Tạo điều kiện cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở vững tâm công tác
Là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) khi thảo luật tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng nay, 17-11.
Lực lượng này đã và đang ở trong dân
Đại biểu bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Công an là tăng cường cho cơ sở, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”. Mà mọi vấn đề cần phải được giải quyết ở cơ sở nên tăng cường cho lực lượng cơ sở là hết sức cần thiết.
“Trên thực tế, các lực lượng: Công an xã bán chuyên trách, dân phòng, bảo vệ dân phố đã hình thành từ lâu, có những lực lượng hình thành từ sau Cách mạng Tháng 8, hay Công an xã đã hình thành cách đây 70 năm… Các lực lượng này đã và đang hoạt động ở cơ sở, đã và đang ở trong dân, đã và đang làm những công việc được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, giờ chúng ta tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo cho họ yên tâm, vững tâm hơn trong công tác”, nữ đại biểu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, đây là lực lượng không chuyên trách, mang tính tự nguyện ở thôn, xóm, tổ dân phó, bản làng, buôn sóc. Nhưng qua thực tế làm ở địa phương bà thấy đây chính là lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ở cùng dân, ăn cùng dân, sinh hoạt cùng dân, bám sát dân khá tốt, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an xã.
“Lực lượng Công an xã chính quy hiện được Bộ Công an triển khai đến 100% xã, tuy nhiên chỉ bố trí 5 đồng chí, quá mỏng, không thể rải hết ở các địa bàn thôn xóm, xã phường. Có lực lượng này sẽ hỗ trợ, giúp Công an xã trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, làm công tác hòa giải trong dân…”, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk lý giải thêm.
Ngoài ra, họ có cuộc sống mưu sinh khác, thời gian dành cho công việc không nhiều, tuy nhiên rất cần thiết ở cơ sở. Việc ban hành luật không làm phát sinh thêm lực lượng mới, không làm thay đổi nhiệm vụ của Công an chính quy vì họ chỉ tham gia hỗ trợ. Việc xây dựng luật này tạo sự cân xứng trong hệ thống pháp luật, cân xứng với dân quân tự vệ, tạo cho lực lượng cơ sở yên tâm công tác.
Nữ đại biểu cũng đề nghị Bộ Công an sớm tổng kết, đánh giá đề án đưa Công an chính quy về để có thêm bài học kinh nghiệm, thêm thông tin cung cấp cho ĐBQH. Vì lực lượng này chỉ tham gia hỗ trợ Công an chính quy, không phải lực lượng chuyên trách, họ còn có cuộc sống mưu sinh khác nên trong chương 2 về nhiệm vụ, quyền hạn bà đề nghị phải cân nhắc để không gây lầm tưởng cho mọi người đây là lực lượng làm thay Công an xã chính quy hay khoác cho họ “chiếc áo” vừa sức, không quá nặng.
Luật giúp Công an xã bán chuyên trách có điều kiện hoạt động rõ ràng
Theo ĐBQH Đào Thanh Hải (Hà Nội), xuất phát từ thực tế cần bố trí lại tổ chức bộ máy của lực lượng CAND để đảm bảo an ninh chính trị trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nên vừa qua Bộ Công an đã triển khai Công an chính quy về xã trên địa bàn toàn quốc. Trong đó, tại Hà Nội đã bố trí Công an chính quy tại 383 xã với hơn 2.500 CBCS.
“Đây là số CBCS chúng tôi đưa từ thành phố và quận xuống, không tăng thêm biên chế, bước đầu phát huy hiệu quả. Qua thống kê, năm 2020 phạm pháp hình sự giảm 20,6%, đây là con số chưa bao giờ có. Trong đó chủ yếu giảm ở các huyện ngoại thành, tạo lòng tin cho nhân dân và cấp ủy chính quyền xã trong bảo đảm ANTT”, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin và cho biết, lực lượng Công an chính quy bố trí xuống xã không có sự ảnh hưởng, tác động của làng bản, dòng họ, có trình độ chuyên môn cao nên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Tuy nhiên, do việc bố trí Công an chính quy xuống xã theo nguyên tắc không bố trí CBCS là người địa phương, tức không phải người sinh ra và lớn lên ở địa phương ấy nên 100% Công an xã chính quy đến từ địa phương khác. Việc bố trí này bước đầu khiến họ không nắm chắc tình hình địa bàn, đặc điểm văn hóa, các đối tượng trên địa bàn… trong khi đó Công an xã bán chuyên trách do sinh ra tại địa bàn có điều kiện thuận lợi, nắm kỹ hơn các thông tin này.
“Trước khi, khi tôi phụ trách trọng án ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, khi trọng án xảy ra, tôi xuống xã gặp Công an xã thì họ đã giúp chúng tôi điều tra án rất nhanh, hỏi bất cứ người nào ở đâu, làm gì, quan hệ với ai thì họ đều nắm được”, đại biểu lấy ví dụ.
Ông cho rằng, Công an chính quy xuống xã bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu nhưng lực lượng còn mỏng, như xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội có diện tích gần 40 km4 (bằng 4 quận nội thành) nhưng chỉ có 5 đồng chí tuần tra kiểm soát khép kín cả ngày cả đêm theo đúng yêu cầu của Bộ Công an thì không đủ sức, việc phân trực chia làm 2 ca, hôm nay trực, mai nghỉ cũng rất vất vả.
Bên cạnh đó, Công an bán chuyên trách đang hưởng phụ cấp thấp, khoảng 1 triệu đồng, để khuyến khích lực lượng này tham gia là rất khó khăn trong khi họ đã được Bộ Công an đào tạo đầy đủ. Sau khi Công an chính quy xuống xã thì 25% đồng chí xin nghỉ do phụ cấp thấp, điều kiện hoạt động không rõ ràng, nếu không có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ra đời thì khó khăn cho lực lượng này.
“Ở cơ sở chúng tôi vô cùng mong mỏi sớm có luật để động viên lực lượng này tham gia cùng chúng tôi bảo đảm ANTT ở cơ sở, bảo đảm cho họ có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chế độ bảo hiểm y tế, khi bị thương, hy sinh có chế độ cụ thể, rõ ràng”, đại biểu bày tỏ.
Không xây thêm trụ sở, không tăng biên chế, trang thiết bị
Trước băn khoăn của một số đại biểu về việc trụ sở làm việc tăng lên, ĐBQH Đào Thanh Hải giải thích rằng thực tế sẽ không tăng vì đây là lực lượng ở địa phương, có nhà ở địa phương nên sẽ làm việc ngay tại trụ sở Công an chính quy ở xã, không có việc xây thêm trụ sở. Ngoài ra, các trang thiết bị quần áo, mũ áo, công cụ hỗ trợ cũng có sẵn; số lượng lực lượng này cũng không tăng.
Ông lý giải, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở ra đời chỉ là gom 3 lực lượng vào một để thống nhất toàn quốc, hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra, sau khi có luật, một lực lượng làm nhiều nhiệm vụ, từ phối hợp tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền pháp luật, nắm người nắm hộ, quản lý đối tượng, tuyên truyền phổ biến pháp luật…
“Việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia để phát triển kinh tế xã hội của đất nước là hết sức cần thiết. Như khi chúng ta xây dựng Luật Dân quân tự vệ đất nước trong thời bình, nhiều người cho rằng không cần thiết. Nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia là phải chủ động, vượt lên ngăn chặn”, Thiếu tướng Đào Thanh Hải nhấn mạnh.
Quỳnh Vinh/CAND