+
Aa
-
like
comment

Tập trung lực lượng quân đội sát Hong Kong, Bắc Kinh đưa ra cảnh báo gay gắt

20/08/2019 10:25

Trung tâm Thể thao vịnh Thâm Quyến nằm sát Hong Kong giờ đây không thấy các chương trình thể thao-văn hóa mà chật cứng sĩ quan an ninh và xe bọc thép.

Từ hôm 11/8, hàng trăm sĩ quan an ninh thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc (một lực lượng bán quân sự) tích cực diễn tập chống bạo động cũng như tập chạy hằng ngày, The New York Times đưa tin ngày 19/8.

Tập trung lực lượng quân đội sát Hong Kong, Bắc Kinh đưa ra cảnh báo gay gắt
Tập trung lực lượng quân đội sát Hong Kong, Bắc Kinh đưa ra cảnh báo gay gắt

Nguy cơ có thật

“Đó là một nguy cơ có thật. Chính phủ Trung Quốc không muốn người ta nghi ngờ điều đó, nếu cần thiết, họ sẽ hành động”, giáo sư Minxin Pei công tác ở Đại học Claremont McKenna (Mỹ) nhận định.

Việc triển khai cảnh sát vũ trang sát nách Hong Kong không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chuẩn bị can thiệp quân sự vào đặc khu hành chính này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể mạnh tay xử lý vấn đề biểu tình ở Hong Kong nếu ông tin rằng, chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này gặp nguy hiểm.

“Làm sao mà ông ấy có thể coi phong trào Hong Kong chỉ đơn thuần là một phong trào dân chủ? Ông ấy rất cảnh giác về mặt chính trị”, Tian Feilong, giám đốc điều hành một viện nghiên cứu về chính sách Hong Kong ở Bắc Kinh, nói.

Ông Tian cho rằng, chính phủ Trung Quốc đã gần như hoàn tất mọi sự chuẩn bị cần thiết cho việc can thiệp vào Hong Kong nhưng vẫn kiềm chế chừng nào chính quyền Hong Kong vẫn có thể kiềm chế các đợt biểu tình. Ông Tian và một số nhà phân tích khác cho rằng, Bắc Kinh sẽ can thiệp nếu biểu tình làm tê liệt hoạt động của các cơ quan chính quyền hoặc các đơn vị như tòa án. Tòa án chuẩn bị bắt đầu xét xử các trường hợp bị bắt giữ đầu tiên vì biểu tình. Giới chức Bắc Kinh gọi hành động của người biểu tình “gần như là khủng bố”.

Nhiều xe bọc thép xuất hiện ở Trung tâm thể thao vịnh Thâm Quyến hôm 16/8. Ảnh: Lam Yik Fei/NYT.
Nhiều xe bọc thép xuất hiện ở Trung tâm thể thao vịnh Thâm Quyến hôm 16/8. Ảnh: Lam Yik Fei/NYT.

“Tự sát chính trị”

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực đem lại nhiều rủi ro cho nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Ông đang phải vật lộn với những vấn đề kinh tế và mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang xấu đi.

Theo giới quan sát, việc can thiệp quân sự có thể đặt dấu chấm hết cho Hong Kong trong vai trò trung tâm tài chính quốc tế và công thức chính trị độc đáo “một nhà nước, hai chế độ”.

“Giải pháp quân sự sẽ đem lại nhiều hệ quả khẩn cấp và gây gián đoạn, chia rẽ. Nó sẽ là sự tự sát chính trị”, nhà phân tích chính trị Wu Qiang ở Bắc Kinh nhận định.

Dù vậy, các tiếng nói dân tộc chủ nghĩa cho rằng, Trung Quốc ngày nay hùng mạnh hơn và tự tin hơn về mặt ngoại giao nên có thể xử lý sự chỉ trích, cô lập của cộng đồng quốc tế.

“Vấn đề Hong Kong sẽ không lặp lại sự xáo trộn chính trị năm 1989”, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận cuối tuần trước với năm 1989 ngụ ý năm mà Bắc Kinh dùng vũ lực trấn áp biểu tình ở Thiên An Môn. Bài xã luận viết rằng, Bắc Kinh không quyết định sử dụng vũ lực để can thiệp vào Hong Kong nhưng có quyền pháp lý để làm điều đó nếu cần thiết.

“Washington sẽ không thể hăm dọa Trung Quốc bằng cách sử dụng vụ hỗn loạn 30 năm trước. Trung Quốc đã mạnh hơn, trưởng thành hơn rất nhiều, năng lực quản lý các tình huống phức tạp cũng tăng đáng kể”, bài xã luận viết.

Việc triển khai cảnh sát vũ trang ở Thâm Quyến rõ ràng nhằm tập trung sự chú ý vào Hong Kong. Thâm Quyến nối với Hong Kong bằng một cây cầu trắng, hai địa phương chỉ cách nhau 3,6 km.

Thông điệp cảnh cáo của Bắc Kinh được gia cường bởi thông tin mà ông Trump đưa lên Twitter rằng, các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện Trung Quốc tập trung quân ở biên giới. “Mọi người cần bình tĩnh và bảo đảm an toàn”, ông viết.

cảnh sát vũ trang Trung Quốc tập trung Thâm Quyến can thiệp quân sự biểu tình Hong Kong - ảnh 2
Hàng chục nghìn người biểu tình ở Hong Kong hôm 18/8 ở khu vực công viên Victoria. Ảnh: The New York Times.

Quân đồn trú

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, nếu được yêu cầu, quân đội Trung Quốc có quyền can thiệp vào Hong Kong để giữ an ninh trật tự. Theo quy định, nếu lãnh đạo Hong Kong yêu cầu, quân đội Trung Quốc có thể can thiệp để duy trì trật tự công cộng hoặc trợ giúp trong trường hợp thiên tai.

Lực lượng đồn trú của quân đội Trung Quốc ở Hong Kong đóng quân ở 19 địa điểm, nhưng nhiều binh sĩ (trong tổng số 6.000-10.000 quân) sống và huấn luyện ở các căn cứ xuyên biên giới ở Thâm Quyến. “Những người muốn khuấy đảo bất ổn nên nhớ rằng Hong Kong có quân đồn trú của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”, giáo sư luật Han Dayuan tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) nói.

Tuy nhiên, việc triển khai Cảnh sát vũ trang nhân dân cho thấy Bắc Kinh có sự lựa chọn khác, thay vì sử dụng quân đội. Lực lượng cảnh sát vũ trang có nhiệm vụ duy trì an ninh nội bộ ở đại lục, bao gồm chống tấn công khủng bố, bạo loạn và nổi loạn.

Lực lượng này được thành lập năm 1982 và có 1,5 triệu thành viên – đông hơn hầu hết quân đội các nước trên thế giới. Những năm gần đây, cảnh sát vũ trang được triển khai trên diện rộng ở khu tự trị Tân Cương.

Hôm thứ Bảy vừa qua, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng một video cho thấy lực lượng cảnh sát vũ trang ở Thâm Quyến đứng theo đội hình và tiến hành diễn tập xô xát với người biểu tình cầm gậy. Một sĩ quan cầm loa nói bằng tiếng Quảng Đông (thổ ngữ ở Hong Kong): “Chấm dứt bạo lực, ăn năn và được cứu”.

Các nhà phân tích nói rằng, hiện nay, giới chức ở Bắc Kinh đang theo dõi và chờ đợi, tiếp tục ủng hộ các giới chức Hong Kong, áp dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với những người đứng đầu trong lĩnh vực văn hóa và kinh doanh, cố gắng làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với làn sóng biểu tình. Đáp ứng yêu sách của người biểu tình sẽ bị coi là một dấu hiệu yếu đuối không thể chấp nhận được.

Ông Wu, một nhà phân tích ở Bắc Kinh, nói rằng, mục tiêu bao trùm của chính phủ Trung Quốc hiện nay là “ngăn phòng trào của Hong Kong lây lan sang đại lục”.

Nỗ lực này dường như đang thành công ở Thâm Quyến – nơi đang có tham vọng trở thành trung tâm công nghệ cao toàn cầu.

Hai con sông và vịnh Thâm Quyến chia cách thành phố này với Hong Kong. Ngoài ra, còn có biên giới kiên cố với các trạm kiểm tra hộ chiếu và hải quan ở 6 điểm giao.

Thâm Quyến dường như không có vẻ là một thành phố bị huy động cho hoạt động quân sự. Một số người khi được phóng viên hỏi đã nói rằng, họ hầu như không nghe tin về biểu tình ở Hong Kong, hoặc từ chối thảo luận về biểu tình.

Tieu Diem

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều