+
Aa
-
like
comment

Tập đoàn ôtô Trung Quốc Brilliance phá sản vì vỡ nợ vượt quá 110%

20/11/2020 19:07

Ngày 20/11, Tập đoàn ôtô Brilliance chính thức phá sản vì tỷ lệ nợ trên tài sản vượt quá 110%. Tòa án Nhân dân Trung cấp Thẩm Dương đã ra quyết định chấp nhận đơn của chủ nợ về việc tổ chức lại Công ty TNHH Tập đoàn Ôtô Brilliance (gọi tắt là Tập đoàn Brilliance), đánh dấu việc hãng xe Trung Quốc chính thức phá sản.

Phán quyết của tòa án tuyên bố rằng tài sản của Brilliance Group không đủ để trả tất cả khoản nợ và có lý do phá sản, được quy định trong Luật Phá sản Công ty của Trung Quốc.

Brilliance V7 được bán tại Việt Nam dưới dạng nhập khẩu tư nhân. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Brilliance không có được thành công tại chính thị trường Trung Quốc. Đến hết quý III/2020, thương hiệu này chỉ đứng thứ 60 tại thị trường nội địa. Một cái tên Trung Quốc khác là BAIC đứng thứ 24. Những thương hiệu ôtô bán chạy nhất Trung Quốc vẫn đến từ châu Âu và Nhật Bản như Volkswagen, Mercedes-Benz, BMW, Audi, Toyota, Honda và Nissan.

Hãng xe Trung Quốc Brilliance phá sản

Là doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh, tập đoàn Brilliance kiểm soát và tham gia vào 4 công ty niêm yết, đồng thời thành lập BMW Brilliance như một liên doanh, thông qua Brilliance Trung Quốc và BMW.

Tập đoàn có 3 thương hiệu độc lập là Zhonghua, Jinbei và Huasong, và hai thương hiệu liên doanh là BMW Brilliance và Renault Brilliance.

Hang xe Trung Quoc Brilliance pha san anh 2
Bên trong nhà máy của Brilliance tại Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: BMWGroup.

Vào cuối tháng 10, trái phiếu phát hành riêng lẻ trị giá 1 tỷ nhân dân tệ do Tập đoàn Brilliance phát hành chỉ trả lãi khi đáo hạn, còn gốc chưa được trả khiến dư luận lo ngại. Ngày 13/11, một chủ nợ đã nộp đơn xin phá sản và tổ chức lại Tập đoàn Brilliance.

Theo đại diện Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước tỉnh Liêu Ninh, Tập đoàn Brilliance lâu nay bị quản lý kém, các thương hiệu riêng làm ăn thua lỗ, tỷ lệ nợ cao.

Kể từ năm 2018, tỉnh Liêu Ninh và các ban ngành liên quan đã nỗ lực giúp Tập đoàn Brilliance giải quyết các vấn đề về dòng tiền, nhưng nợ nần vẫn chồng chất. Năm nay, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, điều kiện hoạt động của các thương hiệu riêng của Tập đoàn Brilliance ngày càng xấu đi, các khoản nợ dài hạn bùng phát.

Tập đoàn Brilliance lâu nay bị quản lý kém, các thương hiệu riêng làm ăn thua lỗ, tỷ lệ nợ cao. Ảnh: Caixinglobal.

Theo báo cáo năm của Brilliance Group, tổng số nợ phải trả ở cấp tập đoàn là 52,376 tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ nợ trên tài sản vượt quá 110%, và tập đoàn đã mất khả năng tài chính.

Để giải quyết vấn đề nợ nần, các bên liên quan đã thành lập Ủy ban Nợ Ngân hàng Brilliance Group để tìm cách đối chiếu công nợ nhưng không thành. Theo luật, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thẩm Dương sẽ chỉ định người quản lý của Brilliance Group, chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá trình phá sản và tổ chức lại doanh nghiệp. Các chủ nợ sẽ được thanh toán theo kế hoạch tái tổ chức cuối cùng đã được tòa án chấp thuận.

Hãng xe Trung Quốc Brilliance phá sản

Đại diện Brilliance Group tuyên bố rằng việc tái tổ chức này chỉ liên quan đến lĩnh vực thương hiệu tự sở hữu tại trụ sở chính của tập đoàn, không liên quan đến các công ty niêm yết của tập đoàn hay liên doanh với BMW và Renault.

Là đối tác quan trọng nhất của BMW tại Trung Quốc, tập đoàn này được kỳ vọng sẽ hồi sinh sau khi tái tổ chức. BMW Brilliance vẫn là nguồn lợi nhuận ổn định trong tương lai, hãng sẽ tiếp tục tung ra các sản phẩm mới và mở rộng quy mô.

Huachen Group – công ty sở hữu hãng xe Trung Quốc Brilliance Auto đang gánh khoản nợ lên tới 8 tỉ USD
ẢNH: YICAIGLOBAL

Tại Việt Nam, Brilliance được người dùng biết đến thông qua mẫu xe gầm cao V7. Chiếc SUV Trung Quốc được các đơn vị tư nhân đưa về nước vào tháng 4/2020 với giá khởi điểm giá 738 triệu. Xe gây chú ý nhờ thông tin giới thiệu chia sẻ động cơ với BMW.

Thực tế, động cơ của Brilliance V7 được Mianyang Xinchen Engine Company (PXC) phát triển với sự hỗ trợ của BMW. PXC là một công ty con thuộc liên doanh giữa tập đoàn Brilliance Auto Group và Wuliangye Group.

Tương tự các mẫu xe Trung Quốc khác như Zotye Z8 hay BAIC Beijing X7, Brilliance V7 không có hệ thống phân phối chính hãng tại Việt Nam. Điều này khiến khách hàng không mấy mặn mà và quan tâm. Sau hơn nửa năm có mặt, Brilliance V7 nhanh chóng mất hút trên thị trường dù ban đầu nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng.

Toàn Thiện, Đoàn Dũng (thestandard)

Bài mới
Đọc nhiều