Tập trận, quân sự hóa đảo, Trung Quốc nhắm tới ai trên biển Đông?
Tập trận rầm rộ ở biển Đông, quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Trường Sa, Trung Quốc muốn gửi thông điệp đe dọa tới ai?
Việt Nam ?
Không có lợi lộc gì cho Trung Quốc nếu họ định nhắm vào Việt Nam lúc này. Nếu sử dụng các đảo như một căn cứ quân sự để làm bàn đạp, Trung Quốc vẫn không tài nào tiến xa hơn trong việc mở rộng ở biển Đông. Vì sức mạnh hải quân Việt Nam trong khu vực này vẫn chiếm ưu thế áp đảo so với Trung Quốc. Khi sở hữu một dãy các cảng biển nối dài từ Bắc vào Nam, cộng với quân cảng chiến lược ở Cam Ranh và các hải đảo đa số ở Trường Sa. Việt Nam dễ dàng dùng đòn phủ đầu trước mọi lực lượng Trung Quốc trong khu vực. So với các hòn đảo mà Trung Quốc đã quân sự hóa, nó chẳng thấm vào đâu với những lợi thế Việt Nam đang có.
Thực tế này không hề mấy vui vẻ với Trung Quốc nhưng họ buộc phải chấp nhận. Mở rộng trên biển Đông là điều không thể, vì dù có chiếm được cũng không giữ được lâu.
Vậy Bắc Kinh đe dọa ai?
Nếu không mở rộng được, vậy phải chăng Trung Quốc lo sợ điều gì đó ở Việt Nam nên mới tập trận phản đối? Vẫn không, Việt Nam giáp biên giới với Trung Quốc, nhưng không phải mối lo về mặt an ninh với họ, do chúng ta chủ trương đứng ngoài mọi cuộc xung đột cũng như không cho bất kỳ ai khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ mình. Nên vào lúc này, các cuộc tập trận lẫn quân sự hóa đảo chỉ có thể cho thấy là Trung Quốc đang chuẩn bị để đối phó Mỹ, NATO cùng các đồng minh Mỹ ở Châu Á, đặc biệt là với liên minh quân sự AUKUS.
Hôm 5/4, Mỹ đã có động thái làm leo thang quan hệ với Trung Quốc. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Washington sẽ có kế hoạch cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Đài Loan, với lý do là chúng cần thiết cho khả năng tự vệ của hòn đảo.
Ông Vương Nghị đã cáo buộc Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép trắng trợn. Ông nói Mỹ kêu gọi các nước phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng lại công khai giẫm lên lằn ranh đỏ của nguyên tắc một Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Lý lẽ của Trung Quốc hết sức có lý, nhưng Mỹ không muốn quan tâm!
Chúng ta đều biết Mỹ rất quan tâm đến chiến tranh. Nơi nào có nguy cơ bùng nổ chiến sự là đều có sự góp mặt của quốc gia này. Mỹ là nước buôn vũ khí nổi tiếng suốt thế chiến thứ nhất đến nay, họ làm giàu nhờ bán vũ khí. Chiến sự ở Ukraine đã đem lại số lợi nhuận khổng lồ nhờ vào việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng vũ trang. Do đó, Đài Loan cũng không ngoại lệ, khi Mỹ thấy Trung Quốc rất muốn sáp nhập hòn đảo này bằng mọi giá.
Cho nên vấn đề giữa Trung Quốc và Đài Loan là chuyện nội bộ. Nhưng Mỹ lại cố tình can thiệp, và để đẩy tình hình leo thang, Mỹ còn lôi kéo các đồng minh để o ép Trung Quốc.
Như mới đây, NATO, một tổ chức thuần túy về quân sự lại bày tỏ thiện chí muốn hợp tác với các nước Châu Á-Thái Bình Dương. Ông Jen Stoltenberg, tổng thư ký NATO nói rằng NATO muốn hợp tác để chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực.
Chưa hết, Mỹ cùng Anh, Úc đã lập nên liên minh AUKUS, một NATO của Châu Á. Liên minh AUKUS là dấu hiệu rất rõ cho thấy Mỹ đang muốn o ép Trung Quốc. Bằng chứng là Mỹ đã gạt EU ra rìa, không cho khối này tham gia. Vì EU có quan hệ thương mại rất tốt với Trung Quốc.
Và mới đây AUKUS đã có hành động mới. Ba thành viên Mỹ, Anh và Úc đã bắt tay nghiên cứu thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh. Đây là loại tên lửa có tốc độ bay nhanh đến mức có thể bất chấp mọi hệ thống phòng thủ tên lửa mà các nước trên thế giới hiện có được. Và dù không nói ra, nhưng thiên hạ thừa biết vũ khí này ra đời là nhằm thách thức Trung Quốc, kích động chạy đua vũ trang trong khu vực và thúc ép các nước mua sắm vũ khí.
Tích cực chuyển giao vũ khí cho Đài Loan, dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu dám gây hấn với Đài Loan, tổ chức một cuộc viếng thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo nhằm để khẳng định chủ quyền của Đài Loan và thách thức Trung Quốc, …
Quan sát những diễn biến mới nhất, cho chúng ta thấy được tình hình khu vực đã thay đổi. Không còn là chuyện riêng giữa Trung Quốc-Đài Loan hay chuyện Trung Quốc tranh chấp với các nước ASEAN nữa. Mà đã nghiêng hẳn sang vấn đề xung đột giữa Mỹ và Trung. Và nếu có chiến tranh, Mỹ vẫn sẽ không nhúng tay, họ sẽ dùng Đài Loan, dùng người Trung Quốc cuối cùng trên hòn đảo để chống lại người Trung Quốc bên kia bờ.
Sau Nga, đối tượng tiếp theo bị Mỹ nhắm tới chính là Trung Quốc. Và Đài Loan là con tốt thí mạng hoàn hảo của Washington. Không chỉ vì lợi nhuận từ các hợp đồng vũ khí không thôi mà còn là nhằm đốn hạ nền kinh tế tỷ đô của Trung Quốc. Có cách nào để làm kinh tế Trung Quốc suy yếu nhanh hơn là các lệnh trừng phạt đây. Chiến tranh với Đài Loan sẽ bào mòn ngân khố của Trung Quốc, còn Mỹ sẽ có cơ hội đứng phía xa, lôi Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc để áp đặt trừng phạt vì đã vi phạm nhân quyền ở Đài Loan.
Thật may mắn khi rất nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đã tỉnh táo không theo Mỹ để chống Trung trước đây. Không thì đã thành con cờ không hơn không kém.
Trung Quốc liệu có mạnh tay?
Sự bất mãn âm ỉ của Bắc Kinh đối với Đài Loan, cộng thêm bị thách thức từ Mỹ và các nước Phương Tây, rất dễ khiến Trung Quốc hành động. Bắc Kinh sẽ mạnh tay với Đài Loan để chứng tỏ mình là một cường quốc trong khu vực, chứ không phải Mỹ hay NATO. Cho nên khả năng cao điểm nóng sắp tới sau Ukraine sẽ là Đài Loan. Trung Quốc biết Mỹ sẽ không từ bỏ điểm nóng là Đài Loan, hơn nữa họ cũng không muốn nhục nhã nhún nhường, nên mới đã ráo riết chuẩn bị cho mọi việc.
Thông qua cuộc diễn tập và quân sự hóa các đảo chính là cách Trung Quốc tạo một vòng vây xung quanh Đài Loan, bất kỳ máy bay quân sự và vận tải nào bay qua vùng lãnh hải để đến Đài Loan đều dễ dàng nằm trong tầm ngắm của hệ thống tên lửa của Trung Quốc nằm trên các đảo. Ngoài ra, các hòn đảo còn được dùng để kiểm soát các tuyến đường biển trong khu vực. Đe dọa giao thương các nước gây hấn và nhất là khóa chặt các tuyến đường viện trợ tiếp tế vũ khí từ các đồng minh Mỹ cho Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.
Hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam là đáng lên án, và nó đang nhắc nhở chúng ta cần chuẩn bị cho sự thay đổi mới ở biển đông. Sự khiêu khích của Mỹ nhằm vào Trung Quốc sắp tới đây sẽ ngày một nhiều. Và liệu Bắc Kinh sẽ nhún nhường để gìn giữ hòa bình hay phản ứng mạnh mẽ để chứng tỏ mình là một siêu cường đây?
Huy Hoàng