+
Aa
-
like
comment

Tàu chiến Anh thăm Việt Nam, Trung Quốc như ngồi trên “tổ kiến lửa”

27/09/2021 17:06

Khinh hạm HMS Richmond của Anh sắp băng qua eo biển Đài Loan để thăm Việt Nam. Con tàu bật tín hiệu ngay lúc di chuyển như lời thách thức đối với yêu sách phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc. Động thái làm chính quyền Trung Quốc nổi giận, như đang ngồi trên “tổ kiến lửa”.

Tuy nhiên, Anh khẳng định, biển Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, không phải của riêng quốc gia nào, do đó, chuyến thăm Việt Nam lần này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và quan điểm tự do hàng hải.

Tàu Anh qua eo biển Đài Loan thăm Việt Nam làm Trung Quốc tức giận Khinh hạm HMS Richmond, tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh, đi qua eo biển Đài Loan trên đường tới Việt Nam hôm thứ Hai, 27/9.

Reuters cùng hãng tin Đài Loan sáng 27/9 thông tin về chuyến thăm của HMS Richmond, đặc biệt là việc đi qua cả eo biển Đài Loan, tiến vào Biển Đông, ghé thăm Việt Nam mang tính “nhạy cảm”.

“Theo một thông báo trên Twitter chính thức từ của HMS Richmond, động thái có thể khiến Bắc Kinh tức giận trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan (cũng như ở khu vực Biển Đông -PV) gia tăng”, Reuters nhấn mạnh.

Hiện vẫn chưa rõ một trong số tàu chiến hộ tống thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Anh đang hoạt động ở Thái Bình Dương này sẽ thăm Việt Nam vào thời điểm, cảng và lịch trình cụ thể như thế nào.

“Sau thời gian công tác bận rộn cùng đối tác và đồng minh ở biển Hoa Đông, chúng tôi đang trên đường qua eo biển Đài Loan để thăm Việt Nam và Hải quân nhân dân Việt Nam”, tài khoản Twitter chính thức của khinh hạm HMS Richmond thông báo ngày 27/9.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời “của riêng mình” (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) và liên tục tăng cường áp lực cả về quân sự lẫn chính trị để buộc bán đảo này quy thuận dưới tầm cai trị dân chủ và chấp nhận chủ quyền thuộc về Trung Quốc.

HMAS Anzac.
Nhóm tàu chiến Australia thăm Cam Ranh, có huấn luyện chung với Hải quân Việt Nam

Báo chí phương Tây nhấn mạnh rằng, hàng loạt tàu chiến của Mỹ và đồng minh vẫn duy trì hoạt động đi qua eo biển Đài Loan hay khu vực Biển Đông này hầu như hàng tháng, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) không bình luận trực tiếp khi được hỏi về chuyến thăm của tàu chiến Anh.

Tướng Khâu Quốc Chính cũng khẳng định không biết các tàu nước ngoài ở eo biển Đài Loan đang thực hiện các sứ mệnh gì nhưng Quân đội Đài Bắc sẽ không can thiệp.

“Khi họ (tàu chiến của Mỹ và các nước đồng minh – PV) đi qua eo biển Đài Loan, Quân đội của Đài Loan sẽ nắm tình hình, nhưng chúng tôi sẽ không can thiệp”, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính nói với các phóng viên, đồng thời cho biết chính quyền Đài Bắc luôn theo dõi chặt chẽ mọi chuyển động gần Đài Loan.

Như đã biết, khinh hạm HMS Richmond của Anh đã được triển khai ở Biển Hoa Đông tham gia các hoạt động thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với khu vực nhằm vào Triều Tiên.

Như Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trước đó tuyên bố, tàu HMS Richmond của nước này đang tham gia vào hoạt động thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong khu vực.

“Thông qua hoạt động của tàu HMS Richmond trên biển Hoa Đông, chúng tôi đã phát hiện một số tàu tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên, các tàu này cũng chưa được gắn cờ của Cơ quan Điều phối thực thi”, Bộ trưởng Ben Wallace lưu ý.

Đối với các vùng biển tranh cãi trong khu vực, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, đồng thời, điều máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc với tần suất gần như hàng ngày vào khu vực phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Anh ngày càng tăng cường hiện diện ở Biển Đông, biển Hoa Đông Hiện tại, Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng trước hành động của tàu chiến Anh.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ “không thể tách rời” của nước này, cũng như luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông, theo lẽ thưỡng, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên tiếng phản đối gay gắt khi các nước khác đưa tàu chiến hoặc máy bay đến các khu vực nhạy cảm hay qua Biển Đông, ghé thăm Việt Nam.

Như đã thông tin, trước đó, tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đã hoạt động trên biển Hoa Đông, khu vực hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và chính quyền Nhật Bản.

Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc “Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI) khẳng định khinh hạm chống ngầm hải quân Anh HMS Richmond đã bật hệ thống nhận diện tàu bè AIS khi tiến vào eo biển Đài Loan.

HMS Richmond, tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh.
HMS Richmond, tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh.

Thực tế, hành động của tàu chiến Anh, về hình thức, dường như mang tính thông báo với Trung Quốc, nhưng trên thực tế lại mang tính thách thức.

 

Qua đó có thể thấy, việc cho tàu tác chiến ở khu vực biển Hoa Đông, đi ngang qua eo biển Đài Loan, tiến vào Biển Đông, đến thăm Việt Nam, Hải quân Hoàng Gia Anh đang gửi thông điệp hết sức rõ ràng và mạnh mẽ, thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp này.

Cần nhắc lại, trước đây, các tàu chiến của Anh và Mỹ thường chỉ thông báo đã băng qua eo biển Đài Loan sau khi sứ mệnh đã hoàn thành.

Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh, trong đó có cả Vương quốc Anh, tuyên bố eo biển rộng khoảng 200km nằm giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục là một phần của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Khu vực Biển Đông trong chính sách của Washington cũng là tự do, cởi mở, do đó, việc đưa tàu chiến qua khu vực này, đối với chính quyền Mỹ và đồng minh, là hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế.

Trước đó, hôm 18/9, tàu khu trục USS Barry (DDG-52) của Mỹ, thuộc đội tàu khu trục 15, đội tàu khu trục lớn nhất của Hoa Kỳ và lâu nay duy trì sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, cũng đã băng qua eo biển Đài Loan, đánh dấu lần thứ 9 kể từ đầu năm nay chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa tàu chiến tới khu vực tranh chấp này.

Tàu khu trục USS Barry.

“Điểm nhấn” trong lần thực hiện sứ mệnh của khinh hạm USS Barry chính là cùng ngày hôm đó, có đến 10 chiến đấu cơ của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Tàu Mỹ được Bắc Kinh theo dõi sát sao mọi hoạt động ở khu vực.

Về phần mình, sau Brexit, Anh đã đẩy mạnh chiến lược “Nước Anh toàn cầu” nhằm gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nâng tầm vị thế của Vương Quốc Anh ở khu vực có vị thế địa chính trị ngày càng quan trọng này.

Hãng thông tấn CNA của Đài Loan khi đưa tin về việc khinh hạm HMS Richmond băng qua eo biển Đài Loan rạng sáng 27/9 trên đường đến thăm Việt Nam là một phần trong nỗ lực tăng tầm ảnh hưởng, tiếng nói của Anh ở khu vực.

CNA cho rằng là minh chứng cho thấy London xem an ninh Đài Loan và sau đó là tự do hàng hải ở Biển Đông và hợp tác với Việt Nam là vấn đề quan trọng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Khinh hạm HMS Richmond sắp thăm Việt Nam có gì đặc biệt?

Được biết, HMS Richmond là một trong số các tàu hộ tống thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay CSG21, dẫn đầu bởi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (R08) hiện đang có mặt tại Tây Thái Bình Dương.

Tiêm kích F-35B Lightning II của Anh trên boong tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh
Tiêm kích F-35B Lightning II của Anh trên boong tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh

Trong biên chế Hải quân Anh, HMS Richmond là một trong số khinh hạm chống ngầm lớp Type 23, được thiết kế cho tác chiến chống ngầm.

Các tàu lớp Type 23 có tầm hoạt động lên đến 14,000km, hệ thống vũ khí trên tàu gồm: tên lửa phòng không trên hạm, tên lửa chống hạm, ngư lôi, hải pháo 113mm và trực thăng săn ngầm.

Tàu HMS Richmond có lượng giãn nước 4,900 tấn, thủy thủ đoàn tiêu chuẩn 185 người.

Đô đốc Tony Radakin của Hải quân Hoàng gia Anh trước đó thông tin, Anh nhiều khả năng sẽ triển khai 2 tàu tuần tra đến khu vực “trong vòng ít nhất 5 năm nữa”.

Đối với Anh, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, Biển Đông đều là vùng biển quốc tế và có thể được sử dụng bởi các quốc gia khác nhau với tinh thần thượng tôn pháp luật. Những vùng biển này không thể chỉ là của riêng một nước nào.

Anh tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Không chỉ Mỹ một lòng muốn “nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược” với Việt Nam, các quốc gia đồng minh thân cận của Hoa Kỳ vẫn luôn thể hiện thiện chí củng cố và tăng cường hợp tác với Hà Nội trên mọi phương diện, trong đó có hợp tác về an ninh quốc phòng.

Hôm 21/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Robert Ben Lobban Wallace cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc phòng Anh đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), thăm chính thức Việt Nam.

Sau đó, hôm 22/7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang cùng nhiều lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng đã đón và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Robert Ben Lobban Wallace.

Lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Anh – Bộ trưởng Phan Văn Giang và Ben Wallace thống nhất đánh giá, thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, với nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, quân sự quốc phòng, kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, du lịch, y tế.

Riêng đối với lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam và Anh vẫn cơ bản hoàn thành các nội dung hợp tác đã thống nhất, như duy trì cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng, trao đổi đoàn, đào tạo tiếng Anh cho cán bộ của Việt Nam. Đáng chú ý, “ngoại giao tàu sân bay” được duy trì liên tục.

Anh khẳng định coi trọng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, những chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia Anh đến Việt Nam thể hiện lập trưởng của Anh về Biển Đông cũng như sự ủng hộ quan điểm của Hà Nội, ASEAN giải quyết các tranh chấp trong khu vực bằng đối thoại hòa bình, tôn trọng luật lệ quốc tế.

Bộ trưởng Ben Wallace khẳng định với người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang London chia sẻ quan điểm của Việt Nam, ASEAN nhằm giải quyết căng thẳng ở Biển Đông đồng thời nêu bật tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, ủng hộ thượng tôn pháp luật.

Hai bên cũng tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Qua đó, góp phần thúc đẩy và đóng góp tích cực vào quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Việt Nam và Vương quốc Anh cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, hợp tác trên các diễn đàn đa phương.

Hồi tháng 2/2020, tàu Hoàng gia Anh HMS Enterprise đã cập cảng Tân Vũ, Hải Phòng, thăm chính thức Việt Nam.

HMS Enterprise.
HMS Enterprise.

Cần nhắc lại rằng, tàu Hoàng gia Anh HMS Enterprise thăm Hải Phòng đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, trong đó an ninh – quốc phòng là lĩnh vực hợp tác quan trọng được Hà Nội và London xác định.

Giới quan sát cho rằng, sụe hiện diện của tàu HMS Enterprise tại Hải Phòng là minh chứng và cũng là cơ hội để đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam cũng như tăng cường mối liên kết giữa lực lượng Hải quân của hai quốc gia.

Khi đó, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh, cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều là những quốc gia trên thế giới ủng hộ sự thúc đẩy về thương mại tự do và tự do hàng hải.

“Chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia Anh đến Việt Nam thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, chia sẻ quan điểm và nâng cao năng lực chuyên môn với các lực lượng Hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, Đại sứ Ward bày tỏ.

Thu Nguyễn (Theo Sputnik)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều