+
Aa
-
like
comment

Tất cả người dân TP.HCM rời Đà Nẵng từ 1-7 phải xét nghiệm COVID-19

29/07/2020 08:08

Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM, tất cả người dân đang sinh sống tại TP.HCM rời Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020 được thực hiện khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Vậy người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm như thế nào?

Tất cả người dân TP.HCM rời Đà Nẵng từ 1-7 phải xét nghiệm COVID-19, cụ thể ra sao? - Ảnh 3.
TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19  

Những ai được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19? Người đã giao tiếp với những người từ Đà Nẵng trở về TP.HCM có phải tự cách ly không? BS Lê Hồng Nga – trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – đã trao đổi với PV về vấn đề này.

* Thưa bà, người dân đang sinh sống tại TP.HCM rời Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020 sẽ phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm như thế nào? Có phải chọn một trong những cách khai báo mà trên các phương tiện truyền thông hướng dẫn như khai báo trên phần mềm NCOVI, khai báo trên mạng hoặc khai báo trực tiếp với nhân viên y tế?

– Hiện nay số lượng người dân đang sinh sống tại TP.HCM đến Đà Nẵng rồi trở về từ ngày 1-7 rất đông, hàng ngàn người. Vì vậy cách tốt nhất người dân nên chủ động liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của các trung tâm y tế quận huyện để được nhân viên y tế hướng dẫn giám sát y tế, thời gian và địa điểm để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

* Sau khi thực hiện khai báo y tế khoảng bao lâu người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19?

– Chưa thể đưa ra một con số cụ thể là bao nhiêu ngày sau khi khai báo y tế sẽ được xét nghiệm COVID-19 vì số lượng người dân đang sinh sống tại TP.HCM rời Đà Nẵng từ ngày 1-7 rất đông. Tùy từng quận huyện, trạm y tế phường, xã có đông người cần xét nghiệm hay không mới có thời gian cụ thể. Tuy nhiên tất cả các nơi đều đang cố gắng hết sức để thực hiện xét nghiệm nhanh nhất cho từng người dân.

Tất cả người dân TP.HCM rời Đà Nẵng từ 1-7 phải xét nghiệm COVID-19, cụ thể ra sao? - Ảnh 2.
BS Lê Hồng Nga

* Trong thời gian đã khai báo y tế nhưng chưa được đi lấy mẫu xét nghiệm, người dân cần tuân thủ điều gì?

– Như trên đã nói, số lượng người cần lấy mẫu xét nghiệm khá đông nên các trường hợp chưa đến lượt lấy mẫu xét nghiệm cũng cần bình tĩnh, thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly tại nhà. Với các trường hợp từ Đà Nẵng về mặc dù đã ở TP.HCM trên 14 ngày vẫn phải thực hiện cách ly tại nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

* Nhiều người cho rằng những người có triệu chứng bệnh mới nên xét nghiệm COVID-19, còn những trường hợp chưa có triệu chứng thì chưa nên xét nghiệm mà chỉ cần tự cách ly ở nhà?

– Tất cả những người rời Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020 đều phải thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Mẫu xét nghiệm sau khi được lấy sẽ được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Những trường hợp rời Đà Nẵng trên 14 ngày cần được lấy mẫu xét nghiệm một lần.

Những trường hợp rời Đà Nẵng dưới 14 ngày, có triệu chứng liên quan đến COVID-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 cũng được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung tại quận huyện.

Riêng những người đến một trong ba bệnh viện tại Đà Nẵng (BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng) sẽ được lấy mẫu ít nhất hai lần và cách ly tập trung tại quận huyện. Các trường hợp từng đến nơi được Bộ Y tế công bố (ngoài ba bệnh viện trên và không tiếp xúc gần với bệnh nhân) được lấy mẫu xét nghiệm hai lần và cách ly tại nhà.

Những trường hợp khác được lấy mẫu xét nghiệm trên hai lần và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với những người đã rời khỏi Đà Nẵng dưới 14 ngày để chơi hoặc có công việc trong thời gian ngắn cần thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định trên. Những người này sẽ được “cho phép” rời khỏi nhóm “tự theo dõi sức khỏe” nếu có xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tất cả người dân TP.HCM rời Đà Nẵng từ 1-7 phải xét nghiệm COVID-19, cụ thể ra sao? - Ảnh 1.
Người dân khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 tại trạm y tế phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) – Ảnh: TTYT quận Bình Thạnh cung cấp

* Nhiều người cho biết họ từng có chuyến bay đến Đà Nẵng tuần trước, nhưng chỉ đến sân bay Đà Nẵng, không lưu trú, sau đó rời đi. Các trường hợp này đã khai báo y tế khi làm thủ tục bay, trong đó có thông tin cá nhân đầy đủ trên hệ thống khai báo y tế của Bộ Y tế. Giờ sức khỏe họ ổn định thì có cần tự cách ly tại nhà và có phải khai báo gì thêm không, ở đâu?

– Những trường hợp chỉ đến sân bay Đà Nẵng cũng là những người rời Đà Nẵng nên vẫn cần phải khai báo y tế để được thực hiện xét nghiệm như những trường hợp đã đến và lưu trú.

* Hiện nay khi đến những nơi đông người ở TP.HCM, người dân cần làm gì để phòng chống bệnh COVID-19?

– Người dân nên thực hiện theo chỉ thị 19  mang khẩu trang khi đến nơi công cộng và giữ vệ sinh cá nhân.

* Cảm ơn bà!

Người tiếp xúc gần với người từ Đà Nẵng về phải làm gì?

Theo giám đốc một trung tâm y tế quận, những người tiếp xúc gần với những người vừa rời Đà Nẵng đến TP.HCM từ ngày 1-7-2020 không phải tự cách ly.

Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM ngày 28-7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đề nghị người dân nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng. Ông Liêm yêu cầu Sở Y tế TP.HCM kích hoạt các bộ tiêu chí an toàn trong từng ngành, lĩnh vực và vận dụng linh hoạt trong tình hình mới trong khi Sở Công thương đảm bảo cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong mọi tình huống xảy ra, tuyên truyền để người dân biết, hiểu, an tâm và không ồ ạt tích trữ hàng hóa không cần thiết.

Muốn kiểm soát COVID-19, phải đeo khẩu trang

Nhiều nghiên cứu về tác dụng phòng lây nhiễm virus corona của khẩu trang đã được công bố gần đây trên các tạp chí y khoa chuyên ngành, khẳng định khẩu trang thực sự là “vũ khí” quan trọng giúp con người phòng chống đại dịch COVID-19.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) vừa trích dẫn một loạt nghiên cứu khẳng định tác dụng phòng lây nhiễm virus corona của khẩu trang là thực tế đã được chứng minh bằng căn cứ khoa học. Theo đó, dù là loại khẩu trang nào, người dùng vẫn sẽ được hưởng ích lợi phòng ngừa lây nhiễm nhất định từ đó.

Trong chia sẻ quan điểm với Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) giữa tháng 7, ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ, nói ông tin là có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 trong khoảng từ 4-8 tháng nữa nếu “chúng ta có thể yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang lúc này”.

Trong số những nghiên cứu, ông Robert dẫn ra có nghiên cứu công bố trên JAMA cho thấy việc sử dụng đồng loạt khẩu trang y tế đã giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm virus corona trong nhóm các nhân viên y tế tại hệ thống chăm sóc y tế Mass General Brigham ở bang Massachusetts.

Một nghiên cứu phân tích công bố ngày 26-7 trên tạp chí y khoa BMJ cho biết hiện tại việc đeo khẩu trang bị bắt buộc thực hiện tại 160 nước để giảm lây nhiễm COVID-19.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới nhận thấy ngay cả việc đeo những loại khẩu trang vải cơ bản cũng giúp phòng ngừa lây bệnh hiệu quả hơn so với việc không đeo gì. Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Úc công bố tuần trước trên tạp chí Thorax cho thấy loại khẩu trang y tế 3 lớp làm từ chất liệu không dệt cũng có tác dụng giảm đáng kể các giọt dịch văng ra trong lúc nói, ho hay hắt hơi. Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại ĐH Florida Atlantic cho kết quả tương tự.

THÙY DƯƠNG/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều