+
Aa
-
like
comment

Tăng trưởng kinh tế – không có chỗ cho sự loay hoay

Diệu Hương - 26/10/2021 17:48

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 được dự báo chỉ đạt khoảng 3%. Tuy nhiên, đây chỉ là mức tạm thời, bởi nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng sáng trong quý IV và năm 2022.

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và phân tích, dự báo các điều kiện để thực hiện mục tiêu những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ kịch bản tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam năm 2021 với 2 phương án:

Kịch bản tăng trưởng GDP 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 3,0% (thấp hơn 3,5 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01/NQ-CP). Quý IV cần đạt mức tăng trưởng GDP là 7,06%.

Kịch bản tăng trưởng GDP 2: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 3,5% (thấp hơn 3,0 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01/NQ-CP). Quý IV cần đạt mức tăng trưởng GDP 8,84%.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu theo kịch bản nêu trên thì doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị đóng băng, không đóng cửa. Người lao động, phải được dịch chuyển an toàn. Hàng hóa, phải được lưu thông thông suốt, bao gồm cả hàng hóa đầu vào và đầu ra. Nói cách khác là mức tăng trở lại của GDP quý IV phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine, cũng như cho phép mở cửa nền kinh tế và việc chống dịch theo mô hình mới thực thi hiệu quả ra sao.

Để đạt được mục tiêu theo các kịch bản trên, Chính phủ đã đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Điển hình là ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay vì theo đuổi mục tiêu “zero Covid”. Điều đó cho thấy sự linh hoạt trong cách ứng phó với sự cố chưa có tiền lệ. Cùng với đó là tích cực thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong mùa dịch; lạm phát và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định.

Thế nhưng, nhìn lại gần 1 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cho thấy, đâu đó ở một số địa phương vẫn còn đang loay hoay “chống dịch thế nào” khi đưa ra những cách làm, những quy định khá lạ, không đúng quy định chung tại Nghị quyết 128. Đơn cử như: Dán niêm phong các cửa các xe ô tô liên tỉnh đi qua địa bàn để khách không ghé dọc đường; có địa phương, người vào tỉnh phải khai báo y tế và ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19… Quá nhiều những rắc rối tạo ra những ách tắc trong lưu thông, đặc biệt liên quan đến việc di chuyển của người lao động ở những vùng giáp danh giữa các địa phương, khiến nỗ lực nhanh chóng khôi phục sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng nghĩa với vòng quay đồng tiền bị chậm lại, kéo theo sự phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ không được như kỳ vọng.

Thay đổi tư duy chống dịch, sống chung an toàn với Covid-19 là bước ngoặt trong chiến lược phòng dịch được Chính phủ. Toàn xã hội vận hành càng nhanh, thống nhất, đồng bộ triển khai Nghị quyết 128 thì cơ hội nhanh chóng phục hồi nền kinh tế càng lớn, an sinh bớt khó khăn. Muốn vậy phải tạo sự đồng thuận, mà trước hết phải từ hành động đúng, có trách nhiệm của lãnh đạo địa phương dựa trên những cơ sở khoa học. Không chỉ vì nỗi sợ hãi, cũng là rất chính đáng về sự lây lan của dịch bệnh. Không chỉ vì để dễ trong quản lý mà đẩy cái khó cho dân bằng những quy định đầy cảm tính.

Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ tăng trưởng dương hay đạt mức tốt nhất có thể phụ thuộc vào tốc độ chuyển trạng thái của toàn xã hội trong hơn 2 tháng còn lại của năm.

Diệu Hương 

Bài mới
Đọc nhiều