Tăng trưởng GDP: Chính phủ đã có sự tính toán
Bão tự nhiên hay “bão Covid-19” cũng giống nhau, một khi quét đến đâu là gây thiệt hại về người và của đến đó. Đợt dịch thứ 4 ập đến Việt Nam với cường độ lớn hơn những đợt dịch trước gấp nhiều lần, kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng là một phần tất yếu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta chìm đắm trong nỗi buồn thất vọng. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 15, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố “phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022”. Một con số ấn tượng nhưng ngay lập tức đã bị một số đối tượng cho rằng người đứng đầu Chính phủ “hoang tưởng, tự lừa chính mình, thiếu thực tế, bất chấp dự báo khó khả thi của các chuyên gia kinh tế”.
Tại sao lại là “hoang tưởng, thiếu thực tế” khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã từng cán mốc trên 6,5%? Mục tiêu đưa ra cho năm 2022 căn cứ vào tốc độ tăng trưởng GDP những năm trước đây, cụ thể qua các năm 2017, 2018, 2019 lần lượt là 6,7; 7,08%, 7,02%. Mức tăng trưởng 6- 6,5% mỗi năm được cho là chỉ số “dễ vượt qua” ở giai đoạn 2017- 2019 và Việt Nam cũng đã từng thuộc Top đầu của thế giới về tốc độ tăng trưởng. Thậm chí, theo đánh giá của tờ The Economist, Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Đó chính là cơ sở thực tiễn để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% vào năm 2022.
Đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành khắp thế giới, tấn công các nước phát triển cũng như đang phát triển. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, chuỗi cung ứng ít nhiều cũng gián đoạn, tình trạng thất nghiệp tăng cao là điều ai cũng thấy rõ. Nhưng ngay cả khi nhiều nền kinh tế lớn có thời điểm tăng trưởng âm như Mỹ (-5,9%), Nhật Bản (-5,2%), khu vực đồng tiền chung EURO (-7,5%), Trung Quốc (tăng trưởng -6,8%), Hàn Quốc (-1,4%),… thì Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương (2,91% – năm 2020). Đó là kết quả không dễ dàng nhưng nếu chúng ta tiếp tục duy trì sự quyết tâm này thì con số 6-6,5% sẽ không phải là vấn đề.
Dẫu biết rằng, Việt Nam đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhưng theo thống kê chính thức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng 5,64% cho dù dịch Covid-19 đã bùng phát ở một số địa phương trên cả nước kể từ cuối tháng 4. Hiện tại, bước vào Qúy 4/2021, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông báo: Nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt trong tháng 9 này, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý 4 thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 3,5-4%. Thêm một tin vui khác đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), họ dự báo cả năm 2021 Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 4,8%. Hơn nữa, việc Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do mà Việt Nam với EU, giúp loại bỏ 99% thuế quan hàng hóa giữa hai bên, WB đã đánh giá rất tích cực về Hiệp định này. Họ tin những dự án triển vọng trong tương lai sẽ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, trong đó có những người nông dân, nhà sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Đồng quan điểm với WB, Giám đốc ASEAN Strategy Group Limited, ông Marc Djandji cũng từng nhấn mạnh rằng: Trong trung hạn, dự báo triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sức tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực chế tạo.
Điều quan trọng hơn cả, Chính phủ vẫn đang nỗ lực hành động với hàng loạt chính sách mang lại những dấu hiệu rất tích cực ở thời điểm hiện tại. Chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 kèm theo chiến lược vaccine vẫn đang được thực hiện tốt, người dân đang quay trở lại lao động sản xuất bình thường, kinh tế bắt đầu được khơi thông trở lại. Rõ ràng, Chính phủ đã có những phân tích, tính toán trước khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP Năm 2022 đạt 6-6,5%. Và đó là con số cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ giữa hoàn cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường.
Thay vì khích lệ tinh thần lạc quan, sự dũng cảm thì một số kẻ ăn không ngồi lại sử dụng tư duy nhược tiểu để cố tình hướng lái người dân đến những viễn cảnh kinh tế tồi tệ, mất niềm tin vào chính quyền. Nói thẳng ra, đó là những con người không bao giờ muốn đất nước này phát triển và người dân được sống bình yên, họ luôn soi mói, mỉa mai hòng đạt mưu đồ chính trị. Vì vậy, chúng ta hãy quên đi việc tồn tại của họ, điều cần làm duy nhất là cùng chung lưng đấu cật để chiến thắng dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu kinh tế của đất nước.
Đặng Trường