+
Aa
-
like
comment

Tạp chí khoa học Úc: Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ASEAN trong phát triển năng lượng tái tạo

Bảo Trâm - 19/11/2021 10:27

Trang Science Direct, một tạp chí chuyên về khoa học đã công bố một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Australia thực hiện, qua đó phân tích nguyên nhân của thành công ban đầu của Việt Nam khi đạt vị trí dẫn đầu ASEAN về phát triển nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời và điện gió đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.

Theo nội dung nghiên cứu, kể từ năm 2019, Việt Nam đã trở thành nước dẫn đầu ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió trên ba phương diện: tổng công suất lắp đặt, tỷ lệ tăng trung bình năm, và tổng công suất lắp đặt trên bình quân đầu người.

Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió đạt hơn 17 GW vào cuối năm 2020, vượt xa Thái Lan và Philippines, hai nước có công suất lớn nhất ASEAN cho đến năm 2019.

Không những thế, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9.5 TWh năm 2020, tương đương khoảng 2 điểm phần trăm. Đây là mức tăng cao nhất ASEAN và cao hơn mức trung bình của các nước khu vực Châu Á Thái Bình dương, theo Science Direct.

Tổng công suất lắp đặt trên bình quân đầu người của Việt Nam là 176 W năm 2020, vượt xa Thái Lan (64 W), Singapore (56 W), và Malaysia (48 W).

Theo đó, thành công của Việt Nam là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo như báo cáo mà Science Direct đăng tải, nguyên nhân thành công nằm ở những vấn đề sau:

Quyết tâm chính trị và sự đồng thuận của xã hội

Nghị quyết số 55 – NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Định hướng này được triển khai qua các văn bản như Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo và các Quyết định của Thủ tướng về ưu đãi phát triển điện mặt trời và điện gió. Các chủ trương chính sách này đã nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và phát triển kinh tế. Cam kết của Việt Nam trong chung tay với cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng là động lực quan trọng phát triển năng lượng tái tạo.

Chính sách hợp lý

Giá mua điện ưu đãi từ các nhà sản xuất điện mặt trời và điện gió là động lực chính phát triển thị trường tiềm năng này. Ngoài ra, ưu đãi về thuế thu nhập và chính sách thuê đất cũng đã thu hút được các nhà đầu tư. Sự thận trọng trong cân nhắc áp dụng phương thức đấu thầu các dự án điện từ năng lượng tái tạo cũng tạo đà phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp non trẻ này. Sự linh hoạt trong áp dụng các chính sách giúp thích ứng kịp thời với điều kiện thực tiễn.

Môi trường đầu tư thuận lợi

Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, vươn lên từ vị trí thứ 99 năm 2013 đến vị trí 70 năm 2020 trong bảng xếp loại mức độ thuận lợi cho doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới. Từ năm 2019, Việt Nam luôn được xếp trong số 40 nước dẫn đầu về môi trường thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng tái tạo theo xếp hạng của Earns and Young.

Cải thiện trong giảm trợ cấp năng lượng hóa thạch

Trong các nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ trợ cấp cho năng lượng hóa thạch khá thấp tính trên bình quân đầu người. Tỷ lệ này của Việt Nam trong năm 2019 là 3 đô la, trong khi Inđônêsia là 71 đô la, Malaysia 57 đô la, và Thái Lan 8 đô la. Mức giảm trợ cấp cho năng lượng hóa thạch hàng năm của Việt Nam là 56%, cao hơn các nước trong khu vực. Đây cũng là động lực giúp phát triển năng lượng tái tạo.

Ngoài Science Direct, dựa theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Việt Nam cũng được IPCC đưa ra nhận định tương tự (Việt Nam dẫn đầu mục tiêu theo đuổi năng lượng sạch tại Đông Nam Á).

Theo đánh giá của IPCC, Việt Nam đóng góp hơn 50% mức tăng trưởng công suất sản xuất điện tái tạo trong khu vực Đông Nam Á

Theo IPCC, phần lớn tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm lượng phát thải khí nhà kính tại khu vực Đông Nam Á mới chỉ tập trung tại Việt Nam, tiếp sau đó là Thái Lan, bất chấp việc khu vực là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời. Trong khi đó, sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại 8 quốc gia khác trong khu vực ASEAN được IPCC theo dõi còn ở mức thấp.

Trong khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng phát triển một hoặc nhiều nguồn năng lượng tái tạo không dùng thủy điện, ngoài Việt Nam và Thái Lan, hầu hết các nước đã không đưa ra được các chính sách ổn định để khuyến khích đầu tư của các tổ chức tư nhân trong lĩnh vực này“, ông Philip Andrews-Speed chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng, Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá.

Bảo Trâm (Theo Science Direct, IPCC)

Bài mới
Đọc nhiều