Tăng trưởng kinh tế – mừng và lo!
Tăng trưởng kinh tế biểu thị đầu tiên qua những con số thống kê, nhưng hiệu quả của nó phải được đo bằng hơi thở nền kinh tế và cuộc sống người dân.
Nhiều lúc chúng ta thường hay lẫn lộn giữa khái niệm “tăng trưởng” và khái niệm “phát triển”. Việc sử dụng không đúng chỗ đôi lúc phản ánh không đúng bản chất của vấn đề.
Tăng trưởng tức là tăng trưởng kinh tế, là chỉ sự tăng trưởng của một quốc gia hoặc một khu vực trong một thời gian nhất định về mặt của cải quốc dân hoặc của cải xã hội. Cụ thể đó là “sự tăng thêm về sản phẩm sản xuất và tổng lượng dịch vụ của một nước”.
Phát triển kinh tế rộng hơn, là một khái niệm tổng hợp bao gồm cả số lượng và chất lượng, vừa xét đến nhân tố kinh tế lại vừa xét đến nhân tố xã hội và nhân tố môi trường.
Vậy nên tăng trưởng đôi khi – không hẳn đi kèm với phát triển, ví dụ tăng trưởng kinh tế đạt con số như mục tiêu đề ra nhưng môi trường tự nhiên bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên kiệt quệ, môi trường xã hội bất ổn… thì chưa thể gọi là phát triển.
Khi nói đến một quốc gia giàu có, thịnh vượng người ta thường hay dùng thuật ngữ “quốc gia phát triển” chứ không ai dùng “quốc gia tăng trưởng” là vì lý do đó.
Báo cáo kinh tế 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy tăng trưởng 6,98% – cao nhất của 9 tháng trong vòng 9 năm gần đây; riêng quý III là 7,31% – một con số kỷ lục. Đó là kết quả không dễ đạt được trong bối cảnh có rất nhiều biến động như hiện nay.
Nhưng để nói rằng, con số đó đã đủ để cho thấy sự phát triển hay chưa thì vẫn còn nhiều vấn đề lăn tăn. Vì cùng với sự tăng trưởng phải xuất hiện sự biến đổi về cấu trúc, ví dụ tính chất nền kinh tế, kết cấu xã hội, kết cấu chính trị, phương thức sản xuất.
Năm 2018 – nếu nhìn vào những con số này: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%… thì đó là một cơ cấu kinh tế khá tốt, theo hướng công nghiệp và dịch vụ – điều cần có để chuyển đổi từ một nước nông nghiệp thành nước công nghiệp phát triển. Nhưng tính chất và đặc điểm của nền kinh tế lại cho thấy bức tranh khác, một điểm rất chung và bao trùm, đó là mảng kinh tế gia công đóng vai trò chủ yếu.
Trước tới nay chỉ mới nhắc đến công nghiệp gia công, nhưng cả xương sống cốt tủy là nông nghiệp cũng mắc phải tình trạng này. Đó là 80% giống cây trồng vật nuôi phải nhập khẩu, kéo theo đó là phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc…
Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai nhiều năm nay có tình trạng đáng lo ngại, trại heo của người Việt luôn như “những ngọn nến trong đêm”, phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, nhiều lần lao đao nên giờ đây đa số chọn nuôi gia công cho CP, CJ, Cargill… vừa an toàn vừa đảm bảo đầu ra, tuy nhiên nguồn lợi nhỏ lại trong khi ô nhiễm môi trường nhức nhối.
Với công nghiệp, một trong những ngành chủ lực là may mặc vẫn chưa thoát kiếp gia công. Bởi vì sao? Vì nguyên liệu may mặc ở Trung Quốc rẻ hơn 10% so với Việt Nam; lại là nơi cung ứng đến 50% nguyên liệu cho ngành này.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm ngoái khoảng 36 tỷ USD nhưng trong số ấy có bao nhiêu phần trăm ở lại Việt Nam? Hay chỉ là đồng lương còm cõi của công nhân, chi mua nguyên liệu phần lớn và nguồn thuế thu lại không đáng là bao!
Với ngành điện tử – mũi nhọn lợi hại trong xu thế 4.0, hơn 20 năm nay vẫn là cái tên Samsung đóng góp hàng chục tỷ USD xuất khẩu, song vẫn tình trạng “tiếng nhiều, miếng ít” như may mặc.
Lại phải nói về Asanzo, trước đây như một ngôi sao và hứa hẹn trở thành “Samsung Việt Nam” nhưng báo chí đã khiến doanh nghiệp này bầm dập, đến mức không có cơ hội sửa sai (nếu có sai).
Vậy đến bao giờ Việt Nam mới có được một doanh nghiệp tương tự Samsung: Tự thiết kế, R&D, sản xuất và sau đó thu hút doanh nghiệp gia công để tạo thành một hệ thống vững chắc?
Cùng câu hỏi: Với lợi thế dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, có kinh nghiệm… nhưng đến bao giờ may mặc Việt Nam thoát khỏi cảnh gia công, tạo ra được một vài thương hiệu độc quyền na ná như Prada, Versace?
Một nền kinh tế gia công hẳn nhiên phải dựa vào xuất khẩu, hay cắt nghĩa một cách dễ hiểu, nước ngoài đem vốn đến đầu tư sản xuất và bán khắp thế giới, ta chỉ là người làm công ăn lương, đó là chưa kể phần ưu đãi thuế, trải thảm đỏ. Thực tế đó đặt ra vấn đề làm sao để phát triển?
Bởi một nguyên tắc cơ bản và cố hữu, người làm thuê muôn đời không bao giờ giàu hơn ông chủ nếu không tự tách ra và khởi nghiệp riêng. Đó là mặt trái của thu hút FDI.
Hệ quả là, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu không bao giờ là nền kinh tế ổn định, bởi nó phụ thuộc vào tỷ giá, các biến động chính trị quốc tế và thái độ của nhà đầu tư. Không biết ai đó có nghĩ trong tương lai gần họ sẽ rút đi!?
Về nội tại, người làm công cả đời cũng đến lúc già yếu, mỏi gốn chùn chân, nếu không thay đổi rồi thế hệ tiếp theo và tiếp theo nữa vẫn đi theo con đường của cha ông đã đi.
Xét ở khía cạnh nào đó, khi FDI ít vào nước ta là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội địa, tài nguyên vẫn còn đó, đất đai vẫn còn đó. Lúc này có thể không tăng trưởng (bằng các con số thống kê) nhưng vẫn được xem là phát triển (nếu xét mặt xã hội, môi trường).
Yếu tố phát triển còn được đo bằng tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, một mặt là cấp độ của công cụ lao động, mặt quan trọng hơn là tâm lý người lao động, không gì khác hơn là “tăng lương giảm giờ làm”.
Xa hơn là các thành quả của tăng trưởng quy ra bằng nguồn vốn đem đầu tư lại cho an sinh, khôi phục môi trường, thúc đẩy văn hóa, làm lành mạnh xã hội…
Thực tế, người dân lúc này thuế phí bủa vây, giá xăng dầu giảm ít tăng nhiều, môi trường báo động, đạo đức xã hội gần chạm đáy, giáo dục vẫn loay hoay chuyển đổi.
Phát triển và tăng trưởng dĩ nhiên phải định lượng bằng con số, song cái quan trọng hơn là mọi người phải hưởng được thành quả ấy. Rất đơn giản, đó có thể là được sử dụng một chiếc tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe hơi… rẻ hơn do Việt Nam tự chế tạo và sản xuất.
Rồi tiến tới giảm thuế, phí, nâng cao chất lượng môi trường sống, giáo dục nhân văn, xã hội hài hòa, chính quyền liêm khiết, con người tin tưởng thương yêu nhau…
Trương Khắc Trà