+
Aa
-
like
comment

Tạo niềm tin vào pháp luật là yêu cầu quan trọng của ngành tư pháp

24/12/2019 18:29

Đây là một trong những chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đối với ngành tư pháp trong năm 2020 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác ngành tư pháp, ngày 24/12.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ngành tư pháp đóng góp quan trọng vào xây dựng thể chế của đất nước

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Năm 2019, kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện, chúng ta hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp trực tiếp, quan trọng của công tác xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật và các mặt của công tác tư pháp. Với những cố gắng bền bỉ, kiên trì, thầm lặng, nhiều kết quả của Bộ, ngành tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị-pháp lý của Nhà nước pháp quyền XHCN.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của mình trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013.

Trong năm 2019, toàn ngành đã tập trung rà soát được 40.304 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); hoàn thành việc hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2 (2014-2018); lần đầu tiên xác định và công bố số liệu chính xác về VBQPPL trên cả nước và đưa vào khai thác, sử dụng 120/271 đề mục của Bộ Pháp điển, qua đó đã giúp cho hệ thống pháp luật dễ được tiếp cận và minh bạch hơn, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng. Năm qua, Bộ Tư pháp đã tham gia xây dựng, thẩm định, giúp Chính phủ, trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến gần 30 dự án luật, nghị quyết.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được tăng cường. Trong năm, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và tư pháp đã nỗ lực, tập trung thẩm định số lượng lớn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với chất lượng công tác thẩm định các dự án luật được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ hơn về chính kiến, chất lượng, tính khả thi của các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành và theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tập trung và hiệu quả hơn.

“Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ thực hiện các giải pháp hiệu quả nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật lên 17 bậc so với năm 2018, góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Đề cập đến công tác thi hành án dân sự, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác này đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Nhiều địa phương đã nỗ lực, hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, qua đó đã bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực thi công lý. Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.

Việc xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được thực hiện với các lộ trình phù hợp, bảo đảm thể chế hóa chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 vừa bảm đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, giữ vững được vai trò quản lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các giao dịch pháp lý, ngày càng thân thiện, gần gũi hơn với người dân, doanh nghiệp như hoạt động công chứng, thừa phát lại.

Bộ Tư pháp đã tham gia trách nhiệm, toàn diện về các vấn đề pháp lý quốc tế trong quá trình hội nhập; kịp thời tham mưu, đề xuất đưa ra các phương án hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, khai thác được các lợi ích từ việc hội nhập quốc tế cũng như đề xuất tham gia vào các thiết chế pháp lý quốc tế đa phương để cùng với các quốc gia xây dựng, định hình khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Xây dựng thể chế, tạo niềm tin của nhân dân để đất nước phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng chỉ rõ, công tác tư pháp vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Cụ thể, việc xây dựng thể chế phải được quan tâm hơn nữa, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp trong kinh doanh và đời sống. Bởi nếu niềm tin vào pháp luật không tốt, không an toàn cho doanh nghiệp, cá nhân thì kinh tế không phát triển được, xã hội không tiến bộ được, người dân không tin tưởng để làm ăn. Đáp ứng và thực hiện điều này là yêu cầu hết sức quan trọng của ngành tư pháp.

“Thực tế hiện nay, việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, tránh chồng chéo, xung đột pháp luật sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đất nước tiến lên bền vững, hiệu lực, hiệu quả, bứt phá, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Do đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, phân công trách nhiệm, xử lý nhanh chóng tình huống, tháo gỡ thể chế, không để nợ đọng, tháo gỡ cho được các vướng mắc về thể chế, pháp luật, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả của công việc.

Công tác bổ trợ tư pháp như công chứng, thừa phát lại cũng cần được quan tâm, chấn chỉnh không để sai sót xảy ra như công chứng không đúng sự thật, thừa phát lại làm sai chức năng, thẩm quyền… ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin và hoạt động của ngành tư pháp.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, ngay việc ban hành văn bản của cơ quan hành chính nếu không đúng sẽ dẫn đến việc khiếu nại, tranh chấp, nhất là đối với những văn bản có yếu tố nước ngoài.

Không để cài cắm lợi ích trong ban hành văn bản pháp luật

“Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tư pháp, pháp chế để việc ban hành các văn bản đúng pháp luật, chính xác, không để cán bộ tham mưu yếu kém chuyên môn hay ‘cài cắm’ vào đó lợi ích cá nhân, tập thể hay của bộ ngành”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Trên cơ sở đó, ngành tư pháp phải huy động được đông đảo lực lượng chuyên gia tinh thông nghiệp vụ, ngoại ngữ trên các lĩnh vực pháp luật từ các ngành toà án, kiểm sát, liên đoàn luật sư, hội luật gia vào các hoạt động tư pháp, nhất là đối với các tranh chấp, khiếu kiện có yếu tố nước, có giải pháp phòng ngừa để hạn chế phát sinh khiếu kiện, nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu trong bộ máy Nhà nước các cấp đối với công tác tư pháp, để công tác tư pháp ngày càng tốt hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đối với công tác thi hành án dân sự, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác này vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế. Nhiều cán bộ thi hành án dân sự bị xử lý kỷ luật, có nhiều trường hợp bị khởi tố, bắt giam, xét xử mà chủ yếu là do sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự mà ra.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, cán bộ thực thi công tác này phải công minh, liêm chính, có đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, chấp hành nghiêm pháp luật trong việc thi hành án dân sự, bởi đã có dư luận quá nhiều, nhất là việc bán đấu giá tài sản hiện nay.

“Sau lưng các tổ chức đấu giá tài sản là ‘cò mồi’, ‘xã hội đen’. Phải dẹp được vấn nạn này để pháp luật được thi hành nghiêm minh, không để trục lợi hoặc cán bộ, công chức tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực đối với công tác này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

6 nhiệm vụ lớn của ngành tư pháp năm 2020

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng của nước ta như đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Năm 2020 cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021…

Đối với công tác tư pháp chúng ta tiếp tục tham mưu tổng kết các nghị quyết quan trọng của Đảng về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp như các Nghị quyết số 48 và 49, đây cũng là năm ngành tư pháp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành tư pháp.

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế rất nặng nề, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị ngành tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, Bộ, ngành tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế-xã hội bằng pháp luật.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngành tư pháp cần phải tiếp tục làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng chính sách, cụ thể hóa chính sách cần phải nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng để đề xuất, cụ thể hóa thành chính sách pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần có giải pháp truyền thông mạnh mẽ các chính sách mới, dự kiến ban hành để đồng bào cử tri, doanh nghiệp hiểu, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm tính khả thi của quy phạm.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Nâng tỉ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; tổ chức, thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc theo dõi thi hành án hành chính đối với 100% bản án, quyết định hành chính của tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi, tham mưu, xử lý nghiêm trách nhiệm Chủ tịch UBND, UBND các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn song song với nâng cao chất lượng dịch vụ và yêu cầu quản lý Nhà nước với bước đi, lộ trình. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm phát huy tối đa, hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các hội nghề nghiệp như đoàn luật sư, hội luật gia, hội công chứng,…

Thứ tư, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư. Đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn nữa đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định các dự án đầu tư, phát huy vai trò của Sở Tư pháp và cơ quan pháp chế trong việc tham mưu cho UBND cấp tỉnh khi xử lý các vấn đề này.

Thứ năm, chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao nhận thức chính trị, phòng ngừa các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ.

Thứ sáu, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời, tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp địa phương cũng cần phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ.

Lê Sơn/CTTĐTCP

Bài mới
Đọc nhiều