Tàu cá Philippines bị tàu nước ngoài đâm chìm tại Biển Đông, 3 ngư dân thiệt mạng
Ngày 4-10, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr của Philippines thông báo nước này đang điều tra một sự cố hàng hải ở Biển Đông để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của các ngư dân Philippines.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin được Lực lượng tuần duyên Philippines cung cấp vào ngày 4-10 cho biết 3 ngư dân Philippines đã thiệt mạng sau khi tàu đánh cá của họ bị một tàu thương mại nước ngoài (chưa rõ cụ thể) đâm trúng ở Biển Đông.
Vụ việc xảy ra hôm 2-10 khi tàu đánh cá này đang đi qua vùng biển cách bãi cạn Scarborough khoảng 157km về phía tây bắc.
Một thuyền viên người Philippines kể lại với các quan chức Philippines rằng vụ đâm tàu xảy ra vào khoảng 4h20 sáng 2-10 khi họ đang đánh cá cùng “tàu mẹ”.
Tàu mẹ bị chìm khiến 3 thuyền viên, trong đó có thuyền trưởng, thiệt mạng.
Lực lượng tuần duyên Philippines thông tin có 11 thuyền viên sống sót sau sự cố hàng hải. Những ngư dân này đã sử dụng 8 thuyền dịch vụ để rời vùng biển và đưa các ngư dân thiệt mạng đến Cato, tỉnh ven biển Pangasinan.
Họ đến nơi vào khoảng 10h sáng 3-10 và báo cáo vụ việc cho lực lượng chức năng để được hỗ trợ.
Ngày 4-10, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thông báo nước này đang điều tra sự cố hàng hải nói trên.
“Chúng tôi cam kết với các nạn nhân, gia đình của họ và mọi người rằng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để buộc những người gây ra sự cố hàng hải đáng tiếc này phải chịu trách nhiệm” – ông nói.
Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố nước này sẽ chống lại hành vi “bắt nạt” ở Biển Đông và bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Manila.
Sự cố trên diễn ra khoảng 1 tuần sau khi Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết họ đã gỡ thành công đoạn phao nổi dài khoảng 300m của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough “để bảo vệ quyền của ngư dân” Philippines.
Hồi tháng trước,cảnh sát biển Philippines (PCG) phát hiện ba xuồng hơi của hải cảnh Trung Quốc và một xuồng hỗ trợ thả dây phao ở bãi cạn Scarborough, rạn san hô vòng nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km.
Ngày 24/9, PCG công bố những bức ảnh cho thấy dãy dây phao dài khoảng 300 m đóng vai trò như “hàng rào nổi” trước lối vào duy nhất của bãi cạn. Thiếu tướng Jay Tarriela, phát ngôn viên PCG, cho rằng hành động này của Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt ở bãi cạn và “tước đi sinh kế của họ”.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, người đã nhiều lần thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, sau đó đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang tìm biện pháp tháo bỏ hàng rào này.
Ngày 25/9, một đội thợ lặn của cảnh sát biển Philippines tiến hành “chiến dịch đặc biệt”. Họ lên một chiếc thuyền gỗ nhỏ, không mặc đồng phục để đóng giả làm ngư dân và ra khơi.
Trung Quốc sử dụng neo để cố định hai đầu của dây phao ở lối vào vùng nước bên trong bãi cạn. Các thợ lặn Philippines tìm cách tiếp cận dây phao từ phía đông nam của bãi cạn Scarborough mà không bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc phát hiện.
Video do PCG công bố cho thấy một thợ lặn mang theo dao đã tiếp cận khu vực neo dây phao, lặn xuống và dùng dao cắt đứt nó. Nhóm thợ lặn sau đó rời đi mà hải cảnh Trung Quốc không hay biết.
Hành động nhỏ nhưng táo bạo của Philippines mang tính biểu tượng nhiều hơn là tác động thực tế với ngư dân nước này. Ngư dân Philippines vẫn không thể vào bãi cạn, nơi tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc thường xuyên án ngữ.
Tuy nhiên, đó là hành động đầy thách thức, cho thấy nỗ lực mới của Philippines nhằm đối phó với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.
Mục tiêu là “để cho người dân Philippines và thế giới thấy chúng tôi đang chống lại các hành động bắt nạt. Đây là thông điệp chính sau những gì chúng tôi đã làm”, ông Tarriela nói.
Hai ngày sau, hải cảnh Trung Quốc mới lên tiếng về sự việc, xác nhận họ đã thả dây phao, nhưng bác bỏ thông tin cảnh sát biển Philippines “cắt dây phao”. Hải cảnh Trung Quốc cho rằng họ đã chủ động “thu hồi” dây phao, đồng thời cảnh báo Philippines không có các “hành động khiêu khích” ở Scarborough.
Bích Vân