Tàu chiến Mỹ di chuyển vào Biển Đông, áp sát Hoàng Sa, Trường Sa
Tàu chiến Hải quân Mỹ, hai lần trong vài ngày qua, di chuyển gần các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hôm 20/11, tàu chiến đấu ven biển Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hãng Reuters dẫn lời Trung tá Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết, ngày 20/11, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực thể này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và biến thành đảo nhân tạo.
“Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc duy trì tự do và các quyền sử dụng hải phận, không phận một cách hợp pháp với tất cả các quốc gia”, phát ngôn viên Reann Mommsen hôm nay cho biết thêm.
Tiếp đó, ngày 21/11, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa với mục tiêu bảo đảm tự do hàng hải.
“Các hoạt động này dựa trên luật lệ quốc tế và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc ủng hộ các quyền, sự tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời được bảo đảm cho tất cả các quốc gia”, người phát ngôn Mommsen nhấn mạnh.
Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông trong các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Washington cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc cũng như những nỗ lực đe dọa các nước láng giềng châu Á.
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có bổn phận thể hiện quan điểm thật rõ ràng, đồng thời khẳng định quyền chủ quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp”, ông Esper nói trong buổi họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana tại thành phố Quezon hôm 19/11.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, chồng lấn vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới.
Tuy vậy, Người phát ngôn của Trung Quốc mới đây lớn tiếng kêu gọi Mỹ nên ngừng “khoe cơ bắp” ở Biển Đông. Ngay sau lời kêu gọi, Trung Quốc xác nhận đưa tàu sân bay vào Biển Đông để tiến hành hoạt động “huấn luyện thường lệ và các cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có cuộc gặp kín với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng hồi đầu tuần này bên lề một hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ở Bangkok. Ông Esper cáo buộc Trung Quốc “gia tăng áp chế và đe dọa để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược” trong khu vực..
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất quán lập trường tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, hoan nghênh các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh, an toàn ở Biển Đông.