+
Aa
-
like
comment

Tăng trưởng kinh tế: Cần những nỗ lực thực chất với những mục tiêu dài hạn

Diệu Hương - 16/12/2021 17:02

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Vậy, đâu là những giải pháp đột phá và đặt biệt để đưa nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững trước các tác động của đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ?

Tác động của dịch bệnh Covid-19 là bất ngờ, chưa có tiền lệ và chưa biết khi nào chấm dứt khi biến chủng mới Omicron hiện đã xuất hiện ở 38 quốc gia trên thế giới và tiếp tục lây lan. Dịch bệnh đã tác động tiêu cực, gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội. Giai đoạn 2019 – 2020, kinh tế nước ta ước thiệt hại trực tiếp khoảng 37 tỷ USD. Đặc biệt, tăng trưởng GDP năm 2020 giảm sâu, chỉ tăng 2,91%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ấn tượng 7,02% của năm 2019 và mức tăng trưởng 6,8% bình quân của giai đoạn 2016 – 2019. Hồi tháng 10, Ngân hàng Thế Giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. WB dự báo tăng trưởng ở mức 2-2,5%, trong khi ADB và IMF đưa ra con số 3,8%.

Mặc dù, nhìn chung gam màu trong bức tranh kinh tế thế giới 2021 đã tươi sáng hơn so với năm 2020. Báo cáo cập nhật của WB tháng 11 khẳng định, kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy suy giảm vào tháng 10 và đi lên. Theo xếp hạng dựa trên số liệu của IMF, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo đứng thứ 41 thế giới xét về giá trị GDP danh nghĩa. Trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo cao hơn Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia. Nhưng nếu nhìn vào chi tiết, vẫn có thể nhận ra những mảng màu tối có nguy cơ loang rộng sang năm 2022.

Trước hết, dù đã triển khai Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhưng vấn đề đặt ra với quá trình phục hồi của Việt Nam là chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chưa bảo đảm độ an toàn. Theo Nikkei Asia, tính đến 31/10/2021, chỉ số Phục hồi Covid-19 của Việt Nam xếp thứ 95/121 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy rủi ro đối với tăng trưởng vẫn là rất lớn và dư địa thu hút FDI do lợi thế kiểm soát tốt đại dịch vẫn còn nhiều hạn chế.

Một yếu tố khác là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), năng suất tổng hợp, năng suất lao động đều ở “vùng trũng”, nếu so sánh trong khu vực sẽ thấy nguy cơ tụt hậu cục bộ, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Ngoài ra, các yếu tố tạo nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn, như chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh đều mới thực hiện ở phần thể chế, chính sách, chưa có thay đổi cụ thể, xanh hóa sản xuất, tiêu dùng bền vững đều chưa làm được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, việc gia tăng mạnh giá dịch logistics, nhất là vận chuyển quốc tế và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào sản xuất là những thách thức mà xuất khẩu và sản xuất trong nước đang và sẽ phải đối mặt. Đây cũng là những nhân tố sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kìm hãm đầu tư công, tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch.

Ngoài ra, nhìn nhận ở góc độ khác về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế “đang có vấn đề”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế, có hai “chỉ báo” quan trọng là tốc độ giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, giải ngân đầu tư công của nước ta chưa đạt 70% và khó về đích khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2021. Về tín dụng, tốc độ tăng trưởng đến nay mới đạt trên 8% – mức thấp so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế.

Có thể nói, việc các nước đẩy mạnh thích ứng an toàn với Covid-19, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa mở cửa phát triển kinh tế hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn cho kinh tế thế giới trong năm tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, được đánh giá lây lan nhanh hơn biến thể Delta, có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Và tiếp tục gây rủi ro cho kinh tế thế giới năm 2022, trong đó có Việt Nam. Trước thực trạng vừa nêu, theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu cấp bách và khẩn trương hiện nay là tìm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Tại các diễn đàn mới được tổ chức, rất nhiều chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội đã được đưa ra nhằm hỗ trợ kịp thời cho những khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp và đời sống dân sinh. Đáng chú ý, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được giới phân tích đánh giá cao. Thủ tướng nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Và trong bối cảnh đặc biệt cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cùng với các chính sách cấp thiết về tài khóa và tiền tệ, thì giải pháp tiên quyết chính là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng.

Đường hướng đã có, chỉ còn là các vấn đề phát sinh từ trong đại dịch cần phải triệt để tháo gỡ. Ví như, từ làn sóng di dân từ các tỉnh thành phía Nam trước tác động của đợt dịch lần thứ 4 cần phải được nghiêm túc đặt ra cả về chính sách thu hút lao động trong cách ngành, nghề, lĩnh vực. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với thế mạnh công nghệ, máy móc thay thế phần lớn lao động gia công, vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức canh tranh của nền kinh tế, vừa huy động, phân bổ sửa dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Hay ngay trong kết quả của kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm nay đạt gần 300 tỷ USD, có đóng góp tới hơn 86% từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhưng có tới hơn 73% là từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy cần có những giải pháp thực sự đột phá ở khâu này. Mà ở đó, không chỉ là các giải pháp để kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước, còn là sự đầu tư cho công nghệ xứng tầm cho mọi hoạt động sản xuất của nền kinh tế.

Như vậy có thể thấy, tăng trưởng nhất là tăng trưởng bền vững đòi hỏi phải có những nỗ lực thực chất với những mục tiêu dài hạn. Chỉ có như vậy mới nâng cao được nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều