Tất cả người từ 18 tuổi ở TP.HCM được tiêm vaccine ngừa Covid-19
“Người đang sinh sống tại TP.HCM đều được tiêm, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp”, Phó chủ tịch Dương Anh Đức nói.
Chiều 30/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết so với 2 ngày trước, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM không có nhiều thay đổi.
“Thời gian qua, TP.HCM được đánh giá là ban hành các biện pháp rất mạnh. Biện pháp hiện tại của TP.HCM là làm sao thực hiện thật nghiêm các quy định mà chính quyền đã ban hành và các chỉ đạo mới nhất của Trung ương”, ông Dương Anh Đức nói tại buổi họp báo chiều cùng ngày.
Tăng nhanh độ phủ vaccine Nhìn trên biểu đồ dịch bệnh, ông Dương Anh Đức cho biết số ca F0 đang đi ngang, đúng như dự báo. TP đang nỗ lực và cho rằng nếu thực hiện nghiêm các quy định đã ban hành, có sự hợp tác đầy đủ của các lực lượng và người dân, tình hình sẽ sớm ổn định và có thể có biểu hiện tích cực.
Ông Đức cho biết tối 29/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn 6118 về tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM.
Việc tổ chức tiêm chủng không ràng buộc vào các đối tượng nữa mà sẽ tiêm sao cho có độ phủ nhanh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
Trong đó, Bộ Y tế tháo gỡ nhiều vướng mắc để tăng tốc độ tiêm vaccine. TP đã cụ thể hóa văn bản này và ban hành văn bản hướng dẫn chiều nay cho lực lượng tổ chức tiêm vacicne để triển khai.
Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó, vẫn duy trì việc tiêm chủng cho lực lượng y tế, người cao tuổi, trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.
“Ngoài đối tượng ưu tiên đã quy định cụ thể trong đợt 5 thì giờ tất cả người dân sẽ được tiêm vaccine. Việc tổ chức tiêm không ràng buộc vào các đối tượng nữa mà sẽ tiêm sao cho có độ phủ nhanh”, ông Đức khẳng định.
Ngày 29/7, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đặt ra mục tiêu trong tháng 8 cơ bản phủ 2/3 người trên 18 tuổi tại TP.HCM. Để làm được điều này, TP cần khoảng 5 triệu liều vaccine trong tháng 8.
Vaccine của TP đến từ 2 nguồn. Thứ nhất, Bộ Y tế cam kết hỗ trợ vaccine liên tục cho TP.HCM, tiêm đến đâu bộ sẽ hỗ trợ tới đó. Thứ hai, TP sắp tiếp nhận một nguồn vaccine từ các nhà tài trợ. 10h ngày mai, TP sẽ nhận một triệu liều đầu tiên về sân bay Tân Sơn Nhất.
Tổ chức tiêm buổi tối Ông Đức khẳng định việc mở rộng đối tượng tiêm có ý nghĩa là tất cả người dân có cơ hội được tiêm.
“Người dân TP được định nghĩa rất rộng. Người đang sinh sống tại TP.HCM đều được tiêm, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp, quy củ để việc tiêm được tổ chức nhanh nhất có thể”, ông Đức khẳng định.
Người đang sinh sống tại TP.HCM đều là đối tượng được tiêm, không có giới hạn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
TP sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các lực lượng công, tư và tổ chức tiêm linh động như TP vẫn làm. Ví dụ doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ” sẽ được tổ chức tiêm tại nơi đang sản xuất để đảm bảo quy định và duy trì sản xuất.
Để đảm bảo năng suất, tùy khả năng, TP được tiêm không giới hạn số lượng. Trước đó, kế hoạch của TP là 120 liều/ngày, sau đó nâng lên 200 liều/ngày theo quy định của Bộ Y tế. Trong điều kiện cần thiết, TP sẽ tổ chức tiêm cả buổi tối.
Ông Đức cho biết Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý là phải tổ chức tiêm cho khu phong tỏa sao cho đảm bảo an toàn, căn cứ theo số lượng người dân để bố trí điểm tiêm chủng.
Người dân cũng không phải đợi sau tiêm tối thiểu 30 phút như quy trình trước đây.
Về tiến độ tiêm, từ 14h ngày 22/7 đến trưa 30/7, TP.HCM đã tiêm được khoảng 490.000 liều vaccine. Theo tốc độ những ngày gần đây, số lượng tiêm mỗi ngày trên 70.000 người.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 30/7, TP.HCM ghi nhận 84.521 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.
Thu Hằng – Thư Trần