Tàu bệnh viện Mỹ điều trị ít bệnh nhân hơn kỳ vọng
Những con tàu bệnh viện khổng lồ, từng được kỳ vọng lớn trong việc giúp chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế giữa đại dịch, nhưng cuối cùng không hoạt động hết công suất.
Khoảng một tháng trước, với việc Los Angeles tuyên bố rằng sự gia tăng số ca nhiễm virus corona có khả năng làm tê liệt hệ thống y tế, một tàu bệnh viện khổng lồ của Hải quân Mỹ đã cập cảng: biểu tượng mạnh mẽ cho cách chính phủ ứng phó với đại dịch.
USNS Mercy, với 1.000 giường bệnh và biểu tượng chữ tập màu đỏ khổng lồ ở hai bên thân tàu, đã được chào đón bởi Thống đốc bang California Gavin Newsom và Thị trưởng Eric Garcetti.
Cả hai quan chức đều đưa ra những cảnh báo đáng sợ rằng Los Angeles có thể chẳng mấy chốc sẽ giống thành phố New York, tâm chấn của sự bùng phát dịch bệnh của Mỹ, và ông Garcetti lưu ý rằng con tàu lập tức trở thành bệnh viện lớn nhất thành phố.
Cuối cùng, Los Angeles không bị quá tải vì số ca nhiễm virus, và vì vậy Mercy đã không phải đóng vai trò một mạng lưới an toàn để cho phép các bệnh viện tập trung vào điều trị những ngườ nhiễm virus.
Tàu bệnh viện gần như vô dụng
Mercy không đơn độc: vì số ca nhiễm virus ở một số nơi đã giảm hoặc không đến mức xấu nhất, các bệnh viện dã chiến không được sử dụng hoặc hầu như không sử dụng nằm rải rác toàn cầu.
Một tàu bệnh viện khác của Hải quân Mỹ, USNS Comfort, rời New York hôm 30/4 khi tình hình ở đây được cải thiện. Tàu đã điều trị cho 182 bệnh nhân.
Kể từ khi đến Los Angeles hồi cuối tháng 3, tàu Mercy đã điều trị cho hơn 70 bệnh nhân không nhiễm virus corona, với mọi thể loại bệnh từ bệnh tim và phổi đến các vấn đề về đường tiêu hóa. Hôm 30/4, tàu chỉ còn 9 bệnh nhân đang lưu trú.
750 nhân viên y tế của tàu làm việc xoay vòng để điều trị cho bệnh nhân, nhưng nếu không, họ ở tại các khách sạn địa phương để lây nhiễm.
Ngay cả với hàng trăm giường trống, Hải quân Mỹ chưa có kế hoạch đưa tàu Mercy trở lại San Diego.
“Chúng tôi thấy rất được khích lệ bởi dữ liệu cho thấy đường cong đang bị san phẳng, nhưng mối đe dọa vẫn còn”, Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cho biết trong một tuyên bố.
“Khi thích hợp, chúng tôi sẽ làm việc với thành phố và tiểu bang để xác định xem nhiệm vụ đã hoàn thành chưa”.
Brian Ferguson, phát ngôn viên Văn phòng Dịch vụ Khẩn cấp của thống đốc California, cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra về cách sử dụng nhân viên y tế trên tàu ở nơi khác.
Các quan chức trên thế giới đã đưa ra những đánh giá tương tự về các bệnh viện dã chiến khác: Việc chúng không được sử dụng phản ánh nhu cầu chuẩn bị quá mức và chúng vẫn có thể được sử dụng trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Song tàu Mercy ở lại cảng càng lâu với ít bệnh nhân, thì càng khó để biện minh cho các chi phí, theo Bryan Clark, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hudson, một tổ chức tham vấn chính sách có trụ sở tại Washington, D.C.
“Cần phải trấn an mọi người rằng đã có việc gì đó được thực hiện và các tàu bệnh viện rất tốt cho việc đó”, ông Clark, cựu trợ lý đặc biệt của tư lệnh tác chiến Hải quân Mỹ, nói.
Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Một khi nhu cầu đối với nó qua đi, nó có thể từ biểu tượng của sự cam kết biến thành biểu tượng của sự không hiệu quả”.
Tranh cãi chi phí
FEMA ước tính nhiệm vụ của tàu Mercy sẽ tiêu tốn khoảng 7,5 triệu USD, mặc dù con số cuối cùng sẽ không được tiết lộ cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành, cơ quan này cho biết trong một email gửi cho AP.
Theo một tài liệu tóm tắt cho Bộ Tư lệnh Phương bắc của quân đội Mỹ, bộ trưởng Quốc phòng đã phê duyệt 3,5 triệu USD cho Mercy để giúp trang trải chi phí cho tháng tiếp theo bắt đầu từ ngày 20/4.
Thuyền trưởng của Mercy, John Rotruck, cho biết con tàu có thể tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn. Song những quyết định này tùy thuộc vào các quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương cũng như các cơ sở chăm sóc sức khỏe
“Chúng tôi chỉ là chưa nhận được yêu cầu nào”, ông nói
Và tàu Mercy có những hạn chế. Tàu chỉ có thể tiếp nhận các bệnh nhân không nhiễm virus corona và những người có thể đi lại được.
Hải quân Mỹ gần đây đã mở rộng nhiệm vụ của mình bằng cách cử 40 bác sĩ, y tá và binh sĩ, hầu hết trong số họ đang chờ để phục vụ trên tàu, đến một viện dưỡng lão do chính quyền bang quản lý gần Los Angeles, ông Rotruck nói.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ bị chỉ trích vì hoạt động không hiệu quả: Tàu Comfort đã bị như vậy khi được triển khai sau trận siêu bão ở Puerto Rico vào năm 2017.
Trong đại dịch, Comfort cũng bị chỉ trích vì ban đầu tàu không được phép điều trị bệnh nhân virus, ngay cả khi các bệnh viện ở thành phố New York đã quá tải.
Sau sự phản đối kịch liệt, con tàu cuối cùng đã phép điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Con tàu dài 272 m, được chuyển đổi từ tàu chở dầu cực lớn này là tàu bệnh viện quân sự lớn nhất thế giới. Chúng được đóng vào những năm 1980 để điều trị cho người bị thương chiến tranh; hỗ trợ hoạt động y tế sau những trận thiên tai lớn.
Mặc dù khả năng của tàu rất đa dạng, từ điều trị chấn thương do bom đến thay thế máy điều hòa nhịp tim, các khoang điều trị mở trên tàu không được thiết kế để xử lý các bệnh truyền nhiễm cao, đòi hỏi phải cách xa bệnh nhân.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho biết các con tàu này đang chứng tỏ giá trị đến mức chính phủ đang tìm cách chế tạo thêm hai chiếc có kích cỡ tương tự. Các chuyên gia tin rằng các tàu nhỏ hơn, nhanh hơn sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu hiện này.
Trong khi đó, tàu Mercy đã được tái cấu trúc khi 9 thành viên thủy thủ đoàn bình phục sau khi nhiễm virus.
Khoảng 300 đến 400 thành viên thủy thủ đoàn lên tàu hàng ngày để phục vụ 250 giường bệnh, chia làm 3 ca. Khi không ở trên tàu, một số thành viên lái xe đến đón bác sĩ tại bệnh viện hoặc làm thủ tục khi bệnh nhân mới được chuyển đến, ông Rotruck cho hay.
Đông Phong