Tặng quà và nhận quà cán bộ, lãnh đạo có dũng cảm từ chối?
Nhận quà và tặng quà trong dịp lễ tết hay những việc thể hiện tình cảm, lòng biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ, chia sẻ trong lúc khó khăn là việc hết sức bình thường, là một phần văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, việc tặng quà không còn đơn thuần là tình cảm mà đã bị lạm dụng, biến tướng, trở thành một phương thức che đậy việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu hay vì những mục đích chính trị khác.
Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 gửi đến QH cho thấy, năm 2018 có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng. Trong đó, tỉnh nhiều cán bộ trả lại quà tặng nhất là Bình Thuận với 9 người với số tiền là 106,5 triệu đồng; Đồng Tháp 2 người với 8 triệu đồng; Lâm Đồng 2 người, 20 triệu đồng; Long An 3 người, 17 triệu đồng; Vĩnh Phúc 1 người, 120 triệu đồng…
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ cho thấy, năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Các trường hợp này ở Trà Vinh (1 người, 3 triệu đồng) và Thái Bình (2 người, 100 triệu đồng). Dù con số cán bộ trả lại quà tặng còn khiêm tốn nhưng cử tri và dư luận cho rằng, những quy định của Đảng, quy định pháp luật liên quan đến vấn đề quà tặng đã đi vào cuộc sống.
Những năm gần đây, Ban Bí thư đều ban hành chỉ thị quán triệt các địa phương không chúc Tết Trung ương, nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà bằng việc ban hành Nghị định 59 có hiệu lực ngày 15/8. Quà tặng không đúng quy định thì cán bộ phải từ chối, không từ chối được phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định. Những cán bộ vô tài, vô đức như là những con sâu làm rầu nồi canh, là những ung nhọt của Đảng. Việc họ nhận quà “ không từ chối được” không khác nào là tham nhũng, từ tham nhũng vặt, nhận quà “ nhỏ” chính là khơi nguồn cho việc “ quen tay”, trở thành tệ nạn tham nhũng. Nhiều người coi tham nhũng là “bóng tối vươn theo quyền lực”, thậm chí là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực.Việc đấu tranh với các biến tướng của việc nhận quà không phải là công việc một sớm một chiều. Để đạt được hiệu quả, ngoài việc các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị định của Chính phủ về việc tặng quà, nhận quà tặng thì tai mắt giám sát của người dân cũng rất quan trọng.
Cùng nhìn về con số trong năm 2019 có 3 người nộp lại quà tặng tổng trị giá hơn 100 triệu đồng cho rằng, việc thực hiện quy định về tặng quà và nhận quà tặng chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện, tự giác, ý thức của cán bộ, công chức. Chỉ có 3 trường hợp như trong báo cáo là nộp lại quà, vậy còn những trường hợp khác không nộp lại quà thì không ai biết? Trong khi vấn nạn hối lộ núp bóng tặng quà vẫn đang còn nhức nhối? Đã là một cán bộ có đức, có tài thì phải chấp nhận làm “công bộc” với mức lương “đủ sống”, vào bộ máy nhà nước vì lý tưởng phục vụ xã hội, không vì mục tiêu làm giàu hay trục lợi, hoặc đơn giản chỉ là nhận quà để bôi trơn, giúp cho việc “ xin – cho” dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó phải kiểm soát nội bộ một cách chặt chẽ, phát hiện và thuyên chuyển ngay lập tức hay sa thải những “công bộc” thoái hóa, biến chất, kiên trì thanh lọc bộ máy. Để làm được điều này, mỗi cán bộ đảng viên phải luôn tự nhắc nhở, tự giữ mình trước cám dỗ của những “ món quà” có giá trị tinh thần to, mà giá trị vật chất cũng không nhỏ. Muốn chống việc nhận quà thì mỗi cán bộ phải “không dám”, “không thích”, “không cần” và “không thể” nhận. Họ thật sự phải có dũng khí, bản lĩnh để đứng vững trước những cám dỗ.
Mặc dù đã có quy định nhưng kiểm soát việc tặng quà mà trong nhiều trường hợp là hành vi biến tướng của tham nhũng, hối lộ lại rất phức tạp. Người ta không tặng quà trực tiếp cho lãnh đạo mà nhân dịp đặc biệt như lễ tết, sinh nhật, cưới xin của bố mẹ, vợ, chồng, con cái của lãnh đạo người ta “mừng” quà trị giá rất nhiều tiền với tâm thế muốn được ưu ái nên nịnh nọt. Trong trường hợp này, có mấy ai dũng cảm, kiên quyết, nghiêm khắc không nhận quà?
Gần đây, trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền “hoa hồng” cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Hay đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn… khiến dư luận rất bức xúc. Hay năm 2017 vụ việc 2 căn nhà được doanh nghiệp cho cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng liên quan trực tiếp đến doanh nhân Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ “nhôm”. Nói ngược lại, câu chuyện bí thư nhận nhà doanh nghiệp lại không hề nhỏ.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. “Tặng quà, nhận quà, tôi cho rằng cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để khi thực thi phù hợp với thực tế và văn hóa ứng xử của người Việt Nam”, Chủ tịch Quối hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ. Hay cuối năm 2018, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Chủ tịch, bí thư các địa phương không phải lên trung ương biếu xén, làm tốn kém ngân sách. Chúng ta đang chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở. Thế nên, ngay từ việc này bây giờ thì mới chuyển biến được”.
Người đứng đầu Chính phủ đã dặn dò như thế thì hẳn rằng nhiều năm nay có tình trạng “chủ tịch, bí thư các địa phương lên trung ương biếu xén” và “làm tốn kém ngân sách” – tức là lấy tiền công để phục vụ việc riêng. Trục lợi, dĩ công vi tư là một hình thức tham nhũng, không thể chấp nhận. Rõ ràng, ở góc độ luật pháp thì quy định về quà tặng, xử lý vì phạm về quà tặng không thiếu. Vấn đề còn lại chính là việc thực hiện nghiêm các quy định này trên thực tế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức. Bởi như nhìn nhận của Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, quà tặng được thể hiện dưới rất nhiều hình thức và rất khó kiểm soát. Các quy định về quà tặng, xử lý vi phạm trong việc tặng, hay nhận quà tặng đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ, nhưng điều quan trọng là ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện của mỗi cán bộ, công chức cơ quan trong việc tuân thủ quy định này đến đâu. “Khi món quà có giá trị cao hơn mức cho phép, thì đạo đức công vụ sẽ không cho phép họ nhận món quà đó. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức đều được hình thành từ các quy định của pháp luật, nếu cán bộ nhận quà hơn mức cho phép là đã vi phạm pháp luật và chịu sự kiểm soát, các chế tài, trừng phạt của pháp luật, từ đó hình thành trong cán bộ một ý thức là không được nhận quà nếu biết đằng sau đó là một mục đích khác” – đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình phát biểu.
Tặng quà và nhận quà cũng là một nạn tham nhũng vặt. Giữa người tặng và người nhận đều có lợi ích, chỉ có nhà nước, nhân dân là thiệt hại. Do đó, là cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý khi nhận quà phải tự đặt câu hỏi: Cái này là cái gì? Và tôi tin tất cả cán bộ, công chức khi được người khác tặng quà đều biết thông điệp đằng sau nó là gì. Có thể vì lý do này, hay lý do khác mà người ta không thể cưỡng lại được thì họ nhận. Không tiêu diệt đúng bản chất vấn đề là động cơ, mục đích trục lợi thông qua việc biếu quà thì việc dẹp bỏ vấn nạn hối lộ, tham nhũng là vô cùng nan giải.
Đinh Lực