Tập Cận Bình đang mất dần quyền lực về tay Vương Hộ Ninh?
Khi quan hệ Mỹ – Trung đang căng như dây đàn, những ứng xử khác thường trong công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể phần nào hé mở cục diện nội bộ quan trường Trung Quốc hiện nay.
Xung đột phát ngôn trong nội bộ giới chức ĐCSTQ
Sau khi cuộc chiến thương mại leo thang nghiêm trọng, hôm 26/8 vừa qua, trong chuyến đi Trùng Khánh Phó Thủ tướng Lưu Hạc của ĐCSTQ đã cho biết, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua thương lượng và hợp tác với thái độ bình tĩnh, kiên quyết phản đối sự leo thang của cuộc chiến thương mại. Ông Lưu Hạc chỉ ra rằng “điều này (leo thang chiến tranh thương mại) không có lợi cho Trung Quốc, cũng không có lợi cho Mỹ, và không có lợi cho nhân dân toàn thế giới”.
Tuy nhiên trong một bài viết đăng trên Nhật báo Nhân Dân của ĐCSTQ ngày 27/8 lại cho thấy một thái độ khác với Lưu Hạc. Bài bình luận ký tên “Tiếng Chuông” nhấn mạnh rằng, “Không muốn đánh, không sợ đánh, nhưng khi cần không thể không đánh”. Cái tên “Tiếng Chuông” được nhiều lý giải là “Âm thanh của Trung Quốc”.
Ông Lưu Hạc cho biết sẵn sàng đàm phán với Mỹ, trong khi nhiều cơ quan truyền thông lớn của ĐCSTQ lại kêu gọi “không thể không đánh”. Hiện tượng mâu thuẫn công khai này hiển nhiên khiến giới quan sát chú ý. Không ít người suy đoán, lẽ nào đã xảy ra biến cố trong ĐCSTQ? Tại sao truyền thông ĐCSTQ do Vương Hộ Ninh cai quản lại dám phản lại Lưu Hạc?
Động thái mềm mỏng hiếm hoi của Lưu Hạc
Ngoài việc bày tỏ quan điểm sẵn sàng “nhẹ nhàng” đàm phán với Mỹ, trong bài phát biểu tại “Triển lãm công nghiệp trí tuệ nhân tạo quốc tế Trung Quốc”, ông Lưu Hạc cũng đề cập rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều kiện cởi mở, phản đối tình trạng phong tỏa công nghệ và chủ nghĩa bảo hộ, cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy môi trường đầu tư thật tốt.
Tuyên bố của ông Lưu Hạc là động thái mềm mỏng hiếm hoi của giới chức ĐCSTQ kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Như vậy phải chăng ông Lưu Hạc phát biểu tùy hứng? Tuy nhiên, với vai trò là Phó Thủ tướng của ĐCSTQ, ông không thể nói năng tùy tiện. Đặc biệt hơn, với tư cách là một quan đứng đầu trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, những gì ông Lưu nói và làm phải được ông Tập Cận Bình thừa nhận và ủng hộ.
Nếu quan điểm của ông Lưu Hạc không nhất quán với ông Tập Cận Bình, khi đàm phán với Mỹ có thể làm hỏng cục diện, dễ dàng bị cáo buộc là “kẻ bán nước”. Bởi vì số quan to uy quyền hơn ông cũng không phải ít, giới thái tử Đảng và các phe phái sẵn sàng tận dụng cơ hội vào cuộc… Nhìn vấn đề như vậy, những phát ngôn của Lưu Hạc có thể xem là nói thay Tập Cận Bình.
Về cơ bản, ông Lưu Hạc luôn được xem là người của ông Tập Cận Bình. Ban đầu ông được chỉ định là “đặc phái viên của Tập Cận Bình” để đến Mỹ đàm phán, điều này cũng phần nào cho thấy ông rất được ông Tập Cận Bình tín nhiệm.
Bộ Ngoại giao TQ phản hồi lạ sau khi TT Trump khen Tập Cận Bình
Ngay phát biểu công khai của ông Lưu Hạc, TT Trump ngay lập tức phản hồi. Cùng ngày Hội nghị các nhà lãnh đạo G7, tối 25/8 TT Trump cho biết quan chức thương mại Trung Quốc đã hai lần gọi điện thoại cho phía Mỹ bày tỏ hy vọng trở lại bàn đàm phán. TT Trump chỉ ra Trung Quốc có ý định đạt được thỏa thuận thương mại và một lần nữa lại khen ngợi ông Tập Cận Bình là “nhà lãnh đạo vĩ đại”.
Trước những phát ngôn của TT Trump và ông Lưu Hạc, dường như có thể dễ dàng kết luận rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn sớm nối lại đàm phán và giải quyết tranh chấp thương mại.
Nhưng điều kỳ lạ là Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục bác bỏ chuyện có cuộc gọi điện thoại cho Mỹ để hy vọng nối lại đàm phán. Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết: “Tôi chưa nghe thấy có thông tin này”, cũng khẳng định cứng rắn rằng “Trung Quốc không ngại trò đe dọa này”.
Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng gần đây giới chức đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc không liên lạc gì với nhau, hai bên chỉ duy trì đảm bảo kỹ thuật để sẵn sàng liên lạc nếu cần. Hơn nữa tờ báo còn khẳng định rằng Trung Quốc không thay đổi quan điểm, “không khuất phục trước áp lực của Mỹ”.
Giới quan sát có quan điểm nhận định, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ được mệnh danh là “Bộ hoang ngôn”, thường đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật. Những bài học kinh nghiệm cho thấy rất khó để tin phát ngôn của Cảnh Sảng là sự thật.
Ngôn từ đưa tin khác thường của CCTV
Ngoài ra còn có vấn đề kỳ lạ khác xảy ra gần đây, đó là ông Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị lần thứ 5 và có bài phát biểu, nhưng khi Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) của ĐCSTQ đưa tin thay vì như thông lệ thường dùng từ “Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra” thì lần này lại chỉ dùng từ “Hội nghị chỉ ra”.
Giới quan sát có nhận định rằng cách dùng ngôn từ của CCTV như vậy là vấn đề chưa từng xảy ra trước đây, qua đó đặt vấn đề phải chăng Tập Cận Bình đã mất vai trò là “nhà lãnh đạo tối cao duy nhất quyết định cuối cùng”?
Theo nguồn tin của CCTV, Hội nghị này có sự tham dự của những nhân vật quan trọng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm Lý Khắc Cường, Vương Hộ Ninh và Hàn Chính. Giới quan sát có phân tích rằng việc Lý Khắc Cường và Hàn Chính tham gia là lẽ dĩ nhiên, nhưng Vương Hộ Ninh là người chuyên phụ trách vấn đề ý thức hệ lại tham gia hội nghị kinh tế thì có vấn đề không thỏa đáng. Nhưng có lẽ chính điểm này có thể tiết lộ một số vấn đề trong ĐCSTQ.
Như đã biết, các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Nhân Dân Nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu đều ở trong phạm vi quyền lực của Vương Hộ Ninh. Có nghĩa là những phát ngôn trái ngược với Lưu Hạc, rất có khả năng do Vương chỉ đạo, cố tình cho Lưu Hạc thấy. Dựa theo mối quan hệ khăng khít giữa Lưu Hạc và Tập Cận Bình, động thái này nếu đúng là của Vương Hộ Ninh đối với Lưu Hạc, không khác gì đập vào mặt Bắc Kinh.
Nhân vật thao túng ngầm ở Trung Nam Hải?
Trong nội bộ ĐCSTQ, ông Vương Hộ Ninh chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, ông ta là quan to qua ba thế hệ Tổng Bí thư ĐCSTQ, cũng được mệnh danh là “bộ não” của ĐCSTQ, rất được cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân nể trọng.
Sau khi được Giang Trạch Dân đề bạt, Vương luôn có một vị trí nổi bật trong ĐCSTQ. Đặc biệt là sau Đại hội 19 được Giang Trạch Dân cài thành công vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị thay thế Lưu Vân Sơn. Nhưng Vương còn sở hữu nhiều quyền lực hơn khi được kiêm nhiệm là Bí thư Ban Bí thư Trung ương.
Theo quy định của ĐCSTQ, chức vụ này bao trùm một phạm vi cai quản rộng liên quan nhiều lĩnh vực. Các thành viên dưới trướng bao gồm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương và Bộ trưởng Bộ Mặt trận Thống nhất.
Có nghĩa là ông Vương Hộ Ninh có rất nhiều quyền lực. Ngoại trừ quốc phòng, hầu như phần còn lại nằm trong phạm vi quyền lực của Vương. Mặc dù trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì ông Lý Khắc Cường và Lật Chiến Thư được xếp hạng cao hơn Vương, nhưng thực tế không khác gì bị loại ra lề, khó phát huy được vai trò gì.
Điều này đã tạo thành cục diện là công tác Đảng của Trung Nam Hải do ông Vương Hộ Ninh kiểm soát, còn kinh tế do ông Hàn Chính kiểm soát.
Theo phân tích này, mặc dù ông Tập Cận Bình đứng đầu, nhưng công tác Đảng cũng như tuyên truyền… đều nằm trong tay Vương Hộ Ninh. Nói cách khác, nhân vật thao túng ngầm ở Trung Nam Hải rất có khả năng là ông Vương Hộ Ninh? Như vậy những mệnh lệnh của ông Tập Cận Bình có dễ dàng ra khỏi Trung Nam Hải?
Tập Cận Bình đang dần mất quyền lực?
Trước những diễn biến khác thường cục diện chính trị Trung Nam Hải, tờ Epoch Times tại Mỹ đã chia sẻ bình luận đáng chú ý chỉ ra, giai đoạn nhiệm kỳ đầu của ông Tập Cận Bình đã thành công trong thao túng quyền lực, vì thế nhiệm vụ chống tham nhũng tiến triển thuận lợi, lấy lại được niềm tin trong dân.
Tuy nhiên kể từ sau khi ông Vương Hộ Ninh vào Ban Thường vụ thì ông Tập Cận Bình như biến thành “hôn quân”, bị lâm cảnh “thù trong giặc ngoài”. Bình luận cho rằng để thay đổi hiện trạng của Tập Cận Bình hiện nay chỉ có cách họ Tập phải thoát khỏi “kìm kẹp” của “cây gậy tuyên truyền”, nếu không nó sẽ rất nguy hiểm. Đã đến lúc rất cấp bách, không thể chờ đợi!
(Theo Tuyết Mai/Tri Thức)