+
Aa
-
like
comment

Marine Traffic: Tàu Hải Dương đang trong vùng EEZ Việt Nam

16/06/2020 10:00

Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc được cho là đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông, theo dữ liệu từ trang theo dõi hàng hải quốc tế.

Tàu Hải Dương 8 (bên phải) và tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông vào tháng 7/2019

Trong diễn biến mới nhất, dữ liệu quan sát Marine Traffic cập nhật lúc 8h23′ sáng ngày 16/6/2020 cho thấy, tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc đã vào sâu thêm khoảng 8 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý, đi chậm với tốc độ 2,4 hải lý.

Dữ liệu từ trang Marine Traffic vào chiều qua cũng cho thấy, tàu khảo sát Hải Dương 4 rời Quảng Đông ngày 10/6, tới ngày 13/6 xuất hiện ở phía đông Đá Chữ Thập, và đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quý 190 hải lý. Sau khi tiến vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu hiện đang ở tốc độ chỉ tầm 2.4 hải lý (tín hiệu cập nhật mới nhất lúc 18h33′).

Tàu Hải Dương 4 của nhà nước Trung Quốc đã vào sâu thêm khoảng 8 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý, đi chậm với tốc độ 2,4 hải lý.

Cũng giống như năm ngoái khi khảo sát ở vùng chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia, qua bản đồ AIS đã không thấy hiện diện của tàu hải cảnh đi cùng. Tuy nhiên theo diễn biến năm ngoái, có những lúc có thể nhìn thấy tàu neo đậu đồng thời cùng một số tàu dân quân biển Trung Quốc. Cùng thời gian, tàu khoan Noble Clyde Boudreaux do công ty Rosneft Vietnam thuê vẫn đang neo đậu ngoài khơi Vũng Tàu, chưa được triển khai tới khu vực hoạt động ở mỏ Phong Lan Dại tại lô 06.1.

Hiện chưa rõ mục đích của đội tàu khảo sát này là gì, nhưng rõ ràng vụ điều tàu khảo sát lần này nằm trong chuỗi hành động hung hăng của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch. Đáng lưu tâm khi động thái điều tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam cũng đến sau sự kiện một tàu sắt Trung Quốc mang số hiệu 4006 cùng một xuồng máy đã ngang ngược truy đuổi, tấn công, đâm nứt mạn tàu cá của ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Các ngư dân Quảng Ngãi may mắn thoát chết trở về (trái), tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng (phải). (Nguồn: Tuổi trẻ)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Ngay trong ngày 10-6, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết

Trước đó vào cuối tháng Ba, Việt Nam cũng lần đầu tiên gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

TH (Theo FB Dự án Đại Sự Ký Biển Đông)

Bài mới
Đọc nhiều