Tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa
Tàu khu trục USS Barry tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 28/4, hải quân Mỹ cho biết.
Các quan chức hải quân Mỹ xác nhận với USNI News rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry đã tiến hành hoạt động này, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Quân đội Trung Quốc (PLA) hôm qua thông báo trên mạng xã hội rằng đã triển khai tàu chiến và máy bay để bám theo khu trục hạm USS Barry và tuyên bố đã “xua đuổi” chiến hạm Mỹ khỏi khu vực. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Tuy nhiên, một quan chức hải quân Mỹ giấu tên khẳng định hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của họ được triển khai theo kế hoạch, không gặp phải bất cứ hành vi không an toàn hoặc thiếu chuyên nghiệp nào từ máy bay và tàu chiến Trung Quốc, trái với tuyên bố của Bắc Kinh về sự việc.
Trước đó, phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ Anthony Junco cho biết tàu USS Barry đã thực hiện hành trình thứ hai qua eo biển Đài Loan trong tháng này. “Nó thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, phát ngôn viên Junco nói thêm.
Truyền thông Đài Loan cũng đưa tin tàu USS Barry của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 2 lần trong tháng này. Trong cả 2 lần, các tàu chiến của Trung Quốc đều bám sát tàu Mỹ.
Mỹ tuần trước cũng điều tàu đổ bộ tấn công USS America và tuần dương hạm USS Bunker Hill diễn tập trên Biển Đông cùng tàu chiến của hải quân Australia, nhưng không cho biết vị trí cụ thể. Ba nguồn tin giấu tên tiết lộ các chiến hạm xuất hiện gần nơi tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo West Capella, tàu khoan do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành tại vùng biển gần Malaysia.
Washington cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng tình hình Covid-19 để thúc đẩy hiện diện tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về “hành vi bắt nạt và loại hoạt động khiêu khích, gây bất ổn”.
Trước việc Trung Quốc ngày 18/4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam cũng nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hồi cuối tháng ba, Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Hoài Nam (t.h)