+
Aa
-
like
comment

Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia

22/04/2021 14:34

Ngoại trưởng Úc Marise Payne cam kết sẽ giúp đỡ Indonesia mọi cách có thể trong việc tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Hải quân Úc chỉ có 2 tàu cứu hộ tàu ngầm là MV Besant và MV Stoker, đều được chế tạo tại Việt Nam.

Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia - Ảnh 1.
Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Besant của hải quân Úc – Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Trong thông cáo tối 21-4, Bộ Quốc phòng Indonesia xác nhận đã gởi tín hiệu cầu cứu tới Văn phòng tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm quốc tế (ISMERLO), đề nghị giúp đỡ tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala.

HIện vẫn chưa rõ Úc sẽ cử tàu cứu hộ tàu ngầm hay một loại tàu khác có hệ thống sonar để hỗ trợ Indonesia. Nhưng nếu chọn tàu cứu hộ tàu ngầm, Canberra không có nhiều lựa chọn.

Theo trang web của hải quân Úc, lực lượng cứu hộ tàu ngầm Úc chỉ có 2 tàu là MV Besant và MV Stoker. Tuyên bố hỗ trợ “bằng mọi cách có thể” của Ngoại trưởng Payne làm dấy lên hi vọng Úc sẽ cử cả 2 tàu chuyên dụng này.

Theo trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, MV Besant và MV Stoker là kết quả hợp tác giữa Công ty dịch vụ hàng hải Úc (DMS) với công ty Damen (Hà Lan) và nhà máy Z189 của Việt Nam.

Cả hai tàu này được khởi công đóng mới tại Việt Nam năm 2013 và 2014, bàn giao trong năm 2015. Hải quân Úc đã lấy tên 2 vị chỉ huy tàu ngầm đầu tiên của nước này là Thomas Besant và Henry Stoker để đặt cho 2 tàu cứu hộ mới.

Tàu MV Stoker sở hữu chiều dài lớn hơn (93,2m) so với tàu MV Besant (83m), nhưng có cùng mớn nước (16m). Lượng giãn nước đầy tải là 3.690 tấn (MV Stoker) và 3.231 tấn (MV Besant).

Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia - Ảnh 2.
Tàu MV Stoker triển khai phương tiện lặn và giải cứu LR5, xa xa là tàu MV Besant. Theo ISMERLO, hải quân Úc thường huy động cả hai tàu khi huấn luyện do mỗi con tàu có vai trò bổ sung cho nhau trong một chiến dịch giải cứu tàu ngầm – Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Theo trang web của nhà máy Z189, các thiết bị chuyên dụng trên tàu MV Besant và MV Stoker có nhiều tính năng vượt trội, như phát hiện tọa độ, điện thoại liên lạc và robot lặn kết nối với tàu ngầm để cứu nạn thuyền viên khi tàu gặp sự cố.

Trong đó, nổi trội nhất là tàu MV Stoker được trang bị hệ thống cứu hộ tàu ngầm LR5, có thể lặn giải cứu tàu ngầm ở độ sâu tới 400m. Theo hải quân Úc, phương tiện lặn LR5 được trang bị khoang chứa chịu được áp lực lớn, có thể cứu tối đa 16 người mỗi chuyến.

LR5 có thể lặn và thực hiện 8 chuyến giải cứu (tương đương 128 người) mới cần nạp nhiên liệu. Để tránh thay đổi áp suất đột ngột (có thể dẫn tới tử vong), MV Stoker được trang bị một buồng giảm áp suất cho những người vừa được giải cứu từ đáy biển.

Hiện chưa có dữ liệu hàng hải chính xác vị trí của tàu MV Besant và MV Stoker. Cả hai tàu có cảng nhà là căn cứ hải quân ở Perling, bang Tây Úc – vốn cách khá xa địa điểm tàu ngầm Indonesia gặp nạn.

“Ấn Độ, Singapore và Úc đã phản hồi” – tham mưu trưởng quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto khẳng định.”Chúng tôi có quan hệ hợp tác với Singapore và Úc trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm”, ông này cho biết thêm.

Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia - Ảnh 3.
Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift của Singapore lên đường hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm Indonesia – Ảnh: Facebook/Ng Eng Hen

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen sáng 22-4 xác nhận tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift của nước này đã lên đường hỗ trợ Indonesia. “Địa điểm tìm kiếm cách Singapore gần 1.500km, ở vùng biển sâu nên chúng tôi phải cử tàu đi càng sớm càng tốt”, ông Ng Eng Hen viết trên Facebook.

Trước đó, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu Singapore, đã chia sẻ dữ liệu hàng hải cho thấy tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift rời cảng từ chiều 21-4. “Chính phủ và quân đội Indonesia nên được ghi nhận vì đã nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ quốc tế”, ông Koh nêu quan điểm trên Twitter cá nhân.

Tàu MV Swift của Singapore được trang bị tàu lặn cứu hộ tàu ngầm DSAR6, có thể lặn sâu khoảng 500m trong điều kiện thực tế, và tới 650m trong điều kiện thử nghiệm.

Khoang chứa của DSAR6 có thể chịu được áp lực lớn của đáy biển và chứa được tối đa 17 người trong mỗi chuyến giải cứu. Cũng như MV Stoker, tàu MV Swift cũng được trang bị buồng giảm áp suất với sức chứa tối đa 40 người, theo ISMERLO.

Câu hỏi quan trọng hàng đầu hiện nay là tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia đang ở đâu? Hải quân Indonesia đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm sau khi phát hiện vệt dầu loang ngoài khơi đảo Bali.

Chuẩn đô đốc Julius Widjojono suy đoán tàu KRI Nanggala có thể đã mất điện trong lúc lặn và chìm xuống khoảng 600-700m dưới đáy biển. Rất nhiều người hi vọng suy đoán này là sai, bởi ở độ sâu này, việc cứu hộ là rất phức tạp và vô cùng nguy hiểm, với tỉ lệ thành công thấp.

Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia - Ảnh 4.
Tàu MV Stoker triển khai phương tiện lặn LR5 – Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC
Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia - Ảnh 5.
Bên trong khoang chứa của LR5 – Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC
Tàu cứu hộ đóng tại Việt Nam có thể tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia - Ảnh 6.
Tàu cứu hộ MV Swift triển khai phương tiện lặn DSAR6 – Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG SINGAPORE

Duy Linh

Bài mới
Đọc nhiều