Tàu dầu khí Malaysia bị quấy rối “hàng ngày” suốt 2 năm bởi trung Quốc
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 25/10 dẫn nguồn tin từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) – thuộc Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – cho biết, các lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc đang ngăn cản, quấy rối những tàu khai thác dầu mỏ và khí đốt của Malaysia và cả Indonesia trên vùng Biển Đông.
Các động thái của Trung Quốc được cho là tập trung vào Bãi cạn Luconia, nơi công ty Petronas thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia đang thăm dò một mỏ khí đốt.
AMTI cho biết, các tàu dân sự Malaysia đã bị nhắm mục tiêu hàng ngày trong 2 năm qua và các chiến thuật tương tự hiện cũng đang được sử dụng để chống lại các tàu của Indonesia ở Biển Natuna.
Trung Quốc quấy rối các nước ở biển Đông
Ông Greg Poling, Giám đốc AMTI, nói rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc nhắm đến mục đích “kiểm soát” cụm bãi cạn Luconia, nơi công ty dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia có một số mỏ dầu và khí đốt và đã quấy rối các tàu liên quan đến “bất kỳ hoạt động thăm dò hoặc khoan mới nào tại đây”.
Bãi cạn Luconia là nơi có mỏ khí đốt Kasawari – phát hiện tháng 11/2011, ước tính có trữ lượng gần 85 tỷ m3 – đang được Petronas khai thác và cách bờ biển Bintulu ở Sarawak khoảng 200km.
Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc xâm nhập “chừng nào” Petronas còn tiếp tục khai thác mỏ này. Ông cũng cho biết mối quan hệ hiện tại của Malaysia với Trung Quốc “rất khó định lượng nhưng hiện đã tốt hơn nhiều”.
Trong email trả lời trang This Week in Asia thuộc SCMP, chuyên gia Poling cho biết các tàu Trung Quốc sẽ quấy rối các tàu tiếp tế ngoài khơi đang phục vụ các giàn khoan của Malaysia.
“Họ (các tàu Trung Quốc) di chuyển một cách nguy hiểm và cố ý tạo ra rủi ro va chạm để ngăn cản tàu dân sự chấp nhận các hợp đồng như vậy (tiếp tế cho các giàn khoan),” ông nói.
Nếu các tàu của Malaysia không lùi bước, Trung Quốc sẽ điều động một trong các tàu khảo sát thuộc sở hữu nhà nước để tiến hành các cuộc khảo sát đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Các tàu này thường được hộ tống bởi “một đội quy mô lớn các tàu dân quân biển và một số lượng nhỏ hơn các tàu hải cảnh của Trung Quốc” – ông Poling cho biết thêm.
Trung Quốc từ lâu đã bị các nước và dư luận quốc tế cáo buộc lợi dụng lực lượng “dân quân hàng hải”, bao gồm hàng trăm tàu đánh cá dân sự, nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, cho rằng những lực lượng bất thường này thuộc Hải quân Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đến nay khẳng định đó chỉ là những tàu đánh cá thương mại hoạt động vì lợi ích cá nhân.
Trong năm nay, chính phủ Malaysia đã 2 lần triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur tới để phản đối các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Lần triệu tập đầu tiên xảy ra sau khi Malaysia điều máy bay phản lực để đánh chặn máy bay Trung Quốc trong một cuộc tuần tra không báo trước, khi các máy bay của Trung Quốc bị cáo buộc gần xâm phạm không phận của quốc gia Đông Nam Á. Sau đó, Bắc Kinh tuyên bố “các hoạt động được báo cáo” là một phần của quá trình huấn luyện bay thường lệ “không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào” và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Indonesia cũng là mục tiêu
Không chỉ có Malaysia, theo ông Poling, các tàu hải cảnh Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu quấy rối các hoạt động khai thác của Indonesia tại mỏ dầu khí tại khu vực lô Tuna ở biển Natuna. Trước đây, hai nước thường xuyên đụng độ vì quyền đánh bắt cá quanh quần đảo Natuna, một vùng biển giáp ranh với Biển Đông.
Ông Poling cho biết thêm rằng, các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở vùng nước nói trên ít thường xuyên hơn so với khu vực liên quan đến Malaysia, vì không có các rạn san hô quan trọng mang tính biểu tượng trong khu vực. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong những tháng gần đây và hải cảnh Trung Quốc bắt đầu “quấy rối hoạt động khai thác của Indonesia tại lô Tuna giống như cách họ đã quấy rối các hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam”.
Theo Giám đốc của AMTI, cũng như tại bãi cạn Luconia, Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát ở vùng biển Natuna để gây khó khăn cho hoạt động khai thác của Indonesia.
“Lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường triển khai để bảo vệ các cuộc ra quân đánh cá lớn do nhà nước chấp thuận, như chúng ta đã thấy vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020,” ông Poling cho biết, đề cập đội tàu đánh cá Trung Quốc được hỗ trợ bởi các tàu hải cảnh tiến vào biển Natuna và gây ra một cuộc đối đầu nguy hiểm với Indonesia.
“Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa thấy Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân để chống lại Indonesia giống như cách họ đã đối đầu với Malaysia và các bên tranh chấp khác.”
Theo chuyên gia của AMTI, trong hơn 4 năm qua, Trung Quốc ngày càng “táo tợn” trong việc quấy rối các hoạt động dầu khí và hành động của họ đã được kích hoạt bằng việc xây các cơ sở trái phép ở Biển Đông.
Khai Tâm