+
Aa
-
like
comment

Tàu chiến các nước dồn dập đổ về Biển Đông, Trung Quốc lo ngại tái hiện thời kỳ “Bát quốc liên quân”

13/08/2021 19:01

Chưa bao giờ vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông lại nổi sóng như hiện nay.

Tàu chiến các nước dồn dập đổ về Biển Đông, Trung Quốc lo ngại tái hiện thời kỳ "Bát quốc liên quân"

Không chỉ có các cuộc tập trận của Trung Quốc, các chuyến tuần tra hàng hải (FONOP) thường xuyên của Mỹ, mà còn bởi sự xuất hiện của hàng loạt tàu chiến các cường quốc hải quân châu Âu và Ấn Độ.

Các tàu chiến dồn dập tiến về Biển Đông

Ngay từ đầu năm nay, tàu hộ vệ trinh sát Prairial lớp Floréal của hải quân Pháp xuất phát từ Tahiti, sau khi dừng ở cảng quân sự Sasebo của Nhật Bản vào tháng 2 và đã đến thăm Cam Ranh của Việt Nam ngày 9/3.

Tiếp theo cuộc tuần tra ở Biển Đông của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine của Pháp, các tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf của Pháp cũng hai lần đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5 ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo sau Pháp, trong tháng 7, Anh đã gửi tàu chiến lớn nhất – tàu sân bay Queen Elizabeth tới khu vực Nam Biển Đông tham gia diễn tập với 3 tàu chiến của Singapore. Tàu Queen Elizabeth được hộ tống bởi các tàu khu trục, khinh hạm và tàu hỗ trợ của Hải quân Hoàng gia Anh, sẽ đi qua Biển Đông để đến Nhật Bản vào tháng 9 tham gia các cuộc tập trận chung với hải quân Nhật, Úc, Mỹ và Hà Lan. Anh cũng đã thông báo sẽ triển khai thường trực hai tàu chiến đi qua Biển Đông và các vùng biển xung quanh Nhật Bản từ cuối năm nay.

Tàu khu trục Bayern của Hải quân Đức, lần đầu tiên sau 20 năm, cũng đã khởi hành kể từ 2/8 trên một hành trình kéo dài 7 tháng tới Biển Đông, dự kiến dừng chân tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Đức ngày 4/8 tuyên bố rất rõ, mục tiêu của hành trình là để bảo vệ quyền tự do hàng hải, an ninh ở Biển Đông, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế trên biển. Trong khi đó, một tuyên bố của Hải quân Đức cho biết “Cùng với các đồng minh của mình, Đức muốn thể hiện sự hiện diện nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”

Ngày 2/8, Ấn Độ cũng thông báo một lực lượng đặc nhiệm 4 tàu chiến gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ranvijay, tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường Shivalik, tàu hộ tống chống ngầm Kadmatt và tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường Kora sẽ tới biển Đông trong một nhiệm vụ kéo dài 2 tháng.

Các tàu của Ấn Độ sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar 2021 với các nước trong nhóm Quad (Bộ tứ) ở phía Tây Thái Bình Dương. Nhóm tàu chiến này cũng sẽ tham gia các cuộc diễn tập song phương với hải quân với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Úc.

Xuất hiện một mặt trận thống nhất ở Biển Đông

Sự hiện diện của các tàu chiến của các cường quốc Châu Âu và Ấn Độ tại Biển Đông diễn ra sau khi các nước này liên tiếp công bố các chiến lược đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Pháp là quốc gia công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sớm nhất châu Âu (tháng 6/2019), mô tả Ấn Độ – Thái Bình Dương là trung tâm của các thách thức toàn cầu, đặc trưng bởi căng thẳng và khủng hoảng, sự quyết đoán mới của Trung Quốc.

Đức đưa ra bản báo cáo mang tên ”Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” vào ngày 2/9/2020, xác định các lợi ích liên quan đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gồm hòa bình và an ninh, đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, không đơn cực hay lưỡng cực, các tuyến đường vận chuyển mở, thị trường mở và thương mại tự do.

Ngày 13/11/2020, Hà Lan trở thành nước châu Âu thứ 3 công bố một tài liệu “Ấn Độ – Thái Bình Dương: Cương lĩnh về việc tăng cường hợp tác giữa Hà Lan-Liên Hiệp Châu Âu với các đối tác ở Châu Á”, đặc biệt nhấn mạnh đến các hành động của Trung Quốc đang đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng trên thế giới và kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Ngày 16/3/2021, Anh công bố nội dung “hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” như một trọng tâm mới trong chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, đề cao các cơ hội kinh tế ở châu Á, đồng thời lập luận rằng sự hiện diện an ninh lớn hơn của Anh ở khu vực này có thể giúp đối phó với thách thức chiến lược từ Trung Quốc.

Và cuối cùng, với sự thúc đẩy của Pháp, Đức và Hà Lan, ngày 19/4/2021, Liên minh châu Âu đã thông qua tài liệu “Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đóng vai trò của mình để đối phó với những thách thức an ninh đang gia tăng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt về an ninh hàng hải, ưu tiên đảm bảo các tuyến đường liên lạc trên biển tự do và rộng mở, tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế.

Dù lần lượt công bố vào thời điểm khác nhau, nhưng chiến lược của các nước châu Âu có những điểm chung là đều đề cập đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một trung tâm địa chính trị mới trong bối cảnh quyền lực đang được dịch chuyển từ Tây sang Đông; tăng cường quan hệ với các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là lựa chọn tất yếu của các nước Châu Âu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình tại khu vực; xác định Trung Quốc vừa là đối tác không thể bỏ qua trong tiến trình hợp tác kinh tế, vừa là đối thủ mà các nước Châu Âu không thể để mặc để cho nước này bành trướng và vi phạm luật quốc tế, phá vỡ trật tự của hệ thống thế giới; các nhà lãnh đạo Châu Âu cần phải thay đổi tư duy chiến lược, để trở thành cường quốc toàn cầu, châu Âu cần có cách tiếp cận toàn diện hơn, trong đó sức mạnh kinh tế, sức mạnh mềm là chưa đủ, mà phải cần cả sức mạnh cứng trong chương trình nghị sự của mình.

Cùng với việc công bố các chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và triển khai tàu chiến tới khu vực này, trong thời gian vừa qua, Pháp cùng với Đức và Anh đã liên tiếp gửi Công hàm lên LHQ, phản đối yêu sách biển của Trung Quốc và nhấn mạnh đến vai trò của UNCLOS và việc đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không và duy trì luật pháp quốc tế tại khu vực này.

Cũng cần phải nói rằng Đức và Anh nằm trong số 8 quốc gia ủng hộ rõ ràng phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với tất cả các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là “Đường 9 đoạn”.

Các động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông lần lượt từ Pháp, Anh và Đức một mặt thể hiện tầm quan trọng của Biển Đông đối với lợi ích kinh tế và an ninh của các nước châu Âu, mặt khác cho thấy sự nhất quán và quyết đoán của các cường quốc hải quân châu Âu nhằm hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mỗi nước.

Việc triển khai các lực lượng hải quân của Châu Âu cũng có thể là cách mà các nước này gửi tín hiệu phản ứng tới Bắc Kinh khi họ là đối tượng trong chính sách đối ngoại “chiến lang” của Trung Quốc vài tháng gần đây.

Việc châu Âu can dự sâu hơn vào Biển Đông cho thấy song trùng lợi ích giữa chính sách của mình và đồng minh Mỹ, cũng như các đối tác ở Đông Nam Á.

Điều đó cũng cho thấy đang có sự phối hợp ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào đầu năm nay, đã điều chỉnh cách tiếp cận coi trọng hơn tới quan hệ với các nước đồng minh, thể hiện rõ nhất qua kết quả của hàng loạt hội nghị thượng đỉnh G7, NATO và Mỹ – EU cuối tháng 7 vừa qua.

Riêng với Ấn Độ, mặc dù tuyên bố chính thức rằng “Việc triển khai các tàu của Hải quân Ấn Độ nhằm nhấn mạnh tầm hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các nước thân thiện nhằm đảm bảo trật tự hiệu quả trong lĩnh vực hàng hải”, nhưng động thái này cho thấy ý định của Ấn Độ muốn đóng một vai trò lớn hơn trong các nỗ lực của khu vực nhằm chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, sau các cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở Galwan, Đông Ladakh vào năm ngoái.

Thông điệp của Ấn Độ là sẵn sàng liên kết với các nước trong nhóm Bộ tứ và các nước khác để đáp trả Trung Quốc trong các cuộc xung đột và tranh chấp.

Các nhà quan sát quốc tế đã đề cập đến một tình huống chiến lược mới, trong đó không phải chỉ có Mỹ thách thức Trung Quốc, mà đã xuất hiện một mặt trận thống nhất ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt cả về ngoại giao và quân sự

Việc châu Âu và Ấn Độ tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông cả về ngoại giao lẫn quân sự đang góp phần thúc đẩy “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông, đưa tranh chấp Biển Đông trở thành một vấn đề không chỉ giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp trực tiếp khác, mà còn trở thành một vấn đề an ninh quốc tế, nơi các nước bên ngoài, bao gồm các nước châu Âu, đều có lợi ích.

Tàu chiến các nước dồn dập đổ về Biển Đông, Trung Quốc lo ngại tái hiện thời kỳ Bát quốc liên quân - Ảnh 4.

“Điều này sẽ khiến Trung Quốc cân nhắc kỹ hơn trước mỗi quyết định hành động quân sự” – nhà bình luận quốc tế người Nhật Hiroyuki Akita nhận định trên trang news.com.au.

Theo giới phân tích, việc Anh, Pháp và Đức điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ góp phần kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh, nhất là ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Gió đang đổi chiều, tương quan quyền lực tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang thay đổi, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt cả về ngoại giao và quân sự.

Cùng thời điểm nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến vào Biển Đông, Trung Quốc tổ chức tập trận quân sự tại 2 khu vực ở Bắc Biển Đông.

Trung Quốc rõ ràng lo ngại về sự hiện diện cùng lúc của đông đảo tàu chiến các cường quốc bên ngoài bởi nó tái hiện thời kỳ “Bát quốc liên quân” can thiệp Trung Quốc hồi đầu thế kỷ 20.

Minh Kiệt

Bài mới
Đọc nhiều