Tàu Cát Linh-Hà Đông xuất hiện CSGT, Cảnh sát hình sự
CSGT và Cảnh sát hình sự, Công an Tp Hà Nội lên phương án để không xảy ra tình trạng chen lấn móc túi trên tàu Cát Linh-Hà Đông ngoài ra còn đảm bảo an ninh.
Gần đây, người đi tàu Cát Linh-Hà Đông thường xuyên thấy sự xuất hiện của tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các phường trên các nhà ga, chuyến tàu.
Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ khi xuất hiện trên tàu là đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống tội phạm chen lấn, móc túi. Ngoài ra, các tổ công tác cũng tuyên truyền cho hành khách về đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.
Các hành vi uy hiếp an ninh, anh toàn của đường sắt đô thị có thể kể đến là lái tàu vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển tàu, không tuân thủ quy trình tác nghiệp, không bố trí đủ nhân viên công tác trên tàu.
Đối với hành khách đi tàu mà có hành vi uy hiếp đến an ninh, an toàn chạy tàu cũng bị xử lý. Các hành vi có thể được kể đến là bán hàng rong trên tàu, dưới ga, không chấp hành nội quy đi tàu…
Như hành vi kiểm tra nồng độ cồn của lái tàu, nhân viên trên tàu, gác chắn tàu vẫn được lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra thường xuyên ở tuyến đường sắt Quốc gia. Nay tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ thống nhất với Công ty TNHH MTV Đường Sắt Hà Nội về quy trình tiếp cận nhà ga để kiểm tra, giám sát.
Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào quy trình vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông để đánh giá các hành vi uy hiếp đến an ninh – an toàn của đường sắt đô thị này.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; dự án đã mua 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tàu bắt đầu khai thác thương mại từ ngày 6/11.
Khai Tâm