nhân Liên Xô chìm dưới biển bất ngờ rò rỉ phóng xạ cao khủng khiếp
Một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô bị chìm hàng chục năm ngoài khơi Na Uy từ thời Chiến tranh lạnh bất ngờ phát ra lượng phóng xạ cao gấp 800.000 lần mức bình thường khiến các nhà khoa học chú ý.
Sau một vụ hỏa hoạn trong phòng động cơ, tàu ngầm hạt nhân Komsomolets của Liên Xô đã chìm trên vùng biển ngoài khơi Na Uy tháng 4-1989. Vụ tai nạn là một cú sốc cho Hải quân Liên Xô bởi nó giết chết tới 42 thành viên thủy thủ đoàn, phần lớn là do ngạt nước.
Sử dụng một thiết bị có tên Ægir 6000, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Na Uy đã phát hiện ra mức độ phóng xạ xung quanh xác chiếc tàu ngầm này đột ngột tăng cao bất ngờ.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu nước từ bên trong xác tàu cho việc phân tích. Kết quả cho thấy hàm lượng phóng xạ Cesium cao gấp 800.000 lần mức bình thường, ở mức 100 Bq/lít.
Bà Hilde Elise Heldal, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định không có gì bất ngờ khi phát hiện dấu vết của vật liệu phóng xạ xung quanh con tàu. “Người Nga đã từng ghi nhận rò rỉ phóng xạ ở đây từ năm 1990 và gần đây nhất là năm 2007”.
“Con số nghe có vẻ khủng khiếp nhưng thực ra không có gì nguy hiểm cao đâu. Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, chính quyền Na Uy đã đặt giới hạn an toàn với phóng xạ Cesium có trong thực phẩm là 600 Bq/kg”, bà Heldal so sánh.
Theo Đài CNN của Mỹ, các nhà khoa học đã bắt đầu việc theo dõi và đánh giá tình trạng xác tàu ngầm hạt nhân kể từ năm 1990. Lần cuối cùng người ta thấy các bức ảnh chụp con tàu dưới đáy biển là năm 2007.
Việc sử dụng Ægir 6000 đã cho phép các nhà khoa học quan sát được rõ nét tình trạng xác con tàu và nơi họ muốn lấy mẫu phân tích. Các hình ảnh hiếm hoi về con tàu sau đó được lan truyền trên mạng.
Dù mức độ phóng xạ nghe rất cao, các nhà khoa học khẳng định chúng vẫn chưa gây nguy hiểm cho con người và các loài sinh vật biển mà con người ăn. “Chúng tôi muốn có đầy đủ các dữ liệu về mức độ ô nhiễm của nước biển trong khu vực, lớp trầm tích đáy biển và ảnh hưởng đến các loài hải sản.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi xác con tàu và vùng biển xung quanh nó”, bà Heldal cho biết thêm.
(Theo Tuổi Trẻ)