Tập đoàn Mỹ đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc Molnupiravir cho Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp dược trong nước rất phấn khởi khi tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ vào chiều 25/11 đã có văn bản gửi Bộ Y tế Việt Nam đồng ý nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc Molnupiravir để điều trị F0.
Trước đó, ngày 1/11/2021, Tập đoàn dược phẩm MSD đã có công văn số 016/2021-EA-MSD thông báo rằng họ đã ký thoả thuận với Quỹ Bằng sáng chế thuốc (Meidcines patent pool-MPP). Theo đó, các cơ sở sản xuất muốn được nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc Molnupiravir sẽ nộp hồ sơ tới MPP.
Ngay sau khi nhận được thông tin, hôm nay 25/11, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Hiệp Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam. Theo công văn do Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Thanh Lâm ký, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam sớm thông báo đến các cơ sở sản xuất thuốc thành viên có nhu cầu liên hệ với MSD hoặc MPP để nộp hồ sơ nhằm trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc Molnupiravir.
Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi nhận được thông tin này, nhiều doanh nghiệp dược ở trong nước rất phấn khởi.
Đại diện Công ty CP dược phẩm Boston cho biết họ đã sẵn sàng hồ sơ và lên phương án đăng ký sản xuất với Bộ Y tế. Các đơn vị khác như Công ty CP dược Hậu Giang, Mekophar hay Amtex Pharma cũng cho biết họ đang mong chờ để đăng ký nhượng quyền sản xuất thuốc điều trị F0 này.
Trước đó, Bộ Y tế thông báo đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn do trong nước chưa có thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp số đăng ký lưu hành.
Tháng 8/2021, Molnupiravir đã được Bộ Y tế thí điểm điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà ở TPHCM. Sau những hiệu quả mà thuốc này mang lại, đến nay đã có 34 tỉnh, thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà.
Kết quả vừa được Bộ Y tế công bố mới đây cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị sau 5 ngày bệnh nhân bị dương tính. Ngoài ra, nhờ thuốc này mà tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Minh Ngọc